1. Đổi ngôn ngữ thiết bị sang tiếng Đức
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc tiếp thu ngôn ngữ là tính lặp đi lặp lại: càng gặp càng dùng một từ nhiều bao nhiêu thì tỉ lệ mình nhớ từ ấy càng cao bấy nhiêu. Trong khi đó, thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính hay đồng hồ thông minh là vật dụng chúng ta rất thường xuyên sử dụng trong ngày.
Khi đổi ngôn ngữ thiết bị như thế, chúng ta đang tự tạo cho mình môi trường để sử dụng tiếng Đức thường xuyên nhất có thể, bởi cái thiếu lớn nhất khi học tiếng Đức ở Việt Nam là không có nhiều cơ hội thực hành những gì được học. Việc sử dụng ngôn ngữ dù chủ động (tập trung đọc một bài viết) hay thụ động (trong lúc lướt điện thoại) đều nâng cao tần suất gặp từ vựng và khiến ta dần trở nên quen hơn với tiếng Đức.
Tận dụng những thiết bị sẵn có để tự học tiếng Đức
(Photo by Yura Fresh on Unsplash)
2. Thay vì gõ, hãy thử nói
Kỹ năng không ít người gặp khó khăn khi học tiếng Đức chính là nói, cũng phần nào bắt nguồn từ việc không có nhiều cơ hội luyện tập và vài tiếng một tuần trong lớp đôi khi là không đủ. Thế nhưng, tin vui là bạn vẫn hoàn toàn có thể luyện nói thường xuyên hơn dù đang tra gì đấy trên google hay nhắn tin với các bạn cùng lớp học tiếng: Chỉ cần bấm vào nút microphone (thường ở góc phải) và nói tiếng Đức vào đấy thay vì gõ như thông thường.
Trong thời gian đầu thử, mình cũng mất mấy phút nói đi nói lại thì phần mềm nhận diện đúng từ, nhưng cảm giác nói đúng trọn vẹn nó sướng cực kỳ! Qua đó, mình luyện được cách phát âm rõ ràng và chính xác hơn. Thời gian nói cũng dần dần ngắn lại, đồng thời sự tự tin giao tiếp của mình lại ngày càng tăng lên.
3. Tận dụng Siri, Google Assistant, Alexa
Hiện nay, những công cụ nhận diện giọng nói tân tiến nhất đang nằm ngay trong túi của chúng ta. Sau khi đổi ngôn ngữ, sao không thử nói chuyện với chúng bằng tiếng Đức nhỉ?
Bạn có thể bắt đầu với gợi ý của chương trình hoặc chính những câu hỏi đơn giản đã được học ở lớp rồi, ví dụ như: Wie ist das Wetter heute? (Thời tiết hôm nay thế nào?), Wo ist Vietnam? (Việt Nam ở đâu?), Erzähl mir einen Witz (Kể tôi nghe một chuyện vui nào),…
Tất nhiên khả năng giao tiếp của ứng dụng vẫn còn hạn chế, nhưng được cái bạn không còn áp lực phải nói chuyện với người thật, phải nói đúng nói nhanh, sợ người ta không hiểu mình nói, rồi sợ người ta nói mình cũng chẳng hiểu gì. Đây là bước đệm đầu tiên để bạn nâng cao sự thoải mái giao tiếp tiếng Đức của mình.
4. Tự học tiếng Đức qua app
Với góc nhìn cá nhân mình thì đây là cách bổ trợ rất tốt cho việc học trực tiếp, vì mỗi người vừa học theo nhịp độ của bản thân vừa củng cố lại kiến thức chưa vững tại lớp. Ngoài ra, chỉ cần mang theo điện thoại bên mình là bạn có thể học bất cứ lúc nào, miễn là bạn thấy hứng thú: 15 phút giải lao hay trong lúc chờ bạn ở quán cà phê chẳng hạn.
Trước đây mình hay dùng Duolingo, ưu điểm là miễn phí và hiệu quả trong việc ôn từ, tuy nhiên những phần khác thì mình thấy chưa tốt lắm. Gần đây khi bắt đầu thử sức với tiếng Pháp thì mình dùng Busuu, một app học tiếng tập trung rất mạnh vào ngôn ngữ tự nhiên, phát triển đầy đủ các kỹ năng, giải thích ngữ pháp dễ hiểu và đặc biệt là được người bản xứ sửa phần nói/viết của mình nữa.
App – Cách tự học tiếng Đức phổ biến nhưng không kém phần hiệu quả
(Photo by bruce mars on Unsplash)
Một tip nho nhỏ khi học qua app là bạn nên chọn một khung giờ cố định trong ngày (trừ những lúc tình cờ có hứng), chẳng hạn 20h-20h30 sau khi ăn tối xong. Lý do là nó sẽ tạo thói quen học và bạn không cần quá nhiều động lực để bắt đầu. Học tiếng Đức mưa dầm thấm lâu, qua một thời gian tích lũy đủ dài thì khả năng ngôn ngữ của bạn mới tốt lên trông thấy được.
5. Tự học tiếng Đức qua Youtube
Trong thời kỳ Internet phát triển nhanh như hiện nay, việc được tiếp xúc với tiếng Đức bản xứ chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Có rất nhiều kênh Youtube Đức thú vị vừa luyện tiếng vừa biết thêm gì đó mới. Sở thích và mục đích xem của mỗi người có thể khác nhau. Như mình mỗi lần sẽ nghe với 1 trong 3 lý do: luyện nghe, bắt chước phát âm hoặc học cách nói chuyện tự nhiên.
Dưới đây mình sẽ liệt kê một số kênh mình đã dùng trong quá trình học tiếng Đức:
- Easy German (có phụ đề): Kênh này chắc khỏi cần quảng cáo, phỏng vấn ngoài đường rất thú vị, cách nói tự nhiên, video đầy đủ mức độ từ dễ tới khó.
- Dinge Erklärt – Kurzgesagt (có phụ đề): Kênh này cũng rất hay, chủ đề khoa học được thể hiện dưới dạng graphic motion, triển khai vấn đề rất trực quan và thú vị. Chỉ có điều đôi khi ngôn ngữ hơi khó hiểu một xíu.
- maiLab (có phụ đề): Kênh của nhà nữ hóa học người Đức gốc Việt, bàn về nhiều chủ đề đa dạng với bằng chứng khoa học, tuy nhiên vẫn không kém phần hài hước.
- MrWissen2go (có phụ đề): Thảo luận về nhiều vấn đề xã hội như hệ thống giáo dục, chính trị, công nghệ,…
- Terra X Natur & Geschichte (có phụ đề): Nghiên về những chủ đề liên quan tới tự nhiên và lịch sử.
- WDR Reisen (có phụ đề): Hành trình đi du lịch khắp nơi được kể lại, vừa có động lực du lịch, hiểu thêm về những vùng đất mới, vừa học tiếng luôn.
- NDR Doku (có phụ đề): Phim tài liệu về nhiều chủ đề khác nhau, thường khá dài trung bình 30 phút.
- PULS Reportage (có phụ đề): Khai thác vấn đề trong cuộc sống hàng ngày bằng cách làm phóng sự, thử nghiệm thực tế nhưng cực kỳ hài hước và thú vị.
- reporter (có phụ đề): Một kênh phóng sự khác không kém phần hay ho.
- Quarks (không phụ đề): Kênh khai thác các vấn đề nóng trong xã hội dưới góc nhìn khoa học.
- Simplicissimus (không phụ đề): Giải thích những thắc mắc phức tạp một cách đơn giản, từ Bill Gates cho đến Pokémon.
- ARTEde (không phụ đề): Mạnh về chủ đề khoa học và chính trị.
Ban đầu mới xem, mình khá nản vì chẳng hiểu gì mấy, nhưng quan trọng là mình thấy việc học tiếng Đức không còn nhàm chán nữa, mà hóa ra lại vô cùng thú vị, hữu ích. Bên cạnh luyện tiếng Đức, nhờ xem rất nhiều video về những chủ đề mình thấy hứng thú, mình đã mở rộng được tầm hiểu biết của bản thân cũng như hiểu hơn về văn hóa, con người, lối sống ở Đức.
Dần dà, chúng khiến cho quá trình hòa nhập ban đầu của mình dễ dàng hơn, đồng thời tình yêu của mình với tiếng Đức lại ngày càng lớn hơn. Nếu mà không thích thì rất khó học, bạn thấy đúng không?
6. Tham gia CLB tiếng Đức
Chà, đây có lẽ là ý tưởng ai cũng biết khi nhắc tới học ngôn ngữ. Tuy thế, nói đi cũng phải nói lại, qua trải nghiệm cá nhân của mình thì đây là cách thật sự có ích. Khi học tới B1, kỹ năng nghe, đọc, viết của mình không gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong môi trường dạy ngữ pháp kỹ như Việt Nam. Duy chỉ có nói là mình chẳng đủ tự tin để bắt chuyện với bất kỳ ai bằng tiếng Đức.
Thế là mình mới quyết định tham gia Deutsch Sprachtreff Saigon (CLB Tiếng Đức Sài Gòn) tình cờ biết đến trên Facebook. Cũng không kỳ vọng gì nhiều nhưng khi đến nơi thì lại gặp nhiều anh chị người Đức gốc Việt hỗ trợ mình giao tiếp rất nhiệt tình. Tìm được một cơ hội hiếm có như vậy để luyện nói cùng người Đức bản xứ đã giúp mình ngày càng tự tin và phản xạ nhanh hơn (quả ngọt của quá trình ấy là 8 tháng sau mình được 93 điểm nói trong kỳ thi B2 Goethe).
Hiện nay ở những thành phố lớn mình không nghĩ là thiếu CLB tiếng Đức, các bạn hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội và đăng ký tham gia offline hoặc online. Tất nhiên là ngay ngày đầu mình chưa nói được gì nhiều đâu nhé, nghe kỹ để ráng hiểu là chính, sau đó dần dần mọi thứ mới trở nên dễ dàng hơn.
7. Tìm bạn tandem
Tandem là hình thức trao đổi giữa hai người muốn học ngôn ngữ của nhau. Cụ thể, bạn sẽ tìm người Đức muốn học tiếng Việt để cùng cộng tác, hai bên đều được lợi. Thông thường, không có quy chuẩn nào cho việc trao đổi ngôn ngữ, chủ yếu là cả hai cùng thỏa thuận với nhau một số vấn đề để có thể làm việc hiệu quả, ví dụ như:
- Trao đổi mấy tiếng một tuần?
- Phương thức nào? (gặp trực tiếp, gọi video, nhắn tin, viết email,…)
- Mục tiêu học ngôn ngữ của mỗi người? (đi du học, giao tiếp được, tìm người yêu, hiểu hơn về văn hóa con người,…)
- Khía cạnh mỗi người muốn cải thiện nhất? (nghe, nói, đọc, viết, phát âm, ngữ pháp, từ vựng, tiếng lóng,…)
- Có theo giáo trình nào không hay chỉ tự do nói chuyện?
- Đối phương nên sửa lỗi sai của mình như thế nào?
- …
Sơ lược là thế, nhưng giờ làm sao để tìm được bạn Tandem người Đức? Trong phần trước mình đã gợi ý việc tham gia các CLB tiếng Đức, trong những buổi hoạt động như thế đôi khi bạn sẽ tìm thấy một vài bạn người Đức mà mình nói chuyện hợp. Lúc ấy đừng ngần ngại gì mà đặt vấn đề, hỏi xem bạn ấy có thích tiếng Việt và hứng thú với văn hóa Việt Nam không. Nếu có thì: Bingo! Bạn đã tìm được rồi đấy!
