Bạn nhìn vào con số đó, rồi mỉa mai Việt Nam nghèo nàn khổ sở. Nhưng bạn à, cầm mấy chục triệu ở nước người ta, cũng chỉ như mấy triệu ở nước mình thôi. Thật đấy!
Nhiều khi có ý tốt mà bị một số thành phần cực đoan xuyên tạc. Đôi lúc cũng cảm thấy bức xúc. Có ý giúp ai đó, người ta hiểu được thì ấm thân, mà không hiểu từ từ sẽ trải nghiệm cuộc đời ngỡ ngàng.
Đầu tiên mình khẳng định, nếu có điều kiện kinh tế, đi du học luôn là sự lựa chọn tốt. Mình rất ủng hộ việc du học nếu đủ điều kiện và quyết tâm nhé!
Dưới đây, mình chỉ xin chia sẻ một góc nhìn khác.
Ở Việt Nam và một số người sống ở nước ngoài thực sự rất coi thường Việt Nam.
Việt Nam trong mắt họ đói nghèo, rách nát, bẩn thỉu. Nhưng họ quên đi mất một điều, dù có đói nghèo, rách nát đến cỡ nào, nó vẫn là quê hương.
Nếu quê hương mình có gì chưa bằng quốc gia khác, bản thân, dù rất nhỏ thôi, do lỗi mình một phần, vì mình chưa đóng góp được gì, mà chỉ chê bai.
Một số còn thoát ly, rồi dòm về khinh bỉ. Có nhiều người ở nước ngoài đã rất lâu, chưa về Việt Nam, nên không biết nhiều thứ đã thay đổi.
Tưởng Việt Nam vẫn cái gì cũng thiếu như ngày xưa.
Thực ra, ở quốc gia nào cũng vậy, cũng có cơ hội và những bất cập.
Bạn có điều kiện kinh tế, thì ở bất cứ nơi nào bạn cũng sẽ được hưởng mức đãi ngộ tốt hơn những người thu nhập thấp. Cứ coi là mình yêu Việt nam vô điều kiện, vì mình sinh ra ở nơi này. Nhưng mình cũng đi nhiều nước khác nhau, và những ngợi ca của các bạn, có điều sai điều đúng.
Năm 2012-2013 gì đó, mình không nhớ rõ chính xác, mình nhận được một mess đẫm nước mắt của 1 bạn du học sinh Nhật gửi vào fanpage mình.
Đó là ấn tượng đầu tiên của mình về những khó khăn của con người xa xứ. Không phải ước mơ màu hồng nào cũng mang tới sự thật màu hồng.
Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ bạn ấy đã vay mượn, thậm chí vay nặng lãi để có thể chạy chọt cho bạn có tiền du học Nhật, với mong muốn bạn ấy sang đó vừa đi học vừa đi làm, kiếm tiền gửi về trả nợ.
Bạn ấy cũng đi theo ước vọng của mẹ, với biết bao hy vọng về đứa con gái khi qua tới bên đấy có thể thay đổi cuộc đời không chỉ của bạn ấy, mà tương lai của cả gia đình.
Bạn ấy đi làm ngày làm đêm, làm chui làm lủi để cố tích cóp tiền gửi về cho mẹ trả nợ. Không dám than vãn, không dám kêu ca, mặc dù cuộc sống học và làm khi đó quá sức với bạn ấy.
Ngày chỉ ngủ vài tiếng, lên lớp không đủ giờ, đi làm chui, nợ môn và có nguy cơ bị đuổi học.
Nhưng vẫn không đủ tiền gửi về cho khoản vay nặng lãi mà mẹ bạn ấy đã vay cho bạn ấy đi.
Có những lúc bạn ấy gửi tiền về chậm, mẹ bạn ấy tưởng con mình qua đó ăn chơi, nên nói những lời lẽ rất nặng nề.
Mà đâu biết con mình ở bên ấy, vất vả đến thế nào. Mình miêu tả thì không rõ được, nhưng những dòng bạn ấy viết cho mình, thật quá đỗi nặng lòng.
Bởi khi ấy, bạn ấy đứng trước nguy cơ hết visa, bị đuổi học về nước, không có tiền trả nợ, hoặc ở lại thành người bất hợp pháp.
Vài năm sau đó, mình sang Nhật, ở nhà của một người em, em mình đã có thẻ định cư vĩnh viễn ( từ chuyên của Nhật là gì mình không biết ).
Lúc hai chị em đang chuyện trò, thì em nhận được một cuộc điện thoại từ Việt Nam của người quen.
Mình không biết đầu dây bên kia nói gì, chỉ nghe em mình hết mực khuyên can người đó đừng nghe thiên hạ xúi bẩy mà vay mượn cho con sang đó với hy vọng vừa đi học mà vừa đi làm kiếm được nhiều tiền.
Em mình bảo họ phải xác định rõ 1 là sang đi học là phải học, và rất tốn kém. Hai là sang đi làm thì đi làm, nhưng rất vất vả.
Tuy nhiên, vì thông tin ở Việt Nam đều không rõ ràng, giấc mơ nước ngoài trở thành thiên đường của nhiều người muốn thoát ra khỏi bể khổ, nên họ sẵn sàng vay mượn… bán nhà bán đất, và dồn hết ước mơ đổi đời lên vai con cái mình nơi xa xứ.
Mình không nói ở Nhật hay bất kỳ quốc gia nào sống khổ. Họ sống sướng, họ văn minh, cơ sở hạ tầng họ tốt.
Tất nhiên. Nhưng người Việt Nam thường hay so sánh ngây thơ rằng: 3000 đô hay 5000 đô ở Nhật, ở Mỹ thì quá là giàu rồi.
Là các bạn chưa đúng. 3 hay 5000 đô ở những nước phát triển tiêu nhanh như bọt biển vậy, nó có thể đủ sống, nhưng không đại gia như Việt Nam mình.
Ở Việt Nam, bạn phải lên vị trí khá cao mới có mức lương tầm 5000 đô, nhưng ở những nước phát triển, ở vị trí tương đương họ có thể phải trả tới 10 ngàn, 20 ngàn đô.
Ở Việt Nam, sinh viên ra trường có thể có mức lương 4 triệu. Nhưng ở Nhật, Anh, Mỹ…v.v… sinh viên đi làm thêm có mức thu nhập từ 6-8$/ giờ là chuyện bình thường. Tính ra 1 tháng cũng mấy chục triệu rồi.
Bạn nhìn vào con số đó, rồi mỉa mai Việt Nam nghèo nàn khổ sở. Nhưng bạn à, cầm mấy chục triệu ở nước người ta, cũng chỉ như mấy triệu ở nước mình thôi. Thật đấy!
Hôm trước, cô mình nói công ty tư vấn du học, tư vấn cho em họ mình đi du học ÚC.
Họ tính là bỏ ra ngần này tiền, xong sang đấy vừa học vừa làm, trừ các chi phí, bố mẹ không cần phải gửi tiền sang thì vẫn… lãi. Mình nghe xong cô mình nói mà cảm thấy rất bức xúc.
Trong đầu mình nghĩ luôn đến 3 chữ: “BỌN LỪA ĐẢO”. Chỉ vì muốn dụ dỗ con nhà người ta sang ÚC để kiếm tiền môi giới du học.
Mà nghĩ ra đủ thứ chiêu trò. Nhỡ gia đình người ta không có điều kiện? Lỡ con cái họ không đủ nghị lực? Sang đó học không xong mà kiếm tiền không đặng. Vài năm trôi qua tiền mất tật mang thì sao?
Nhưng mình giải thích thế nào, cô mình cũng bảo là bọn nó phân tích hay lắm, phân tích đúng lắm.
Mình cũng cạn lời.
Các bạn còn trẻ, các bạn có nhiều cơ hội, hãy tỉnh táo trước từng sự lựa chọn, đừng để trở thành gánh nặng cho chính bản thân và gia đình với những khoản nợ nần chồng chất.
