Chuẩn bị du học Đức mất bao lâu?

Chia sẻ rất thực tế và vô cùng bổ ích của một bạn đã bắt đầu kì đông WS 16/17 tại STK München về thời gian cũng như những việc cần làm trong thời gian nào để có thể chuẩn bị du học Đức tốt nhất.

 

A. Khi nào thì nên chuẩn bị đi du học Đức?

book 1836380 640

Được định hướng sớm, giúp mình tương đối chủ động trong quá trình làm hồ sơ và không bị kẹt vào những vấn đề mà gần như ai cũng mắc phải như: xin Visa, xin Zulassung (Zu). Nếu bạn thi đỗ ĐH xong mới quyết định đi du học Đức thì các bạn cần thêm thời gian, ít nhất là 1 năm cho việc học tiếng và chuẩn bị giấy tờ để có thể sang Đức.

B. Cần làm gì để có thể đi du học Đức?

Cách của mình, cũng giống như khi các bạn còn đi học: Giả dụ các bạn không biết bắt đầu giải 1 bài toán như thế nào, hãy bắt đầu từ đích đến của mình.

1/ Đích đến ở đâu?

Ở đây, mình sẽ nói về việc các bạn đi thi Studienkolleg.

Studienkolleg (STK) ở đây chính là dự bị Đại Học. Chúng ta sẽ bắt đầu từ cái đích, chính là kì thi đầu vào STK.

+ Nhóm 1: STK quen thuộc với các bạn Việt Nam như Hannover, Clausthal, Halle Saale, Konstanz, Kassel, Nordhausen, KIT, Darmstadt…

+ Nhóm 2: STK ít người thi vì nhiều lí do: không phổ biến, yêu cầu cao hơn một tí, thường thì ở mức B2: Hamburg, München, Berlin,… Mình chọn STK München, Hamburg, KIT và Darmstadt. Lý do mình để ở cuối bài nhé.

2/ Những khoảng thời gian

 Ở đây mình xin tóm tắt lại khoảng thời gian lý tưởng của mỗi bước, tính từ tháng 8 (sau khi có kết quả thi đại học (Không cần nhập học đại học các bạn có thể làm APS nhé):

Lưu ý, đây chỉ là những mốc thời gian lý tưởng nhất. Thực tế, mỗi bước có thể lâu hơn so với ta dự kiến, và việc của các bạn là phải tự giải quyết. Ở đây có 3 mốc có việc cần làm mà các bạn phải nhớ:

Chúng ta sẽ bắt đầu từ cái đích là kì thi đầu vào STK. Với những bạn bắt đầu học tiếng sau khi thi đại học, mình nghĩ các bạn nên đi vào kì đông năm sau. Kì mùa hè sẽ dành cho các bạn đã học tiếng trước khi thi đại học.

3 mốc thời gian ở đây nghĩa là, các bạn làm tuần tự theo các bước trên, mới qua bước kế tiếp. Trong thời gian ở đó thì các bạn có thể hoàn thành các bước không được in đậm. Để cụ thể thì mình sẽ trình bày:

3/ Các thủ tục

a/ Học tiếng

6036 Content 2 10
(dpa) – German language student Mugdha Sagar looks up a word in a huge English-German dictionary at the library of the Goethe Institute, the German institute for cultural and linguistic diplomacy, in New Delhi, India, 5 March 2003.

Nếu các bạn đăng kí 1 khóa cấp tốc, thì khả năng các bạn có thể có B1 là trong vòng 6 tháng. Cộng với thời gian thi và chờ công chứng bằng, khoảng 3 tuần nữa. Vậy các bạn nên dự trù trong vòng 7 tháng, tính từ tháng 8 thì các bạn nên có bằng B1 tầm tháng 3 năm sau.

Học tiếng, các bạn có thể học ở Viện Goethe hoặc các trung tâm ở ngoài. Miễn là các bạn chăm chỉ và cố gắng 1 chút thì thật ra, các bạn cũng không cần phải luyện thi cũng đậu.

