Du học sinh mưu sinh tìm chất xám

Du học sinh mưu sinh tìm chất xámDu học sinh Việt Nam bán hàng tại chợ Queen Victoria, Úc. Ở thành phố Brisbane, Sydney và Melbourne của Úc, du học sinh Việt Nam làm thêm đủ thứ nghề, từ đi farm (làm việc tại trang trại), nhặt trứng gà, hái rau quả, làm lò bánh mì.... Có lẽ không ít người nghĩ rằng nhiều bạn trẻ hễ có điều kiện du học tại các nước giàu có, tiên tiến... là cứ ung dung ngồi trong các phòng thí nghiệm hiện đại, các thư viện rộng lớn để “sôi kinh nấu sử”.

Song, thực tế không đơn giản như vậy. Trong những ngày có mặt tại Úc, chúng tôi đã chứng kiến những giọt mồ hôi của du học sinh Việt Nam trên đường đi tìm chất xám...

Chăm chỉ và thân thiện

Chúng tôi đến thăm chợ Queen Victoria, thành phố Melbourne bang Victoria, Úc. Đây là một trong những chợ lâu đời và rộng lớn nhất nhì thành phố, với gần 1.000 quầy hàng.

Cách bài trí và buôn bán ở đây chẳng khác mấy chợ Bến Thành, Tân Định... ở TP.HCM với tiếng rao hàng inh ỏi khắp chợ, nào giá cả hấp dẫn, nào dịp lễ Phục sinh giảm giá. Tôi nhận ra ngay có khá nhiều bạn trẻ người Việt.

Hầu hết những bạn trẻ người Việt mà tôi gặp tại chợ Queen Victoria đều là du học sinh Việt Nam đến Úc học đại học, cao đẳng bằng nhiều nguồn học bổng hoặc du học tự túc. Họ tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để tạo thêm chút “vốn liếng” trang trải một phần chi phí sinh hoạt, thuê nhà... đắt đỏ tại Úc.

Bạn Nguyễn Thị Kim Tiến, du học sinh Việt Nam tại Đại học Swinburne, Úc cho biết, lương cơ bản được ông chủ trả khoảng 10 đôla Úc/giờ, tính ra có khi đứng bán hàng tổng cộng được khoảng 100 đôla Úc/ngày, gồm cả tiền thưởng.

Nhiều bạn tranh thủ làm cả mấy ngày cuối tuần, thậm chí nhiều hơn dù theo qui định hiện hành tại Úc, du học sinh chỉ được làm không quá 20 giờ/tuần trong thời gian đang học.

Kim Tiến hướng về người đàn ông cao to và giới thiệu: “Ông chủ của chúng tôi, ông Joseph, người Nga, sinh sống và làm ăn tại Úc”. Xin phép được trò chuyện với các bạn du học sinh Việt Nam đang bán hàng cho ông, ông Joseph cười rất tươi, rồi nói: “Rất tuyệt, chăm chỉ và thân thiện”.

Đang đứng bán hàng, bạn Lê Thị Ánh Nguyệt, sinh viên cao học tại Central Queensland University cho biết, mình đã tốt nghiệp Đại học RMIT, rời Cần Thơ sang Úc học cao học ngành kế toán khá lâu.

Nguyệt nói du học sinh Việt Nam tại Úc đi làm rất phổ biến. Như Nguyệt chẳng hạn, đi làm có tiền để trang trải thêm một phần khoản học phí 6.000 đôla Úc cho mỗi khóa học ở bậc cao học (tất cả bốn khóa) và phí sinh hoạt khoảng 1.000 đôla Úc mỗi tháng.

Nhặt trứng, hái rau, dọn hàng... làm tất!

Romeos Food Bar, một quầy bán cà phê và thức ăn nhanh nằm khiêm tốn ở một góc của chợ Queen Victoria, là điểm đến của nhóm chúng tôi. Những nhân viên bán hàng tại đây qua lại như con thoi. Thỉnh thoảng có hai, ba nhân viên phục vụ cứ nhìn nhóm chúng tôi cười tủm tỉm, với ánh mắt thân thiện.

Thì ra đó là du học sinh Việt Nam, nhận đồng hương Việt Nam. “Hi!” (Xin chào!) - bạn Phạm Hoàng Mai, sinh viên cao học ngành chính sách công và quản lý tại Đại học Tổng hợp Melbourne, cười rất tươi.

Chúng tôi xin phép người quản lý Romeos Food Bar được trò chuyện, chụp ảnh du học sinh Việt Nam đang làm việc tại đây, người quản lý quầy cà phê nói ngay: “Quay phim, chụp ảnh thì có thể... nhưng không được phỏng vấn”.

Có lẽ vì thời gian với họ là thứ rất giá trị, không được phép lãng phí! Chúng tôi chỉ kịp biết Mai sang Úc học tập bằng một nguồn học bổng. Mai làm thêm ba ngày/tuần, mỗi ngày khoảng bảy tiếng. Mai chỉ kịp vẫy tay chào tạm biệt... rồi lại tiếp tục chạy đi chạy lại để phục vụ khách...

Bạn Vũ Ánh Tuyết, du học sinh tại Đại học Tổng hợp New South Wales (Sydney, Úc) cho biết, Tuyết có công việc bán thời gian đầu tiên sau năm học đầu tiên tại Úc. Tuyết đảm trách việc tính tiền tại cửa hàng bán rau quả. “Làm việc chưa đầy ba tháng nhưng tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích...”.

Tuyết nói về một đồng nghiệp cùng làm: “Cô bé người Úc mới 15 tuổi nhưng có dáng chững chạc như người 25 - 26 tuổi. Cô bé rất ngạc nhiên khi biết tôi đã hơn 20 tuổi mới bắt đầu có công việc làm thêm đầu tiên”.

Đặc biệt, về mặt giao tiếp xã hội và khả năng quản lý, Tuyết tự nhận “cô bé chưa học xong trung học ấy nhưng đã hơn tôi, một sinh viên”.

“Lần đầu tiên trong đời tôi mới biết thế nào là sự mệt nhọc sau tám tiếng đồng hồ đứng tính tiền bán rau quả và chỉ có 30 phút nghỉ trưa. Kiếm được đồng tiền không đơn giản như nhiều người từng nghĩ...”, Tuyết bộc bạch.

Gần hai tuần lễ làm việc tại ba thành phố Brisbane, Sydney và Melbourne của Úc, khi đến thăm bất kỳ trường đại học hay viện nghiên cứu nào, chúng tôi cũng đều nghe thấy những câu chuyện đi làm thêm của du học sinh Việt Nam.

Có thể, họ đi farm (làm việc tại trang trại), nhặt trứng gà, hái rau quả, làm lò bánh mì, hay dọn hàng, dạy thêm... đủ cả.

Trên chuyến bay trở về Việt Nam hôm đó, tôi thầm tin những giọt mồ hôi của du học sinh Việt Nam đổ trên xứ người, những vất vả nhọc nhằn, những đêm thức trắng cho một kỳ thi... để nuôi dưỡng, tích lũy chất xám rồi đây sẽ được gặt hái xứng đáng.

Melbourne, Úc, tháng 4/2006

Theo Quốc Thanh
Tuổi Trẻ

© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC