Làm gia sư nơi xứ người

Làm gia sư nơi xứ ngườiPhần lớn những sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập đều xác định phương châm cho mình đó là “vừa học, vừa làm”. Họ làm đủ công việc kể cả làm gia sư nơi xứ người. Bắt đầu một cuộc sống mới nơi xứ người, hàng hóa đắt đỏ, hàng trăm khoản phải chi tiêu như tiền nhà, tiền ăn, tiền học, mua sắm... đã thôi thúc hàng ngàn du học sinh lao vào làm thêm để trang trải các chi tiêu cho cuộc sống hiện tại mà không cần nhờ vào sự hỗ trợ từ gia đình.

Trong số đó phải kể đến Cường, đang là sinh viên khoa Liên kết mạng tổng đài, ĐH Bưu điện Matxcơva.

Là chàng trai gốc Hà Nội, từng học tập tại trường THPT Trần Phú, du học Nga vào năm 2002. Mùa hè năm 2004, Cường rủ thêm hai sinh viên Việt Nam thành lập một Trung tâm gia sư với cái tên là Niềm Tin. Trung tâm được hoạt động dưới sự điều hành chính của ba thành viên.

Trung tâm được đặt ngay tại KTX của trường trên đường Aviamotornia. Ban đầu trung tâm chỉ có ba người, về sau lên tới con số 30, thành viên đa số là những sinh viên Việt Nam ưu tú. Trung tâm gia sư Niềm Tin dạy tất cả các môn, từ Toán, Lý, Hóa... đến tiếng Anh, tiếng Nga.

Người dạy tiếng Nga cho sinh viên Việt mới sang, người dạy tiếng Việt cho sinh viên Nga, người dạy kèm cho con em người Việt sinh sống tại Nga....

Nguyên, một thành viên trong nhóm, cho biết: “Đa số là dạy cho con em người Việt ở đây. Bố mẹ các em còn bận làm ăn nên bọn mình làm gia sư tiếng Nga để các em có thể theo kịp chương trình trên lớp”.

Hương, thành viên trong nhóm, cho biết: "Mỗi buổi dạy giá là 300-500 rup/ hai tiếng đồng hồ (khoảng 10-15 USD). Bình thường trung tâm lấy 500 rup, nhưng đôi khi cũng khuyến mại, giảm giá xuống 250-300 rup để cạnh tranh.

Trung bình một tháng, mỗi sinh viên làm gia sư được 100-200 USD. Cũng có người dạy cả tuần, thu nhập lên tới 400-500 USD/tháng, đủ chi tiêu và cải thiện đời sống.

Cường cho biết, tại thời điểm thành lập, có nhiều trung tâm gia sư, như trung tâm của trường MGU, Bauman... cũng do sinh viên Việt Nam học tại đó lập lên. Ra đời sau nên trung tâm Niềm Tin phải cố gắng để thu khách về phía mình. Cứ hai tuần một lần, cả nhóm lại phân công nhau đi rải, dán tờ rơi tại địa bàn quanh trường học, các khu mua sắm...

Thời gian gần đây, Cường có ý tưởng, hướng Trung tâm vào các trường học, nghĩa là sẽ không dạy theo kiểu gia sư “một thầy, một trò” mà sẽ chuyển sang dạy gia sư khoảng 4 đến 5 người/lớp, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thuận tiện cho người dạy, lương sẽ cao hơn.

Nhóm gia sư Việt Nam tại Anh

Hạnh, trước là học sinh trường Việt Đức (Hà Nội) hiện là sinh viên năm thứ hai chuyên ngành Kinh tế (Anh) đã cùng một nhóm sinh viên Việt Nam tại đó lập nhóm gia sư ngay từ năm đại học đầu tiên.

Hạnh kể: “Nhà cũng không mấy khó khăn nên ban đầu thấy mình có ý định đi dạy học, bố mẹ mình không đồng ý. Khi thấy hội bạn cùng phòng rủ lập nhóm gia sư, mình phải thuyết phục mãi các “cụ” mới đồng ý”.

Chỉ hoạt động theo nhóm, quy mô không lớn như Trung tâm Niềm Tin, nhưng khó khăn ban đầu Hạnh và các bạn gặp phải cũng là làm thế nào để mọi người biết mình mà tìm đến. Vì vậy, các thành viên trong nhóm chia nhau đi dán tờ rơi, phát tờ rơi trong trường, trung tâm thương mại và tại các chợ lớn.

Do nhóm chỉ gồm có 5 thành viên, nên việc dạy cũng hạn chế, chỉ dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người Anh.

Hạnh cho biết thêm: “Mỗi buổi dạy nhóm lấy công là 15-18 USD/hai giờ đồng hồ. Chi tiêu bên đó đắt đỏ nên vẫn phải tiết kiệm. Hầu như các gia sư như mình đi dạy nhằm lấy kinh nghiệm và nâng cao khả năng giao tiếp là chính”.

Tất cả du học sinh được hỏi đều cho rằng, đi làm gia sư ngoài việc kiếm tiền, điều quan trọng hơn là học kinh nghiệm từ cuộc sống và nối gần hơn những vòng tay người Việt Nam ở nước ngoài.

M.H
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức