Có hai loại câu cơ bản trong tiếng Đức: Câu chính (Hauptsatz) và câu phụ (Nebensatz). Chỉ cần nhớ hai qui tắc sau là có thể phân biệt được giữa câu chính và câu phụ.
Câu phụ không thể tồn tại một mình mà không có câu chính.
Weil ich keine Zeit habe,… // Bởi vì tôi không có thời gian,…
Ob er zu Hause ist,… // Liệu cậu ta có nhà không,…
Ngay trong tiếng Việt, nếu không có gì nói thêm vào thì chúng ta cũng thấy có gì không ổn. Tiếng Đức cũng vậy thôi. Ngược lại với câu phụ, câu chính dù ngắn đến đâu cũng có thể tồn tại một mình mà không nhất thiết phải có gì thêm vào.
Ich lese.
Ich habe keine Zeit.
Wir sind seit etwa 5 Minuten mit den Hausaufgaben fertig.
Vị ngữ(konjugiertes Verb,Prädikat, in đậm ở những ví dụ trên) trong câu chính bao giờ cũng nằm ở vị trí thứ hai trong câu, còn trong câu phụ thì nằm cuối câu.
Bây giờ chúng ta xem xét một câu khác:
Ich komme nicht zu dir, weil ich keine Zeit habe.
Trong ví dụ này chúng ta nhận thấy rất rõ ràng sự khác nhau giữa hai câu nói. Câu đầu tiên là một câu chính, vị ngữ (komme) đứng ở vị trí thứ hai. Câu thứ hai là một câu phụ, vị ngữ (habe) đứng ở cuối câu. Thêm nữa câu này không thể tồn tại một mình mà không có câu chính.
Người ta chia một câu chính làm ba loại:
Câu trình bày(Aussagesatz):Trong dạng câu này vị ngữ luôn đứng ở vị trí thứ hai.
Câu trình bầy bao giờ cũng được cấu trúc như sau:
Subjekt - Prädikat – Objekt - (Verb)
Thỉnh thoảng vị trí của Objekt và Subjekt cũng có bị hoán vị, nhưng Prädikat bao giờ cũng nằm ở vị trí thứ hai trong câu.
Ich werde ein Bild malen.
Đây là một câu trình bầy rất thông thường ở thể Futur I.
Trong câu này chúng ta thấy vị ngữ „werde“ đứng ở vị trí thứ hai trong câu, động từ chính „malen“ phải đứng ở cuối câu tạo thành một khung văn phạm(Grammatikrahmen) mà chúng ta đã nói ở phần trên. Đây là một câu chính với đầy đủ ý nghĩa của một câu nói.
- Đáng bàn đến là động từ (Verb). Động từ ở đây tùy theo thời (Zeitformen), cách nói (Aussagemodus), hoặcGenus Verbi (chủ động, bị động) có thể sẽ như sau: ohne Verb, Infinitiv (nguyên thể), Partizip II (Động tính từ hai), Modal und Hilfverben.
Câu hỏi quyết định(Entscheidungsfrage)
Khác với những câu hỏi bắt đầu bằng chữ „W“ như „Was, Wie, Wo, Wessen, Wer, Wem Wen,…“ người ta chỉ cần hoán vị chủ ngữ và vị ngữ, những thành phần khác trong câu hoàn toàn không bị động chạm đến.
Werde ich ein Bild malen?
Dạng câu này người ta có thể chỉ cần trả lời với „Ja“ hoặc „Nein“. Dĩ nhiên không ai cấm chúng ta trả lời dài hơn…
Câu mệnh lệnh(Aufforderungsatz):
Mal ein Bild!
Mệnh lệnh thức có qui tắc chia riêng (xem phần chia động từ). Điều đáng nói là dạng câu này không nhất thiết phải kết thúc bằng một dấu chấm than. Mà cũng có thể được kết thúc bằng dấu chấm.
Mach das Fenster zu!
Mach das Fenster zu.
Mach bitte das Fenster zu.
Mach bitte mal das Fenster zu.
Mach doch bitte mal das Fenster zu.
Những từ như „bitte“ hoặc „bitte mal“ làm cho câu mệnh lệnh nhẹ đi rất nhiều. Với từ „doch bitte mal“ thì từ câu mệnh lệnh đã gần như thành một câu đề nghị, xin xỏ rồi.
* Sự kết nối giữa hai câu chính:
- Nếu hai câu chính được kết nối với những liên từ (Konjunktion) sau thì vị trí của vị ngữ không thay đổi (vẫn nằm ở vị trí thứ hai của mỗi câu): oder, und, aber, denn, sondern
Er fährt nach Italien und sie reist nach England.
Jakob kocht das Mittagessen und Marianne repariert unterdessen den Wagen.
Die Kinder gehen noch zur Schule, aber die Eltern haben schon Ferien.
Sie müssen die Rechnung noch bezahlen oder die Ware wird wieder abgeholt.
- Nếu hai câu chính được kết nối bằng những trạng từ liên kết (Satzverbindende Adverbien) sau: darum, deswegen, deshalb, trotzdem, folglich, dann, sonst, vorher, dort,… thì vị trí của Prädikat trong câu thứ hai vẫn không thay đổi (đứng thứ hai). Nhưng vị trí của những Adverbien nêu trên có thể rất khác nhau.
Die Kinder gehen zu Bett. Vorher putzen sie sich die Zähne.
Meyers fahren an die Nordsee. Es gefällt ihnen dort am besten.
Es regnet in Strömen. Trotzdem geht der Mann ohne Regenschirm nach draußen.
Wir reisen zuerst nach Italien und dann nehmen wir dort das Schiff.
Er kann nicht nach Italien reisen, darum / deswegen / deshalb bleibt er zuhause.
- Những người mới học tiếng Đức rất dễ bị nhầm lẫn vì thứ tự đảo điên của những „Satzverbindende Adverbien“ nêu trên, nhưng thực ra số lượng của chúng chỉ có hạn nên sau này do cảm giác nói nên người ta nhận ra chúng dễ dàng.
Tốt nhất là học thuộc lòng những trạng từ liên kết nêu trên.
Cần nhớ:
- Vị ngữ (konjugiertes Verb, Prädikat) trong câu chính (câu trình bày) bao giờ cũng nằm ở vị trí thứ hai trong câu, trong câu phụ thì nằm cuối câu.
- Hai câu chính và đôi khi hai câu phụ được kết nối với những liên từ (Konjunktion):
oder, und, aber, denn, sondern…Đây là sự kết nối bình đẳng.
- Hai câu chính còn được kết nối bằng những trạng từ liên kết (Satzverbindende Adverbien) sau: darum, deswegen, deshalb, trotzdem, folglich, dann, sonst, vorher, dort…
- Khi câu chính kết nối với câu phụ thì người ta sử dụng liên từ thứ hạng (Subjunktion):
obwohl, obgleich, obschon, weil, da, als, nachdem, solange, bevor, sobald, zumal, wenn, falls, sofern, damit, indem, damit, sodass, so dass, dass…
Nguồn: HOCTIENGDUC.DE
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000