Tự học tiếng Đức cùng bạn tandem giúp cả hai thoải mái với ngôn ngữ của nhau hơn
(Photo by Christin Hume on Unsplash)
Còn không thì vẫn có nhiều cách khác nếu bạn bỏ công sức tìm kiếm và chủ động liên kết. Như mình khi ở Việt Nam có thực tập trong một công ty Đức và quen một anh lai Đức-Việt đang muốn học tiếng Việt vì dự định ở Việt Nam lâu dài, muốn giao tiếp được với gia đình cũng như người yêu. Thế là bọn mình đã kết nối với nhau.
Hoặc hiện tại khi đang ở Hamburg thì mình có lên tra Google “tandem partner Hamburg” rồi sử dụng những website tìm được ấy, sau vài tháng cũng tìm được một bạn lai Đức-Nga để cùng trao đổi ngôn ngữ. Thế nên, bạn cứ sáng tạo sử dụng mọi cách có thể để tìm được người phù hợp nhé.
Điểm cuối cùng mình muốn chia sẻ là bạn tandem cũng như một tình bạn bình thường: cả hai có sự quan tâm chia sẻ như bạn bè thực sự thì mối quan hệ ấy mới bền lâu được. Nếu chỉ chăm chăm đạt mục đích mà không gầy dựng tình bạn thì rất có thể đôi bên sẽ sớm mất hứng thú, để rồi cơ hội trao đổi ngôn ngữ cũng theo đó mất đi dù chưa kịp học hỏi gì nhiều.
8. Viết bài nhờ giáo viên sửa
Viết không phải một kỹ năng đơn giản nhưng nó lại giúp ta phát triển và củng cố nhiều khía cạnh ngôn ngữ: từ vựng, ngữ pháp, văn phong, cảm giác ngôn ngữ, tư duy bố cục và phản biện, trình bày quan điểm, dẫn dắt vấn đề, khả năng biện luận thuyết phục. Và trên hết, viết tức là bạn đang sử dụng ngôn ngữ một cách chủ động, từ đó kiến thức sẽ ăn sâu hơn vào bộ nhớ, khi cần có thể dễ dàng gọi ra được.
Không chỉ bạn tandem, chính giáo viên ở lớp của bạn cũng là nguồn tự học tiếng Đức quý giá, họ là người không chỉ chuyên sâu về ngôn ngữ mà còn giỏi về nghiệp vụ sư phạm. Thế nên, bạn hoàn toàn có thể chủ động tìm đề bài viết hoặc xin từ giáo viên, về nhà tự dành thời gian nghiên cứu luyện viết. Khi viết xong bạn có thể gửi giáo viên để họ góp ý, từ đó tránh những lỗi tương tự trong những lần tới.
Tất nhiên vẫn cần hỏi ý giáo viên trước, họ có muốn làm thế không, và tần suất bao lâu sửa một bài là hợp lý. Nhưng theo trải nghiệm cá nhân của mình thì giáo viên thường sẵn lòng hỗ trợ và cũng rất vui khi thấy bạn tự chủ động trong việc học của mình như thế.
Tương tác với giáo viên dù tại lớp hay online đều rất cần thiết khi tự học tiếng Đức
(Photo by ThisisEngineering RAEng on Unsplash)
9. Tự học tiếng Đức qua livestream
Gần đây, trong giai đoạn nghỉ học vì Covid-19, mình thấy có một kiểu học tiếng Đức khá thú vị mà ai cũng có thể tham gia ngay tại nhà. Đấy là học online với giáo viên người Đức bản xứ, cùng thảo luận về những chủ đề quen thuộc trong cuộc sống (ví dụ). Học livestream tuy không thay thế được lớp học truyền thống nhưng lại là một sự bổ sung tốt, trong môi trường học thoải mái và gần gũi hơn.
Qua việc tương tác qua lại liên tục với giáo viên dạy livestream, ta tự học được cách dùng ngôn ngữ tự nhiên, giảm đi những áp lực khi giao tiếp trực tiếp, mọi thắc mắc đều được trả lời gần như ngay lập tức (điều khó thực hiện được trong lớp học thông thường do phải theo chương trình dạy cụ thể).
