Quang Thông (23 tuổi), Nam Phương (21 tuổi), du học tại tiểu bang Texas (Mỹ) cho biết, những sinh viên không có hoặc học bổng không đủ, trừ tiền học phí sẽ phải tốn khoảng 1.000 USD/tháng (hơn 22 triệu đồng) cho các khoản: tiền nhà, tiền ăn, đi lại, mua sắm quần áo, tiêu vặt... Vì thế, hầu hết du học sinh tìm cách làm thêm, bằng đủ nghề để trang trải chi phí nơi xứ người.
Luật pháp Mỹ không cho phép du học sinh làm thêm bên ngoài, nếu không có sự đồng ý của nhà trường. Do đó, các công việc sinh viên người Việt hay làm, theo Quang Thông là trực điện thoại, bưng bê, rửa bát ở nhà ăn trong trường. Lương mỗi giờ cho những việc này khoảng 7-9 USD (150.000-200.000 đồng).
Một số sinh viên nhận được công việc quản lý ký túc xá sau khi qua vòng nộp hồ sơ, tuyển chọn, sẽ có mức thu nhập cao hơn. Thường những người này được miễn phí tiền nhà, không phải chung phòng với các bạn khác. Tuy nhiên, họ sẽ không được nhận làm thêm công việc gì khác và lúc nào cũng phải sẵn sàng giải quyết vấn đề của các bạn trong khu mình phụ trách, như giảng hòa các vụ cãi nhau, tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí...
Cá nhân Thông, dù đã được hỗ trợ toàn bộ học phí và tiền tiêu vặt, vẫn nhận dạy thêm cho sinh viên những lớp căn bản về Đại số, Giải tích. Em cho biết, để nhận được công việc này, phải qua vòng nộp hồ sơ, phỏng vấn, trong khoảng 200 ứng viên, trường sẽ lấy 10-20 người xuất sắc. 'Lương dạy học của em là 15 USD/giờ. Em làm liên tục trong 2,5 năm. Số tiền đó đủ cho em chi tiêu dư giả, mua vé máy bay đi về thăm bố mẹ ở Việt Nam và mời mẹ sang Mỹ chơi, du lịch', Thông nói.
Theo quan sát của nam sinh này, trong các nghề thì việc dạy học, trợ giảng lương tốt và nhàn nhã nhất. Nếu bạn nào có cơ hội ra thực tập ở các công ty bên ngoài về mấy ngành công nghệ, như kỹ sư hay khoa học máy tính, lương sẽ cao hơn hẳn làm thêm ở trường.
Tại Anh, du học sinh Việt Nam cũng tích cực làm thêm. Bùi Thu Vân (học MBA tại Bournemouth University) cho biết, đa phần sinh viên Việt ở đây đi làm bồi bàn với thu nhập 6-7 bảng Anh/giờ (190.000-230.000 đồng). Một số bạn chọn bán hàng thuê dịp Noel, đi dịch, giúp đỡ người già uống thuốc ở các cơ sở y tế cho người cao tuổi hay làm thêm cho trường với lương 8-9 bảng/giờ, nhưng công việc không ổn định. 'Một nghề hái ra tiền của du học sinh người Việt ở Anh là làm móng (nail). Trung bình sinh viên sẽ nhận được 700-1.000 bảng/tháng (23-33 triệu đồng), có bạn nhiều hơn. Nhưng đây là công việc độc hại, phải mất 3 tháng học việc ban đầu. Nhiều du học sinh mải mê kiếm tiền bằng nghề này đã không tập trung cho việc học, ít khi lên trường', Vân nói.
Được trường hỗ trợ học phí nhưng hàng tháng vẫn tốn một khoản phí sinh hoạt gồm tiền nhà, tiền ăn, tiêu vặt... tầm 500-700 bảng nên Thu Vân chọn một công việc làm thêm bên ngoài. Với lợi thế đạt thành tích học tập xuất sắc ở Bournemouth University, em nhận chữa bài và mở lớp dạy cách viết luận đạt điểm cao, cách nghiên cứu hiệu quả cho các sinh viên mới sang Anh. Công việc này mang đến cho Vân khoản thu nhập 200-400 bảng mỗi tháng. Em ngoài ra còn đi dạy tiếng Anh giao tiếp tại trung tâm và gia sư theo nhóm nhỏ với mức lương 300-400 bảng/tháng. Cộng với việc bồi bàn vào cuối tuần, 6 tháng nay Thu Vân không phải xin hỗ trợ kinh tế từ gia đình. Các việc kể trên cũng giúp ích cho định hướng tương lai của em là trở thành một giảng viên đại học.
Tại đất nước Nhật Bản, du học sinh đang theo học thạc sĩ ngành Luật tại Đại học Kyushu - Lê Thị Thu Vân chọn đi làm thêm để thử thách bản thân bằng việc độc lập tài chính với gia đình và phục vụ sở thích du lịch. Em cho biết, đã làm rất nhiều nghề như: dạy tiếng Anh giao tiếp cho doanh nhân, học sinh, sinh viên bản địa; trợ lý tại các kỳ thi TOEIC; hướng dẫn viên cho các đoàn chính khách Việt Nam sang làm việc và khách du lịch Việt sang thăm Nhật Bản; MC, lễ tân cho hầu hết sự kiện của Tổng lãnh sự quán và Hội sinh viên Việt Nam, phục vụ nhà hàng, khách sạn nhỏ...
Các công việc này cùng với học bổng có thể mang đến cho Vân tổng thu nhập một tháng khoảng 1.400-1.900 USD (25-40 triệu). 'Em có thể chi tiêu thoải mái và dành dụm cho sở thích du lịch, đầu tư, mua quà biếu, tẩm bổ, chăm sóc thêm cho bố mẹ. Hầu hết lần bước chân ra nước ngoài của em đều không phải dùng đến tiền tiêu vặt nào bố mẹ dúi cho', Vân chia sẻ.
Bên cạnh công việc được phép, không ít du học sinh Việt đã làm 'chui' để có khoản thu nhập cao hơn. Tại Mỹ, hình ảnh sinh viên bưng bê ở các quán ăn Việt không phải 'hiếm' thấy. Theo Nam Phương (trường UT MD Anderson), nếu bị bắt, du học sinh sẽ bị nhà trường cảnh cáo, nặng có thể phải về nước.
Bùi Thu Vân (Bournemouth University, Anh) cũng phê phán việc làm thêm trái phép hoặc lao vào kiếm tiền mà lơ là chuyện học của một số du học sinh. 'Em không ủng hộ quan điểm phải sống phải chết ra nước ngoài học khi mà chưa xác định được cho bản thân rõ ràng. Nhiều bạn cứ mải mê kiếm tiền bằng những công việc không liên quan đến ngành học rồi quên việc học. Dù có hay không có học bổng thì các du học sinh cũng phải dùng tiền trợ cấp từ bố mẹ. Do đó cần xác định sống, học tập, làm việc sao cho khoản đầu tư đó sinh lời đúng hướng', nữ thạc sĩ nói.
Quỳnh Trang
Nguồn: VNexpress.net
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000