Nói ra thì hơi sốc, nhưng mình cho rằng, nếu các bạn cố từ đầu, từ những lớp vỡ lòng, thì gần như các bạn học xong khóa B1.2 thì hoàn toàn có thể đậu B1 với số điểm khá. Còn tốt thì dĩ nhiên là các bạn làm các đề thi mẫu để quen với dạng bài rồi. Chứ không phải các bạn đi luyện thi mới có thể đậu.

Trong thời gian này, các bạn có thể:

+ Dịch thuật giấy tờ: Ngay khi các bạn có giấy tờ cần thiết, gồm giấy chứng nhận tốt nghiệp và giấy báo trúng tuyển, thì các bạn đem công chứng và dịch thuật ngay. Khả năng là các bạn có các giấy này vào tháng 8 trong năm, sau khi kì thi THPT Quốc Gia kết thúc và việc xét tuyển vào đại học đã hoàn thành. Công việc này quá dễ dàng, đem ra các UBND quận lớn là xong, 3 ngày sau lên lấy giấy tờ. Theo mình thì mỗi giấy các bạn công chứng và dịch 15 bản, đủ cho mai sau sang Đức.

+ Ngay sau khi các bạn dịch xong giấy tờ, các bạn hoàn thành thủ tục APS, đơn giản là nộp giấy tờ thôi mà. Việc này tốn 3 tuần, nên tháng 9 là các bạn đã có giấy chứng nhận APS trên tay. Như năm của mình là vì đổi mới thi THPT Quốc Gia, nên đến tháng 10 mới có giấy.

+ Lúc này các bạn có thể nghỉ ngơi một tí. Ý mình là vẫn đi học tiếng bình thường ấy. Trong thời gian này, các bạn nên kết hợp tìm trường. Ngoài ra, nếu bạn nào tự tin với vốn tiếng Anh có thể đăng kí thi TestAS ngay lập tức. Với những bạn không tự tin với tiếng Anh, các bạn có thể chờ đến khi các bạn học B1, lúc này thì các bạn thi là vừa, điểm số sẽ ổn hơn. Thời gian thi TestAS trễ nhất là vào tháng 2 và các bạn có kết quả vào tầm tháng 3.

Sau khi các bạn hoàn thành 6 tháng tiếng Đức, tức là vào tháng 2 (mình tính lịch nghỉ tết luôn ấy), các bạn đăng kí thi B1. Nếu các bạn đỗ ngay với số điểm khá, thì tối đa vào tháng 3 các bạn sẽ có bằng B1 trên tay. Với những bạn thì B2 thì có thể tốn thêm 1-2 tháng, các bạn sẽ tự lo liệu, nhưng đến tháng 6 thì các bạn nên có B2 rồi, vì thường deadline nộp hồ sơ nằm vào tháng 7. Để tốt nhất các bạn nên thi B1 trước, và xin Zu bằng chứng chỉ B1.

Một vấn đề quan trọng, là tìm trường STK. Tìm trường vào lúc này, các bạn đã xác định mình muốn thi vào đâu sau nhiều tháng học tiếng và có sự tham khảo từ mọi người.

b/ Xin zulassung (Zu)

 

Điều quan trọng, là việc xin Zu sẽ gắn liền với việc xin Visa. Để chắc chắn, các bạn nên xin Zu theo cách: 1 trường thi sớm và 1 trường thi trễ. Đối với kì đông, kì thi sớm sẽ diễn ra vào tầm tháng 6 và trễ nhất vào tháng 9. Lịch thi đầu vào từng trường các bạn xem ở đây:

Ở bước này, các bạn cần phải tính toán một tí. Các bạn nên chọn nhiều trường, nhưng không thi trùng ngày mà sẽ thi khác đợt, để :

c/ Xin Visa

Đúng, để xin Visa và để cho các bạn có 1 lựa chọn thứ 2, nếu trường thứ nhất không đỗ. Lấy ví dụ, sau khi mình đã có bằng B1 vào tháng 3. Mình muốn thi khối T, vậy mình chọn 2 trường thi sớm và thi trễ là Darmstadt, Hamburg (cuối tháng 6) và Karlsruhe, München (đầu tháng 9). Trường thi sớm thường có deadline nộp hồ sơ sớm hơn các trường thì trễ nhé.

