Tính đến nay, Vi Thanh Tuấn, chàng trai 36 tuổi người Đức gốc Việt đã có khoảng một năm gắn bó với Công ty Schaeffler Việt Nam, nhà sản xuất thiết bị ngành công nghiệp ô tô đa quốc gia, có nhà máy tại Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với vị trí Trưởng phòng Hậu cần Nhà máy. Nhưng việc bỏ lại tất cả ở Đức: một gia đình lớn có ba mẹ, các anh chị em, cùng một công việc tốt tại một tập đoàn đa quốc gia lớn chuyên về thiết bị y tế để trở về Việt Nam vẫn như chuyện vừa diễn ra hôm qua. Đây hẳn là một định không dễ dàng gì với Tuấn khi chuyển về Việt Nam sinh sống và làm việc, đồng thời là cơ hội để hiểu thêm về quê cha-đất tổ.
Sau nhiều lần về Việt Nam trong những chuyến du lịch ngắn ngày, Vi Thanh Tuấn quyết định trở về để sinh sống và làm việc
Tuấn trở về không chỉ để khám phá văn hóa nơi “chôn nhau cắt rốn” của cha mẹ mà còn thử thách mình tại một nền kinh tế đang phát triển và đầy ắp cơ hội như Việt Nam. Ba mẹ Tuấn rất ủng hộ anh nhưng không khỏi lo lắng cho cậu con trai vốn sinh ra và lớn lên tại Đức sẽ không thích ứng được với những khác biệt về chăm sóc y tế, chất lượng dịch vụ công.
Tuy nhiên, Tuấn chia sẻ đó chỉ là vấn đề nhỏ không đáng kể. Thử thách thực sự đối với anh đến từ sự khác biệt từ nền văn hóa. Khác hẳn với cách làm việc khi gặp vấn đề của người Đức, anh phải nhìn nhận với việc các đồng nghiệp ở Việt Nam ít khi chia sẻ ý kiến cá nhân. Khi gặp một vấn đề, người lao động ở Đức sẽ thẳng thắn trong việc đưa ra chính kiến của mình hơn các đồng nghiệp mà Tuấn gặp tại Việt Nam. Tuấn cũng đưa ra một phép so sánh sự khác biệt giữa số ngày nghỉ phép đếm trên đầu ngón tay tại Việt Nam và đến tận 30 ngày nghỉ phép tại Đức.
Nhìn nhận để cân bằng giữa công việc và cuộc sống trước sự khác biệt của hai nền văn hóa, Vi Thanh Tuấn, sinh ra và lớn lên tại Đức nay lại hài lòng với quyết định trở về của mình, sinh sống tại Việt Nam hơn một năm nay. “Mỗi sáng thức dậy, tôi hào hứng chuẩn bị cho một ngày mới, được làm việc với các đồng nghiệp có đam mê lớn và tinh thần tìm tòi học hỏi cao. Tại Việt Nam, tôi có thể tìm được sự cân bằng giữa công việc và tận hưởng cuộc sống từng ngày với những con người thân thiện, vui vẻ như chính Việt Nam. Thực sự, Việt Nam đã là nơi tôi thuộc về”, Tuấn chia sẻ và cho biết chắc chắn sẽ gắn bó với Việt Nam ít nhất ba năm tới với kế hoạch đồng hành cùng dự án xây dựng nhà máy mới của công ty. “Xa hơn, tôi đang suy nghĩ về việc ở luôn tại Việt Nam để xây dựng tổ ấm của mình chẳng hạn” Tuấn nói.
Theo Tuấn, khó khăn lớn nhất với anh và các nhân tài người Việt khác khi trở về xuất phát từ những khác biệt đến từ văn hóa
Vi Thanh Tuấn là một trong rất nhiều nhân sự người Việt trở về thành công trong chiến dịch “Come Home Phở Good” (Trở về làm việc tại quê hương Việt Nam) do Công ty tư vấn và tuyển dụng nhân sự cấp cao Robert Walters Việt Nam thực hiện. Như Tuấn chia sẻ, Robert Walters đã giúp anh kết nối với những công ty tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp. Đặc biệt hơn, Robert Walters còn hỗ trợ, theo sát và giúp đỡ anh, từ việc giải thích rõ về cách làm việc, văn hóa doanh nghiệp đến việc chia sẻ về cách giao tiếp, ứng xử với đồng nghiệp để đảm bảo Tuấn tìm được công việc thích hợp và thích nghi được với môi trường làm việc hoàn toàn mới.
Ông Adrien Bizouard, Giám đốc điều hành, Robert Walters Việt Nam cho biết: “Chiến dịch “Come Home Phở Good” được xây dựng dựa trên nhu cầu của các khách hàng sử dụng dịch vụ của Robert Walters. Các công ty, tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tuyển dụng rất lớn các nhân sự cấp cao có kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế và có hiểu biết về văn hóa, con người Việt Nam để dễ dàng kết nối với nhân sự trong và ngoài nước.
Và các ứng viên người Việt Nam, đã từng đi du học rồi ở lại làm việc tại nước ngoài là những lựa chọn tốt nhất. Robert Walters đã tìm kiếm, tiếp cận và kết nối với các nhân sự người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài nhưng có mong muốn trở về quê hương để đáp ứng nhu cầu này. Robert Walters trở thành cầu nối để những người trẻ Việt Nam đã được trải nghiệm, tiếp thu sự phát triển của thế giới có cơ hội được dụng võ ngay tại quê nhà, đóng góp cho đất nước nhưng vẫn vươn ra thế giới. Đồng thời, các công ty, tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam vẫn có được nguồn nhân lực chất lượng cao, có tầm nhìn quốc tế.”
Đến nay, sau 2 năm triển khai, chiến dịch “Come Home Phở Good” của Robert Walters đã kết nối với hơn 5.000 nhân sự người Việt và 1.200 trong số này chia sẻ mong muốn quay trở về quê hương để làm việc. Đặc biệt, đã có một số lượng đáng kể những nhân sự người Việt thành công trong việc tìm kiếm một công việc hoặc vị trí phù hợp thông qua chương trình này.
“Xu hướng trở về của những người Việt Nam từng sinh sống và làm việc tại nước ngoài ngày càng rõ rệt. Họ trở về không chỉ bởi nhu cầu rất nhân văn là chăm sóc cha mẹ. Bên cạnh đó là mong muốn tìm về những gì thân thuộc và tìm thấy chính mình. Điều này đang có ý nghĩa lớn với thị trường nhân sự trung và cao cấp nói riêng và với nền kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Adrien Bizouard nhận định.
A.D
Theo Nhịp Sống Kinh Tế
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000