“Con rối tha hương”- câu chuyện người Việt trên nước Đức gây xúc động

“Con rối tha hương” tựa như cuốn biên niên sử của một bộ phận kiều dân người Việt Ở Đức, mà ở đó, tác giả diễn tả khá đầy đủ sự hạnh ngộ, cả cái được, cái mất, hạnh phúc và bi kịch của con người ta khi bị bứt ra khỏi cội nguồn của mình.

Mới đây, cuốn sách “Con rối tha hương” được chọn giới thiệu đầu tiên trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2016 tại Hà Nội. Buổi tọa đàm diễn ra tại Viện Goethe hơn 2 tiếng đồng hồ gây xúc động và ấn tượng mạnh cho khán giả.

Tác giả cuốn sách người Đức, Kalisa đã không thể có mặt vì mẹ của bà bị ốm. Dẫu vậy sự có mặt của dịch giả Lê Quang, và nhà văn Nguyễn Văn Thọ – tác giả cuốn “Quyên” đã dựng thành phim, đồng thời cũng là hai Việt kiều Đức, vốn rành rẽ thời điểm cũng như xã hội nước Đức nơi diễn ra câu chuyện của cuốn tiểu thuyết, khiến cho độc giả có thêm cơ hội hiểu rõ hơn những dụng ý muốn truyền tải của tác giả cuốn tiểu thuyết.

Cuốn tiểu thuyết kể về một gia đình người Việt ba thế hệ trên nước Đức.

Thế hệ đầu tiên là Hiền & Gấm, sang Đức hợp tác lao động trong những năm 80 của thế kỷ trước. Năm 1989 bức tường Berlin sụp đổ, thì cuộc sống của Hiền & Gấm bị đảo lộn, họ không biết được tương lai cuộc sống của gia đình mình như thế nào. Nhưng nhờ những người bạn Đức tốt bụng, họ đã mở được một cửa hàng nhỏ ở phía Đông Berlin, cung cấp rất nhiều đồ đạc, vật dụng, thực phẩm đặc biệt là những đồ đạc, vật dụng của người Việt.

Khi Gấm mất trong một tai nạn, Dũng – cậu con trai của hai vợ chồng họ – phải bỏ học để ở nhà phụ giúp công việc cùng mẹ. Từ những bối rối, giằng xé ban đầu của một cậu trai sinh ra trên nước Đức, luôn hạn chế tiếp xúc với người Việt và hoàn toàn xa lạ với công việc kinh doanh của gia đình, Dũng dần dần hòa nhập hơn dòng chảy cuộc sống và kinh doanh của cộng đồng người Việt trên tại đây. Rồi anh quen biết và kết hôn với Mây – một cô gái Việt di cư sang Đức cùng gia đình và sinh ra thế hệ thứ ba trên nước Đức: cậu con trai tên Minh.

Trường tiểu học của Minh tổ chức một ngày hội văn hóa, và học sinh được yêu cầu mang một sản phẩm văn hóa từ quê hương đến tham gia lễ hội. Minh đã cùng bà nội mang một con rối và một tiết mục trình diễn đến để tham gia. Đây là một con rối rất đặc biệt, được bố bà Hiền để lại và bà mang theo nó từ hồi rời Việt Nam sang Đức lao động. Nhờ con rối, mọi người biết đến cửa hàng của gia đình Dũng nhiều hơn, đồng thời cửa hàng cũng trở thành điểm đến của rất nhiều người và cũng là nơi xuất phát điểm của rất nhiều câu chuyện nên thơ sau này: những chiếc nón lá dần dần xuất hiện trên khắp các đường phố Đức; những cây cầu khỉ thoắt ẩn, thoắt hiện trên các đường phố; một buổi biểu diễn rối nước thu hút được gần hai vạn người tham dự….

Bà Almuth Meyer Zollisch, Giám đốc Viện Goethe đánh giá tác giả Kalisa đã kể một cấu chuyện rất hay về những người Việt Nam, văn hóa Việt Nam trên nước Đức. Và đọc cuốn tiểu thuyết độc giả còn hiểu được một phần câu chuyện về lịch sử nước Đức trong giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước.

“Con rối tha hương” là câu chuyện cổ tích hiện đại, phần nào nghiêng về cái nhìn tích cực màu hồng của tác giả về cuộc sống người Việt ở Đức. Điều đó có lẽ không sai khi cuốn tiểu thuyết thể hiện rất rõ tình cảm ấm áp, thậm chí khoan dung của tác giả với nhiều sự thật của cộng đồng người Việt Nam tại Đức”, dịch giả Lê Quang nói.

1 1 Con Roi Tha Huong  Cau Chuyen Nguoi Viet Tren Nuoc Duc Gay Xuc Dong

Buổi tọa đàm “Con rối tha hương” diễn ra mới đây tại Viện Goethe

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì nhận xét rằng: Miêu tả của tác giả về người Việt, về mối quan hệ người Đức với người Việt trong cuốn tiểu thuyết rất tinh tế, nó làm tôi nhớ đến giai đoạn tôi ở nước Đức với những gương mặt bạn bè quen thuộc một thời. Tôi đồng cảm với những gì bà kể về nước Đức trong giai đoạn đó.

Con rối tha hương tựa như cuốn biên niên sử của một bộ phận kiều dân người Việt Ở Đức, mà ở đó, tác giả diễn tả khá đầy đủ sự hạnh ngộ, cả cái được, cái mất, hạnh phúc và bi kịch của con người ta khi bị bứt ra khỏi cội nguồn của mình.

Tác giả hẳn là người rất am tường cuộc sống người Việt ở Đức, cũng như tinh thần văn hóa bản địa để chọn ra nhiều chi tiết khá điển hình và sinh động, lại có tính khái quát mà làm nên cốt lõi một vấn đề khá lớn và sâu sắc là bi kịch của các dân tộc khi rời bỏ quê hương; đồng thời giải quyết vấn đề trên cũng chính bằng văn hóa.

Cụ thể ở đây là, nhiều mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa cả chính quyền và cư dân bản địa với người di dân đã được hóa giải, được cảm thông và chia sẻ để thông hiểu nhau, thông qua nghệ thuật rối nước; những con rối được mang đi từ Việt Nam, hoặc được những người Việt ở Berlin đã tạo ra…

Cũng không thể không nói tới Con rối tha hương thành công khi lôi cuốn người đọc đọc một mạch không nghỉ là nhờ sự chuyển ngữ rất tài tình của dịch giả Lê Quang. Khá nhiều đoạn văn, câu nói được Việt hóa một cách nhuần nhị; mà vẫn không tiêu diệt, dập tắt hơi thở, văn phong Đức của nhà văn Đức Karin Kalisa.

Cũng cần phải nói thêm một chút về tên của cuốn sách khi được dịch sang tiếng Việt, đã chuyển tải gần như được trọn vẹn tinh thần của cuốn tiểu thuyết, và nhận được sự tán thưởng của rất nhiều người, trong đó có chính bản thân tác giả. So với tên gốc của cuốn sách dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Cửa hàng của Sung”.

Trúc Diệp


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000