Du học sinh khi đặt chân tới nước bạn luôn có nhu cầu tìm việc bởi nhiều lí do khác nhau. Song song với việc học, du học sinh cần phải tự đặt ra những câu hỏi: Nên làm những công việc gì, và vào lúc nào? Dưới đây là các thể loại việc làm mà du học sinh có thể tìm được ở các giai đoạn khác nhau (mới sang, đã ở lâu,...)
Chạy bồi cho quán Việt, làm nail, phụ bếp,... Những công việc này thường phù hợp cho những ai mới sang, tiếng chưa vững, và chưa có kinh nghiệm gì.
Lợi ích: Tiền cầm tay, khi làm việc không cần nghĩ ngợi nhiều. Có thể tạo được quan hệ với cộng đồng người Việt, nhờ vả anh chị, cô chú giúp đỡ khi cần. Trong nhiều trường hợp có thể "làm chui", không cần giấy tờ.
Bất cập: Lương thấp, không được trả lương xứng đáng nếu giấy tờ không đàng hoàng. Phần lớn những nơi này đều yêu cầu làm nhiều, không có thời gian học. Lại bị hạn chế khả năng trau dồi ngoại ngữ. Ngoài ra, các du học sinh vẫn luôn rỉ tai nhau làm cho người Việt thì "nhiều thị phi", mà những công việc kiểu này thì hoàn toàn không có ích cho tương lai.
Trường hợp của L. - một du học sinh trẻ đã sang Đức được hơn ba năm. Công việc đầu tiên của L. ở nước bạn là làm việc với máy rửa bát và dọn bếp cho một nhà hàng. Ngày nào về cũng rã rời xây xẩm. Cả ngày chỉ tiếp xúc với các đầu bếp. Lương thấp, L. chuyển sang làm bồi thì chủ quán yêu cầu làm cả tuần khiến L. không còn thời gian học.
Việc làm part time cho chủ người bản địa: bán đồ ăn nhanh (KFC, McDonalds), bartender (Starbucks), thu ngân, bán bánh, gói quà, đưa thư, trông chó mèo, trông trẻ,...Những công việc này phù hợp với những người đã sang một thời gian, có thể giao tiếp được mà cũng chưa có quá nhiều kinh nghiệm.
Lợi ích: Có cơ hội trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ, hiểu thêm về thị trường việc làm và cuộc sống địa phương. Được trả lương cơ bản, đóng thuế và quyền lợi đầy đủ. Kết thêm bạn với đồng nghiệp người bản địa, trao đổi về văn hóa.
Bất cập: bất đồng ngôn ngữ vẫn có thể là một vấn đề, nhiều công việc không ổn định
Sau khi nghỉ làm việc ở quán ăn, L đi làm housekeeping trên một chiếc thuyền khách sạn du lịch hạng sang, công việc là lột chăn ga, vỏ gối, dọn dẹp phòng khách sạn vào mỗi sáng. Tuy nhiên việc chỉ có vào mùa du lịch nên thu nhập thất thường. L chuyển sang làm cho KFC, lương cơ bản nhưng bán hàng bục mặt và văn hóa đồ ăn nhanh khiến L bị khủng hoảng tinh thần. Đến nỗi sau này L sợ không dám ăn gà KFC suốt một thời gian dài. Tiếp theo L đi phát cơm ở bệnh viện, biết thêm về cách hoạt động của bệnh viện, các bệnh nhân và cuộc sống của họ. Sau đó L đổi qua làm thu ngân cho một siêu thị điện máy lớn nhất châu Âu hiểu được thêm rất nhiều về văn hóa tiêu thụ của người Đức. L biết được người Đức cực kỳ tôn trọng luật bản quyền, vẫn mua đĩa để xem phim và xem phim lậu trên mạng là một việc cấm kỵ.
Việc làm part time, full time, student assistance, internship,... ở các công ty
Công việc này thuộc hàng "công việc trong mơ" đối với các du học sinh, phù hợp với những người đã đi học được một thời gian, khả năng ngoại ngữ vững vàng, có kiến thức về các chuyên ngành, tự tin và đã phải có ít nhiều kinh nghiệm.
Lợi ích: Không phải việc chân tay, tránh được mệt mỏi về cơ thể, đầu óc được hoạt động, không bị trì trệ. Trả lương cao. Có cơ hội trau dồi và nâng cao kiến thức chuyên ngành, phục vụ lợi ích thực tiễn cho việc học nếu được làm đúng ngành đang học. Được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại. Làm đẹp CV và nâng cao khả năng tìm được các công việc tốt hơn trong tương lai.
Bất cập: Phải không ngừng cố gắng để chứng tỏ bản thân hiệu quả trong công việc ngang với người bản địa, áp lực doanh nghiệp và câu chuyện "bán linh hồn cho tập đoàn" cũng là một vấn đề của những người trẻ trong cuộc sống hiện đại. (Các công ty lớn thường có rất nhiều nhân viên. Những người này thường không có tiếng nói, quan điểm và ý kiến không được sếp lắng nghe dẫn đến những bất mãn dồn nén hay ức chế,…).
Quay trở lại với L, tới năm thứ ba ở trên đất khách, L rốt cuộc cũng được nhận làm ở một tòa soạn báo nổi tiếng và uy tín của người Đức. Người phỏng vấn đã nói, dù trước đây L chưa từng làm qua công việc văn phòng nào nhưng đã không có những khoảng trống ("gap") trong toàn bộ quá trình L ở trên đất nước này, tức là không có lúc nào L không làm gì, và họ đánh giá cao việc L rất chăm chỉ thử qua tất cả những công việc khó khăn.
L được trả lương cao, xứng đáng với số thời gian L bỏ ra. Lịch làm việc theo giờ hành chính, dễ sắp xếp việc học. Công việc này sau đó được ghi vào CV, các công ty khác đều thấy có cảm tình với L. Cũng phục vụ việc học bởi ngành học của L là truyền thông. Tuy nhiên trong môi trường công sở cạnh tranh, L cũng đã phải cố gắng rất nhiều để chứng tỏ bản thân có thể mang lại hiệu quả ngang với những người bản địa. Trong khi làm việc gặp không ít những trường hợp bị đánh giá thấp khả năng.
Những công việc làm tại nhà: Freelancer designer, cộng tác viên viết báo, online marketing,…
Đây là những công việc sẽ phù hợp với rất nhiều người đặc biệt là du học sinh bởi tính linh hoạt về thời gian của nó. Du học sinh có thể tận dụng thời gian của mình một cách hiệu quả hơn, vừa học vừa làm. Trong hồ sơ xin việc, thành thạo về các phần mềm cũng là một điểm cộng. Công việc này là một loại hình công việc đang rất được ưa chuộng hiện nay. Dù không đáng kể, nó cũng tăng một phần thu nhập và các công việc freelancer phần lớn không bị tính thuế.
Có điều những công việc làm tại nhà đòi hỏi cao khả năng tự học và tự trau dồi kĩ năng cá nhân của người thực hiện, bởi sẽ không có ai đứng ra hướng dẫn hay chỉ bảo. Đối với những công việc kiểu này cũng sẽ không có nhiều cơ hội thăng tiến.
Là người linh hoạt nên L vẫn đang làm cả những công việc như thiết kế bao bì sản phẩm, poster hoặc flyer. Thời gian này L đang làm cộng tác viên cho một trang báo mạng. Đồng thời L cũng nhận các project dịch ở một công ty quốc tế, mảng phản hồi sản phẩm. Số tiền kiếm được không lớn cũng không nhỏ, coi như một phần thưởng cho bản thân. L cũng tích lũy được không ít kinh nghiệm làm việc với các phần mềm đồ họa và các phần mềm xử lí dữ liệu.
Câu chuyện của L là một ví dụ tiêu biểu về một lộ trình tìm việc rất cơ bản của một du học sinh, từ lương thấp đến cao, từ việc chân tay tới việc văn phòng. Trải nghiệm đủ mọi thể loại công việc khiến L hiểu được giá trị của đồng tiền, biết tôn trọng mọi công việc và những người làm nó, ý thức được khả năng của bản thân và biết được mình phù hợp với công việc nào. Dù là làm gì, du học sinh cũng không được quên mất nhiệm vụ đi học, không nên mải làm quên học. Không nên chê bai khinh thường bất cứ công việc nào. Tuy nhiên ở từng thời điểm hãy biết dựa vào khả năng của mình để đưa ra những lựa chọn hợp lí và đúng đắn.
Nguồn: Tổng hợp
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...