Nếu có điều kiện đi du học, tất nhiên là hãy đi.
Vì du học giúp bạn mở mang tầm mắt, khám phá môi trường và cuộc sống ở quốc gia khác với đất nước mà bạn sinh ra.
Cũng như, du học giúp bạn thu thập được kiến thức, có thêm học vị, rất tốt cho công việc sau này.
Nhưng ý mình ở đây, là đừng đánh cược tài sản, cả cuộc đời chỉ vì nghĩ du học có thể kiếm tiền và lãi ngay lập tức.
Vô hình chung, tự tạo cho những người xung quanh và bản thân một áp lực nặng nề khi bạn thậm chí còn chưa bước chân ra đời.
Mình học chuyên Pháp, từng có ước mơ đi du học Pháp.
Lúc đó còn trẻ trâu, cũng về nói bố mẹ vay tiền đi cho con đi, nhất định con sẽ vừa đi học vừa đi làm rồi trả bố mẹ.
Khi ấy, đúng là mình suy nghĩ nông cạn.
Gia đình mình chẳng khá giả gì mà mình cứ có cái kiểu đòi vô lý ấy, bây giờ nghĩ lại cảm thấy xấu hổ vô cùng.
May mắn thay, mình không đủ quyết tâm, vì thấy các bạn mình ở Pháp quá vất vả.
Đi làm thêm trong vườn nho mà ngất xỉu mấy lần, rồi đứa nào học cũng bị kéo dài thời gian vì… mải kiếm tiền.
Đáng ra học 4 năm thì toàn 6,7 năm mới xong.
Khi mình ở Việt Nam đi làm chính thức đã rất lâu, mới thấy các bạn mình bắt đầu đi thực tập. Vì ở bên đó, phải lo kiếm sống trang trải nhiều thứ.
Việc bạn khóc lóc đòi bố mẹ vay tiền mua cho mình cái SH, với việc bạn khóc lóc đòi bố mẹ vay nặng lãi cho mình đi du học, thực sự là giống nhau.
Mục đích vẫn là vòi vĩnh đòi hỏi bố mẹ làm một việc quá sức vì mình.
Chúng ta lớn lên, trưởng thành, nếu không giúp đỡ được gì cho đấng sinh thành, cũng đừng nỡ lòng nào trở thành gánh nặng tuổi già của cha mẹ.
Nhưng cũng có một số trường hợp, cha mẹ vì nghe người ngoài nói nhiều nên vay mượn cho con đi khi gia đình không đủ điều kiện. Bản thân mỗi người kể cả con cái lẫn cha mẹ đều khổ tâm vì một đống nợ ấy thôi.
Nhà có tiền thì đi đâu cũng được. Nhưng nếu nhà mình khó khăn, thì đừng bán mạng liều lĩnh làm gì.
Người Việt mình có một số thành phần rất sính ngoại. Cứ đi Tây về là oai. Đi Tây về là oách. Nhưng ở Tây có thực sự sướng hay không? Người trong cuộc chắc hẳn biết rõ.
Có tiền, có điều kiện, thì không cần phải Tây, ở Ta các bạn cũng sướng như ông hoàng bà chúa. Còn đã vất vả, thì mỗi nước một sắc thái.
Bởi ta mới nói: Cuộc sống không dễ dàng.
Mình rất thích đi đến nhiều nước, nhưng chỉ là du lịch thôi.
Mình có lần bị mỉa mai: “Chưa đi Mỹ thì không có đẳng cấp, là đồ nhà quê! Có tiền cũng chỉ là bọn nửa mùa nếu chưa đi Mỹ “….
Mình mới thấm thía cái sự khinh Việt của một số người Việt.
Vì mình thực sự thương các bạn trẻ, và gia đình các bạn, muốn các bạn có cái nhìn khách quan trước khi bán nhà bán đất, bán tương lai để nuôi một niềm hy vọng chưa rõ ràng ở nước ngoài, nên mình mới nói
. Mình không muốn nhiều người Việt mình sang đó sống khổ, rồi đường cùng phải chui lủi trở thành người sống bất hợp pháp, hoặc xảy ra các tệ nạn để bị đất nước họ khinh rẻ.
Vậy nên hãy suy nghĩ thật kỹ nhé.
Cách đây không lâu, mình sang Nhật có thấy biển dán ở cửa hàng tiện lợi bằng tiếng Việt với dòng chữ: “XIN ĐỪNG ĂN CẮP, Ở ĐÂY CÓ CAMERA!”…. Tại sao ở NHật mà biển đó lại viết tiếng Việt? Tức là họ đã bắt gặp nhiều người Việt ăn cắp, chứ sao?
Khi bạn ở nước ngoài, bạn mang trong mình không chỉ danh dự cá nhân của riêng bạn, mà còn danh dự của cả đất nước bạn. Đừng bao giờ đẩy mình vào đường cùng không lối thoát, để tên đất nước mình bị tổn thương dù bạn không yêu nó chút nào đi chăng nữa.
Và quan trọng hơn, dù bạn sống ở bất cứ đâu, hãy tỉnh táo trước từng sự lựa chọn, để không bao giờ biến mình trở thành KẺ CÙNG ĐƯỜNG.
Câu chuyện ngày hôm nay, mình nói không chỉ riêng Nhật, Anh hay Pháp, Mỹ , ÚC…. Nếu bạn nào có thể tư duy một chút, thì cái mình muốn nói đó là những lựa chọn, lựa chọn con đường đưa bạn đến cuộc sống của những người DẪN ĐẦU hay những kẻ LAO ĐẦU, cắm mặt.
Còn nếu nói về các cường quốc văn minh, nhắc lại để tránh việc nhiều bạn cứ hiểu sai ý mình rồi xuyên tạc chửi bới. Rằng: Mình cực kỳ thích du lịch ở Nhật, ẩm thực Nhật, văn hoá Nhật, và mình đang làm việc với 3 công ty của Nhật lận. Nên họ có nhiều cái tốt mình biết chứ và rất yêu nó là đằng khác. Mình cũng rất thích sự phát triển ở Hàn, cực kỳ thích châu Âu và đang rất nhớ London những ngày mình cùng chồng ở đó…. Mình không hề ghét, thậm chí rất ngưỡng mộ những quốc gia này.
Tuy nhiên, những gì cần nói, mình đã nói rồi. Sau này, những comment chê bai Việt nam bẩn thỉu, ca ngợi các nước khác tốt hơn, mình sẽ không đôi co nữa.
Đừng so sánh cơ sở vật chất ở Việt Nam với ở Mỹ, Anh, hay Nhật.
Vì số tiền mỗi lần các bạn trả cho phương tiện giao thông công cộng ở các quốc gia này cao gấp mấy chục lần dịch vụ tương tự ở Việt nam.
Đi từ zone 1 ra sân bay Heathrow ở London có giá tương vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Sài Gòn đó. Mua 1 nhúm rau mùi ở Nhật tính ra tiền Việt là 100k cơ….
Vẫn là mức sống khác nhau, thứ bạn trả khác nhau.
Thử nói xem, ở Việt Nam bỏ 100k ra mua rau mùi có phải sẽ mua được 1 rổ rau mùi thượng hạng không? Vậy nên chúng ta đừng so sánh, đừng chê bai.
Chúng ta cố gắng cải thiện những gì chưa tốt nhé!
Các bạn cũng nên nhớ, người ta ( người nước ngoài ) họ không dành sự tôn trọng cho những người chửi bới quốc gia của chính mình đâu.
Dù các bạn lựa chọn thế nào thì cũng mong các bạn văn minh và tỉnh táo. Chúc các bạn sẽ thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Trở thành ai đó rất đặc biệt truyền cảm hứng cho những thế hệ tiếp theo nhé!
Nguồn: Facebook Gào
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...