10. Tự học tiếng Đức với podcast
Vừa nấu ăn vừa học từ mới? Vừa đi dạo vừa làm quen cách nói tiếng Đức tự nhiên? Hoặc tận dụng thời gian di chuyển để nghe gì đó thú vị bằng tiếng Đức? Nếu đó cũng là những gì bạn muốn thì podcast là lựa chọn không thể bỏ qua. Chỉ cần gắn tai nghe vào, chọn podcast phù hợp rồi nghe, thế là xong. Dưới đây mình sẽ giới thiệu một số podcast hỗ trợ việc tự học tiếng Đức tốt:
Sơ cấp (A1-A2):
- Learn German by Podcast
- Slow German mit Annik Rubens
- Coffee Break German
Trung cấp (B1-B2):
- The Easy German Podcast
- German Podcast
- DW Learn German
Cao cấp (C1-C2): Ở trình độ này bạn hoàn toàn có thể nghe những podcast thông thường như người Đức, có rất nhiều chủ đề khác nhau, bạn có thể tham khảo Podcast Charts.
Tự học tiếng Đức với sở thích cá nhân như nghe podcast, xem phim, đọc sách cũng là lựa chọn không thể bỏ qua
(Photo by bruce mars on Unsplash)
11. Xem phim lồng tiếng Đức
Đây là cách tự học tiếng Đức mình rất thích, mặc dù nó đòi hỏi người học phải đạt đến một trình độ tiếng Đức nhất định (mình nghĩ ít nhất B2) để bắt đầu thấy hiệu quả. Mình dùng Netflix bật cả tiếng lẫn phụ đề Đức khi xem phim để vừa nghe, vừa hiểu, vừa học từ mới, vừa tận hưởng bộ phim.
Đức có công nghệ lồng tiếng đỉnh cao nên đôi khi mình còn chẳng nhận ra đấy không phải giọng gốc, cực kỳ ăn khớp với khung cảnh, diễn biến và cảm xúc trong phim. Khi xem phim mình đã học được rất nhiều cách nói tự nhiên mà trước đây chưa từng biết trong lớp, cũng như nhiều từ vựng phù hợp trong từng ngữ cảnh nhất định. Vừa có một khoảng thời gian thư giãn, vừa luyện tiếng Đức hiệu quả thì còn gì bằng, nhỉ?
12. Đọc sách tiếng Đức
Cách tự học tiếng Đức hiệu quả cuối cùng mà mình muốn chia sẻ là đọc sách. Việc này cũng đòi hỏi một lượng kiến thức tiếng Đức nhất định và tùy vào loại sách (sách trẻ con sẽ đơn giản, dễ đọc hơn nhiều so với tiểu thuyết hay sách khoa học). Một nhược điểm là ở Việt Nam rất khó tìm sách tiếng Đức và thường khá đắt, trước đây mình có mua ở Fahasa Nguyễn Huệ (một trong số ít nhà sách có bán), đặt Amazon hay mua ebook cũng là một lựa chọn hay.
Trong lúc đọc mình sẽ để sẵn từ điển bên cạnh, gặp từ mới là dò liền, thấy câu nào hay thì viết lại. Vì thế, việc đọc một quyển sách thường tốn kha khá thời gian, nhưng bù lại thì vốn từ cũng như cảm quan ngôn ngữ của mình tăng lên đáng kể (chưa nói lượng kiến thức hấp thụ được từ nội dung sách).
Đây cũng là hoạt động mình vẫn giữ đến tận bây giờ khi đang ở Đức, bởi dù học bao nhiêu mình cũng thấy không bao giờ là đủ cả. Đặc biệt là khi bên này rồi mới thấy tiếng Đức có tầm quan trọng cỡ nào, nó là cánh cửa kết nối mình với cuộc sống mới, cũng như mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời nếu mình đã chuẩn bị tốt.
Thế nên qua bài viết này, mình hi vọng các bạn có thể tận dụng mọi cách để nâng cao khả năng tiếng Đức của mình càng nhiều càng tốt, khi ấy con đường sắp tới sẽ phần nào đỡ gập ghềnh hơn. Chúc mọi người tự học tiếng Đức hiệu quả!
Nguồn: HỌC TIẾNG ĐỨC
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000