Một nguyên tắc mà mình cho là nên làm, đó là nên đặt lịch sớm ít nhất 6 tuần trước ngày thi.

Trường Darmstadt có hạn chót đăng kí là 15/4, vậy mình đoán mình sẽ có zu vào trễ nhất là cuối tháng 4. Vậy mình sẽ đặt hẹn lịch Visa vào đầu tháng 5. Lưu ý, những thông tin này mình đã có từ rất sớm. Lịch thi, deadline nộp hồ sơ thường không xê dịch nhiều, trên tất cả các website của trường đều đã thông báo trước vài tháng. Vì sao, vì các bạn sẽ chủ động vào những lúc thế này, đó là vì sao mình muốn các bạn tìm trường từ đầu. Nếu không, sẽ cong đít chạy vào những bước cuối. Và vì mình đoán mình đặt lịch hẹn Visa vào đầu tháng 5, nên ngay khi có kết quả B1 vào tháng 2- tháng 3, bạn sẽ phải lo đặt lịch trên mạng (hiện nay thì xin Visa du học có thể đặt qua email cho các bạn miền Bắc nên việc này khi nào có Zu các bạn làm cũng không sao, nhưng tinh thần thì vẫn nên chủ động làm sớm). Lịch hẹn mở trước 3 tháng, nên đây là thời điểm hợp lý. Bạn nào có kết quả B1/B2 sớm thì còn thảnh thơi chọn ngày đặt lịch nữa cơ. Lúc này lịch đang còn trống rất nhiều, chứ nếu các bạn để sang tháng 4, tháng 5 thì lại lên mạng hỏi tìm cò đặt lịch cho mà xem. Như vậy, khoảng tháng 3, các bạn đã sẵn sàng cho bước làm Visa.

Một vấn đề khác, đó là mở tài khoản ngân hàng. Theo quy định mới thì các bạn phải có Zu mới được mở. Vậy thì mình cho rằng có 2 cách:

Cách 1: sướng trước khổ sau. Các bạn mở tài khoản Vietinbank. Nhanh gọn nhẹ, phí rẻ, có zu xong bạn mở tài khoản vài ngày là xong. Thoải mái đi nộp hồ sơ xin Visa.

Tuy nhiên, vì chi nhánh của Vietinbank chỉ có ở Frankfurt và Berlin, nên sau khi sang Đức, các bạn lại tiếp tục mở tài khoản Deutsche Bank và dùng online banking chuyển tiền từ tài khoản Vietinbank sang Deutsche Bank, để tiện cho việc rút tiền.

DB hiện nay đang siết chặt việc mở tài khoản, nên mở Vietinbank lúc này cũng là lựa chọn hợp lý. Nhưng nên nhớ, sau khi các bạn sang Đức thì các bạn cũng lại mở TK ngân hang Đức thôi, mà lúc sau thì nó cũng cập rập chả kém, vì lúc này các bạn vừa thi xong, nhà không có, rút tiền của tài khoản Vietinbank thì mất nhiều phí, còn phải đi anmelden, đi gia hạn Visum… nên khổ sau là vậy.

Cách 2: khổ trước sướng sau. Các bạn mở tài khoản Deutsche Bank ngay ở Vietnam. Theo điều kiện mới của Deutsche Bank thì các bạn phải có Zu mới được mở. Thế thì cũng tương tự, các bạn đặt lịch hẹn chứng thực chữ kí ở ĐSQ (Hà Nội) theo kế hoạch đã tính toán, đó là vào cuối tháng 4 ta sẽ có Zu.

Dĩ nhiên, cách này sẽ tiềm ẩn rủi ro:

+ Không kịp mở tài khoản ngân hàng khi đến hẹn Visa. Nếu khoảng 1 tuần trước ngày hẹn Visa mà các bạn chưa có gì cả, thì bỏ, nhảy sang cách 1, mở Vietinbank. Nếu các bạn đã nộp và đang chờ báo dư tài khoản, thì các bạn sẽ làm song song: xin nợ tài khoản khi đi nộp hồ sơ xin Visa và mở Vietinbank. Nếu sau 1 tuần kể từ ngày nợ mà không có tin tức từ Deutsche Bank thì bỏ, cầm tài khoản của Vietinbank đi nộp.

