Du học Đức: Những lời khuyên hữu ích thực tế

Có rất nhiều những kinh nghiệm học và làm thêm tại Đức được chia sẻ bởi các bậc tiền bối đi trước. Công việc của chúng ta chỉ là đọc và tự rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu nhất và phù hợp nhất với bản thân.

 

“Ngày nay, bạn có thể tìm thấy rất nhiều kinh nghiệm du học từ trên Internet.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm cá nhân, tôi chỉ xin nhắc lại rằng điều đầu tiên và có lẽ quan trọng bậc nhất là ngoại ngữ.

Du học Đức: Những lời khuyên hữu ích thực tế - 0

Hầu như tất cả những người lần đầu tiên đi ra nước ngoài đều cảm thấy tiếc là mình đã không tranh thủ thời gian lúc còn ở Việt nam để học ngoại ngữ càng nhiều càng tốt.

Những chứng chỉ trong nước dù là được cấp bởi các cơ sở đào tạo có uy tín thì cũng không thấm tháp vào đâu.

Khi còn ở Việt Nam, tranh thủ học được chừng nào thì tốt chừng ấy bởi nếu không sẽ khó được các trường đại học tiếp nhận. Và nếu may mắn được tiếp nhận thì việc học hành cũng vô cùng gian nan.

Các du học sinh sau đại học có thể đi theo chương trình tiếng Anh ngay tại các nước như Pháp, Đức.

Tuy nhiên, nếu không có một chút vốn tiếng bản xứ “lận lưng” thì hiệu quả học tập cũng sẽ giảm đi rất nhiều.

Ở bậc đại học, hầu như để được một trường đại học chấp nhận thì thí sinh phải có chứng chỉ ngoại ngữ tại nước sở tại.

Tại Đức, chứng chỉ này có thể là DSH hoặc DAF.

Nếu vượt được qua rào cản ngôn ngữ thì mọi chuyện khác sẽ ổn thỏa hơn rất rất nhiều.

Tuy nhiên theo nhận xét của giáo viên bản xứ mà tôi được biết (ở Pháp và Đức) thì một đặc điểm của du học sinh Việt nam nói chung là rất ngại bày tỏ quan điểm hoặc sợ nói sai.

Điều này một phần lớn do nền văn hóa cũng như môi trường giáo dục Việt Nam mang lại.

Dù muốn dù không thì chúng ta rồi cũng sẽ phải đi vào quỹ đạo của phương thức giáo dục tiến tiến của thế giới. Một phương thức đòi hỏi tính tự chủ rất cao.

Một điểm nữa cũng đáng nói là do bản tính người Á đông nên chúng ta dù rất thân thiện nhưng lại ít có bạn bè như những sinh viên đến từ Đông Âu hay Mỹ La Tinh.

Du học không chỉ có nghĩa là giảng đường mà là cuộc sống nơi đây.

Cái học được nhiều nhất là cách sống, cách nghĩ và phương pháp tư duy, phương pháp làm việc.

Trên các phương tiện thông tin chúng ta vẫn thường được biết về những bạn trẻ đi du học vừa học rất giỏi mà cũng biết cách hưởng thụ cuộc sống như đi du lịch, đi khám phá…

Thực sự thì những hoạt động đó giúp ích rất nhiều cho việc học tập chứ không hề làm mất thời gian của các bạn.

Trong môi trường học tập ở các nước tiên tiến, tính tự chủ của sinh viên được phát huy tối đa và đó cũng là yêu cầu quan trọng nhất của một sinh viên giỏi.

Để phục vụ cho quá trình tự tìm tòi đó, sinh viên có sự hỗ trợ, gợi ý định hướng của giáo sư và có hệ thống thư viện tương đối tốt, nhất là tinh thần phục vụ nhiệt tâm của các thủ thư nơi đây.

Một vấn đề mà có lẽ rất nhiều du học sinh quan tâm: làm thêm.

Tìm việc làm thêm không dễ dàng nhưng cũng không phải là không thể.

Tuy nhiên trong giai đoạn học tiếng thì nhất định không được làm thêm bất cứ công việc gì bởi như thế là phạm luật.

Trong thời gian này hãy cố gắng học tiếng cho tốt để được nhận vào trường đại học.

Khi đã có thẻ sinh viên, chúng ta có quyền lao động trong 90 ngày, mỗi ngày tám tiếng.

Hoặc trong 180 ngày nếu làm việc bán thời gian.

Có thể tìm việc theo ba cách:

  1. trên internet
  2. tại sở lao động
  3. tìm tại trường đại học đang theo học.

Với cách thứ ba là tìm ở trường đại học nhờ sinh viên bản xứ, nhờ người quen hoặc nếu học giỏi thì có thể xin học bổng nghiên cứu.

Đây có lẽ là cách thông minh nhất vì vừa có tiền, vừa học được nhiều và nhất là lý lịch khoa học sẽ được đánh giá rất cao. Tuy nhiên để đạt được điều này thì vẫn xin nhắc lại: ngoại ngữ, thành thích học tập và khả năng thuyết phục.”

LÊ MINH KHÔI (từ CHLB Đức)


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC