Nhiều sinh viên Việt Nam bước vào đại học với cái đầu không định hướng, không chủ động, không có chính kiến!
Trên thế giới, học sinh cấp 3 sau khi tốt nghiệp hầu như đều đã có định hướng sẽ làm gì, học ở đâu. Về cơ bản, giáo dục ở các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc không khác nhau quá nhiều giữa nông thôn và thành phố.
Có những bạn không muốn theo con đường học đại học, muốn đi làm ngay nên sẽ học các trường chuyên môn (giống như dạy nghề ở Việt Nam), có những người sẽ quyết định vào đại học để có một công việc tốt hơn. Tại Việt Nam, đa số học sinh cấp 3 sau khi tốt nghiệp có gì? Kiến thức của 12 năm học, không định hướng, không chủ động, không có chính kiến…
Khi lên đại học, trải qua 4 năm với rất nhiều thời gian, tiền của của gia đình, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam hiện nay thiếu rất nhiều thứ để bước ra ngoài đời ngoài tấm bằng loại khá, vài ba năm “kinh nghiệm” bưng bê tại các quán cà phê, nhà hàng. Nguyên nhân của hệ quả đó là sự bao bọc quá mức của gia đình khiến cho các bạn không có ý thức tự lập ngay từ bé.
Tôi có xem rất nhiều phóng sự về các bạn sinh viên Việt Nam cảm thấy khó khăn khi phải hoà nhập với cuộc sống xa nhà. Nhưng ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản sự tự lập của bạn đã có từ rất sớm, tôi có tiếp xúc với nhiều sinh viên Nhật Bản và được họ chia sẻ rằng cuộc sống của một sinh viên xa nhà rất thú vị, có nhiều hoạt động cho họ tham gia để rèn luyện kỹ năng để đi làm sau này, nhưng cũng ở Nhật Bản các bạn du học sinh Việt Nam hầu như không có thời gian cho những hoạt động đó vì ngoài thời gian trên lớp thời gian còn lại các bạn đi làm ở quán sushi, cửa hàng tiện lợi... để kiếm thêm thu nhập.
Du học khổ quá thì đi về, tại sao lại than thở, thích đổ lỗi cho hoàn cảnh
Nhiều lần tôi hay hỏi các đàn em khoá dưới mục đích các bạn sang đây để làm gì? Để học hỏi những kiến thức ở Việt Nam rất khó để có, để cuộc sống sau này tốt đẹp hơn? Hay chỉ là khi còn ở Việt Nam rảnh, không biết làm gì nên đi du học, vay một khoản tiền thật lớn để đi, sau 4 năm trả hết nợ rồi lại về vì 4 năm ở đó, tiếng bản xứ không biết, trình độ cũng không vậy công ty nào dám tuyển các bạn?
So với du học sinh các nước thì du học sinh Việt Nam có một đặc điểm chung là thiếu tự tin, khả năng làm việc nhóm kém, thuyết trình tệ và quan trọng hơn sinh viên Việt Nam biết điều đó nhưng lại không muốn thay đổi. Sinh viên nước ngoài vẫn tự tin giao tiếp với người bản xứ mặc dù tiếng của họ chưa tốt nhưng với sinh viên Việt Nam thì luôn có một tư tưởng tự ti trong đầu khi học ngoại ngữ là khi nào trình độ tốt rồi mới dám đi giao tiếp với người khác. Các bạn hay thích đổ cho hoàn cảnh, kinh tế khiến các bạn không có thời gian để dành cho những hoạt động như vậy và cái “văn hoá” đổ lỗi đó có lẽ đã được ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Nếu cứ lấy cái xấu của người khác để bao biện cho cái chưa tốt của bản thân thì có lẽ sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới theo kịp các sinh viên quốc tế khác.
Nhiều bạn chọn con đường du học nhưng lại sang với mục đích là kiếm tiền, nếu không chịu được thì đi về! Muốn cuộc sống tốt nhưng lại không thích lao động nặng nhọc, muốn cạnh tranh với các sinh viên quốc tế nhưng không chịu trau dồi kiến thức. Khó khăn nhưng vẫn dùng những chiếc điện thoại đời mới nhất, vất vả nhưng vẫn sắm được những chiếc máy tính đời cao nhất thì khó khăn hiện diện vào lúc nào?
Đừng nghĩ bạn thông minh và làm việc thông minh theo cách bạn cho là thông minh
Giới trẻ Việt Nam bắt nhịp và tiếp thu các xu hướng của quốc tế rất nhanh, nhanh hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực nhưng sau đó lại chẳng giữ lại cho bản thân được điều gì sau những xu hướng đó. Khi ra nước ngoài mọi người lúc nào cũng tự hào và tự cho mình “cần cù, thông minh, chịu khó”?!
Người trẻ hiện nay ai cũng thích làm lãnh đạo, nhóm 10 người thì cả 10 đều là lãnh đạo. Trong quá trình làm việc ai cũng giữ cái tôi của mình ở vị trí cao nhất và không bao giờ chịu lắng nghe ý kiến của người khác.
Để giải quyết một công việc, thay vì phân tích và làm theo các bước thứ tự A-B-C-D, nhiều bạn chỉ cần biết kết quả và làm sao cho ra đúng kết quả là được, rất ít có sự phân tích trong đó vì vậy đến có lỗi phát sinh về sau này sẽ không thể biết lỗi đến từ giai đoạn nào và cần giải quyết ra sao.
Chúng ta hay chia sẻ với nhau câu nói “Don't Work Hard, Work Smart” như thể bạn đang làm việc theo cách thông mình theo cách bạn đang nghĩ, vậy câu hỏi đặt ra là nếu bạn làm việc thông minh thì ai là người làm việc không thông minh? Tôi đi nhiều và nhận ra sinh viên quốc tế luôn đề cao sự chăm chỉ, tôi chưa cần biết bạn thông minh đến đâu nhưng trước hết phải chăm chỉ cái đã, chăm chỉ chưa chắc đã thành công vì nó còn phụ thuộc vào sự may mắn, khả năng nắm bắt cơ hội. Đã thành công thì chắc chắn là người chăm chỉ.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nam Hồng, du học sinh Việt tại Nhật, người vừa giành học bổng toàn phần tại 2 trường ĐH ở Fukuoka, hiện sắp làm việc tại Toyota trong lĩnh vực Xe tự lái)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...