+ Tới ngày hẹn chứng thực chữ kí nhưng chưa có Zu (Hà Nội). Khả năng cao là hồ sơ của bạn đã bị trục trặc, thì thôi lại nhảy sang cách 1.

Có một phương án khác, là các bạn xin thêm zu của một trường sớm hơn nếu đã có B1 từ sớm, như Kiel chẳng hạn, để có thời gian mở tài khoản ngân hàng.

Vì sao lại đặt lịch hẹn Visa vào đầu tháng 5, trong khi cuối tháng 6 mới thi nhỉ.

Vì thời gian xử lí 4 tuần là không kịp trong mùa cao điểm. Tất nhiên là kịp thì không nói, nhưng chúng ta luôn phải tính đến tình huống xấu nhất, là hồ sơ không kịp xử lí và các bạn phải đợi đi bằng các zu của trường trễ hơn, đồng nghĩa với cơ hội của chúng ta bị thu hẹp lại. Nếu các bạn đặt khoảng đầu tháng 5, thì khi các bạn nợ Zu/ nợ tài khoản ngân hang chẳng hạn, chúng ta có thể du di tới giữa tháng 5 và sở ngoại kiều có ít nhất 6 tuần để làm việc, đảm bảo thời gian cho họ làm Visa cho bạn.

Lưu ý, những tính toán trên là tính toán từ sớm, tính từ cái đích là ngày thi vào STK của các bạn. Dĩ nhiên là có phát sinh vấn đề, nhiều đằng khác, nhưng rõ ràng với kế hoạch đã được tính toán trước như thế, chúng ta sẽ nắm quyền chủ động trong tay. Với kế hoạch này, các bạn sẽ không phải lên mạng hỏi xem ai đặt lịch thuê, làm sao khi chưa có zu, vv…

 4/ Thực tế

Trên thực tế thì kế hoạch ban đầu của mình đã đi khá đúng hướng. Mình có zu Hamburg và Darmstadt vào cuồi tháng 4, đầu tháng 5 mình thảnh thơi đi đặt lịch visa. Zu của STK München và KIT đến sau đấy vào tháng 6. Mình đăng kí 4 trường, với 2 trường thì sớm và 2 trường thi trễ để nhỡ mình rớt 2 trường đầu tiên còn có cửa … thi tiếp chứ không thì lại chết.

 5/ Thấy gì

Rõ ràng là, với một kế hoạch đã được vạch ra từ lúc các bạn mới đi học tiếng Đức thôi, quyền chủ động nằm trong tay của bạn. Mình không nói là 100% các bạn thành công, nhưng nếu các bạn ý thức những gì phải làm, và học tiếng Đức chăm chỉ, để có bằng đúng hạn, kịp tiến độ mà chúng ta đã vạch ra, thì những khó khăn đã giảm đi 50%. 50% còn lại là khả năng ứng phó, độ siêng năng của các bạn, vv…

Chẳng hạn như mình bị tài khoản online lỗi, nó không gửi zu qua email. Và mình phải email đủ đường, để trường sửa lỗi cho mình và mình kịp có zu xin Visa.

Hay STK München gửi zu cho mình nhưng lại không đến được, và họ … im luôn. Làm mình mất công gửi mail liên tục, thậm chí đến thẳng trường để đòi zu. Đấy là một trong nhiều vấn đề mà chúng ta phải chấp nhận.

Tóm lại, mình muốn các bạn có 3 nguyên tắc cần nhớ:

  • 1. Luôn có kế hoạch sớm, và phải bám vào kế hoạch
  • 2. Luôn tính đến khả năng xấu nhất
  • 3. Luôn sẵn sàng giải quyết khi mọi việc xảy ra không đúng với kế hoạch của mình

Nguồn: hotrosv.de

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC