Du học Đức: Dễ mà khó, khó mà dễ

Du học Đức: Dễ mà khó, khó mà dễ

Một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên Việt Nam sang Đức du học là Tiếng Đức, nhất là nói và hiểu.

Với những sinh viên muốn du học tại Đức, ngoài những thủ tục hành chính và pháp lý cần thiết, bạn phải hoàn thành tổng cộng 600 tiết học ngoại ngữ được chia thành nhiều khóa học của Viện Goethe, sau đó phải thi lấy bằng mới được Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cấp visa du học.

architecture 2598158 640 

Một trong những khó khăn lớn nhất của sinh viên Việt Nam sang Đức du học là Tiếng Đức, nhất là nói và hiểu.

Mặc dù đã trải qua một lớp đào tạo ở Việt Nam, nhưng mọi thứ vẫn bỡ ngỡ và mới lạ khi sống trong môi trường mà khi quay về bất kỳ hướng nào bạn chỉ toàn nghe thấy Tiếng Đức.

Vì vậy phần lớn sinh viên đều đăng ký vào một lớp học Tiếng Đức ngắn hạn khoảng 3-6 tháng, sau đó thi vào học dự bị.

Nếu bạn chưa từng học đại học, bạn phải học T - Kurs, tức là toán, lý, hóa và Tiếng Đức (nếu ngành bạn học chuyên về tự nhiên), còn nếu bạn đã hoặc đang học dở đại học ở Việt Nam thì phải học khóa DSH, tức là chỉ toán và Tiếng Đức.

Khi thi đậu DSH, bạn có thể nộp đơn vào trường đại học.

Đức là một nước châu Âu có nền kinh tế phát triển, thế nên việc du học ở một đất nước đầy tiềm năng như thế sẽ là cơ hội lớn để bạn xây dựng con đường sự nghiệp, dù lựa chọn sau này của bạn là ở lại làm việc hay về nước xây dựng quê hương.

Tuy nhiên, cũng như bao sinh viên đi du học ở các nước khác, những khó khăn đầu tiên trong việc học, thuê nhà và các khoản chi phí khác là điều không tránh khỏi.

Tâm sự với tôi, anh Chu Mạnh Tuấn - sinh viên năm 3 khoa khoáng sản & dầu khí Trường đại học Tổng hợp kỹ thuật Bergakademie Freiberg, nói:

- Năm đầu nói chung có nhiều khó khăn vì thật ra nghe cũng chưa hiểu được nhiều, phương pháp dạy bên này có khác so với Việt Nam là không có tài liệu học, chủ yếu nghe giảng và chép tay, thầy giảng bằng máy chiếu, nếu có tài liệu thì cũng chỉ có hình ảnh minh họa là chủ yếu (mà hình ảnh này phần lớn dùng tiếng Anh) chứ không giải thích cặn kẽ vấn đề.

Các khoa của trường đại học bên này phân bố rải rác nên việc di chuyển khá khó khăn nếu không có xe đạp.

 

Sinh viên Đức rất hòa nhã và thân thiện, họ sẵn sàng giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn. Bạn cũng nên mở rộng lòng mình, biết người biết ta, đừng mặc cảm mà thu mình lại như thế bạn sẽ nhanh chóng trở thành người cô độc.

Tôi đã gặp không ít bạn gái khi sang bên này du học trong những ngày tháng đầu tiên, khi phải tự lập giữa vùng trời mới, xa gia đình, xa những kỷ niệm và bị nỗi nhớ giày vò khiến họ chỉ muốn ngày mai xách vali trở về quê hương.

Chính bản thân tôi cũng không nằm ngoài vòng quay chung ấy, có những lúc nhớ nhà tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả, nhưng rồi chợt nhớ đến lời dặn của một người bạn học:

"Yến Anh ơi, hãy gạt nước mắt chạy ra ngoài kết bạn và hòa nhập vào cuộc sống mới nhanh lên, chúng mình chờ mong ngày thành đạt trở về của bạn!".

Phần lớn trường đại học của Đức bây giờ thu học phí 500 euro cho mỗi kỳ học, nhưng vẫn có một số ít tiểu bang như Berlin, Sachsen-Anhalt... miễn học phí cho sinh viên.

Ngoài số tiền học phí phải đóng, bạn còn phải chi phí cho sách vở, tàu xe khi đi thực tập hay dã ngoại, điện thoại liên lạc với giảng viên, tiền ăn ở. Số đông sinh viên bên này sống trong ký túc xá vì giá rẻ, bạn có phòng riêng, chỉ dùng chung bếp và nhà tắm với những sinh viên khác.

Nhưng sinh viên Việt Nam sang Đức du học phần lớn đều thuê nhà riêng và 3-4 người ở chung. Tiền thuê nhà mỗi người góp vào để trả dù sao vẫn rẻ hơn khi ở trong ký túc xá và cùng là người Việt với nhau nên có nhiều thuận lợi. Việc tìm nhà bên này khá dễ dàng do có trung tâm tư vấn miễn phí ở gần nên sinh viên không gặp nhiều khó khăn trong vấn đề này.

Theo thống kê của nước Đức, trung bình một sinh viên đại học chi phí khoảng 600-700 euro mỗi tháng.

Để có tiền trang trải cho việc học và cuộc sống, nhiều sinh viên Việt Nam được gia đình tài trợ cộng với số tiền đi làm thêm. Nhưng có không ít bạn trẻ phải tự lo hoàn toàn về mọi thứ, họ tranh thủ làm thêm vào cuối tuần hay trong các kỳ nghỉ ở các nhà hàng, tiệm bán quần áo để tích lũy cho những tháng tới.

Đại học ở Việt Nam khác nhiều so với Đức, có nhiều bạn trẻ đã nghĩ rằng học ở nước ngoài dễ hơn học ở Việt Nam, nhưng thật sự điều đó chưa hoàn toàn đúng.

Theo lời bạn Trần Hằng Nga thì ở bên này tự học nhiều, học căn bản hơn, thực tế hơn và nó thực chất là "học" hơn.

Phải thừa nhận một điều là học ở Đức thực tập rất nhiều, điều này những bạn trẻ đã được rèn luyện ngay từ khi học phổ thông, thầy cô có kiến thức rất rộng, trình độ tiếng Anh cao, vi tính khá nên khi bạn hỏi vấn đề gì liên quan đến môn học, họ trả lời khá dễ dàng.

Phương pháp giảng dạy cũng khác Việt Nam, nói nhiều viết ít.

Tôi là một thành viên có thể gọi là đi du học theo cách hiểu của người Việt Nam vì tôi học ở Đức đã khá lâu.

Nhưng tôi không chọn con đường vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp THPT mà chọn cho mình con đường khác cho tương lai, đó là vừa học vừa làm.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông ở Đức, tôi nộp hồ sơ vào một công ty của Đức, ở đó sau những ngày lên giảng đường học lý thuyết, tôi lại trở về công ty thực hành.

Tất nhiên khi ra trường bằng cấp đó sẽ không có giá trị cao như bằng đại học vì thời gian học ngắn hơn và kiến thức cũng giới hạn hơn, nhưng bù lại tôi có cả lý thuyết lẫn kinh nghiệm thực tiễn.

Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả Đức vẫn còn nhiều trường hợp sinh viên tốt nghiệp đại học, khi ra trường họ vẫn bỡ ngỡ.

Một tấm bằng tốt nghiệp loại khá hay giỏi ngày nay chưa nói lên được gì cả, nó chưa thật sự là tấm vé ưu tiên tìm việc làm, nếu bạn không biết biến những lý thuyết ở trường vào thực hành.

Khi nhu cầu của các công ty càng cao thì sự đòi hỏi ở sinh viên cũng ngày càng trở nên đa dạng!

 


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong CAM NANG DU HOC