Các nhà kho cũ và tòa chung cư lắp ghép được xây dựng từ tấm bê tông đúc sẵn nằm dọc các đường phố ở quận Berlin-Lichtenberg, phía đông bắc thủ đô của Đức. Ở giữa khu công nghiệp bỏ hoang này, Trung tâm Dong Xuan hoạt động sôi nổi.
Bên trong khu chợ tràn ngập tiếng trò chuyện, chủ yếu bằng tiếng Việt. Mọi người xếp hàng trước các quán ăn để làm ấm mình bằng bát phở nóng. Các chủ cửa hàng rao lớn những ưu đãi trong ngày để thu hút khách hàng.
Chợ Đồng Xuân của người Việt ở Berlin, Đức. Ảnh: Alamy.
Theo South China Morning Post, chợ Đồng Xuân là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp bán buôn, cửa hàng và nhà sản xuất thực phẩm. 80% người thuê là người Việt Nam. Những người khác đến từ Ấn Độ, Pakistan hoặc Trung Quốc.
Lịch sử của trung tâm gắn liền với câu chuyện của hàng nghìn người Việt Nam đến Berlin theo diện xuất khẩu lao động khi nơi này vẫn còn là thủ đô của Đông Đức.
Thất nghiệp khi nước Đức thống nhất
Trong những năm 1980, Đông Đức thiếu hụt lao động lành nghề. Chính phủ Đông Đức đã ký hiệp ước với các nước xã hội chủ nghĩa khác như Việt Nam, Triều Tiên, Mozambique, Trung Quốc và Cuba để tiếp nhận công nhân, những người sẽ trở về nhà ngay khi hợp đồng của họ hết hạn, thường là sau 5 năm.
Cha của Minh Nguyen Huu, 31 tuổi, từng được tuyển dụng. Năm 1988, ông bỏ vợ đang mang thai ở Việt Nam để bắt đầu làm việc ở Đông Berlin. Nhưng một năm sau, mọi thứ thay đổi với sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự thống nhất nước Đức sau đó.
“Các công nhân xuất khẩu lao động thấy mình ở trong một tình huống đặc biệt, vì họ có hợp đồng với Đông Đức, một đất nước không còn tồn tại nữa”, anh Minh nói với South China Morning Post. Anh hiện học ngành sư phạm ở Berlin và hướng dẫn các chuyến tham quan tới chợ Đồng Xuân.
Mặt ngoài của chợ Đồng Xuân ở Berlin. Ảnh: Alamy.
“Thời điểm đó vẫn còn khoảng 60.000 lao động xuất khẩu người Việt ở Đông Đức. Họ được chọn trở về nhà hoặc ở lại, trong khi chính phủ Đức đề nghị bồi thường và cho họ vé máy bay trở về Việt Nam. Một nửa về nhà, nửa còn lại ở lại”, anh nói.
Cha của Minh chọn xây dựng cuộc sống mới ở nước Đức thống nhất. Vợ và hai cậu con trai sinh đôi tới sống cùng ông ở Berlin. Tuy nhiên, việc thống nhất nước Đức lại khiến hầu hết lao động xuất khẩu Việt Nam thất nghiệp.
Nhiều người trong số họ bắt đầu kinh doanh riêng để kiếm sống. Họ mở cửa hàng hoa, nhà hàng và thẩm mỹ viện hoặc kinh doanh hàng may mặc. Đó là con đường mà Nguyen Van Hien, người sáng lập chợ Đồng Xuân, đã chọn.
Lúc đầu, ông Hien phải đi khắp Ba Lan để mua hàng tại một công ty bán buôn. “Ông ấy thường xuyên gặp các nhà bán lẻ Việt Nam khác từ Berlin và nghĩ rằng tại sao không thành lập chợ bán buôn ở Berlin. Đó là cách chợ Đồng Xuân ra đời, vào khoảng 15 năm trước”, anh Minh kể.
Nguyen Van Hien sáng lập chợ Đồng Xuân ở Berlin khoảng 15 năm trước. Ảnh: Alamy.
Ngày nay, nơi này trở thành trung tâm kinh tế và văn hóa cho người Việt Nam sống ở Berlin. Theo Hiệp hội người Việt Nam ở Berlin và Brandenburg, trong số 100.000 người Việt Nam và người Đức gốc Việt ở Đức, có khoảng 26.500 người sống ở thủ đô.
Người ta có thể mua bất cứ thứ gì ở trung tâm thương mại cao 9 tầng này, nơi bày bán tất cả từ hàng tạp hóa đến đồ chơi, quần áo, hoa giả và mỹ phẩm.
“Là người Việt Nam, bạn có thể dành cả ngày ở đây mà không cần nói một từ tiếng Đức nào. Ngoài việc bán buôn, ở đây còn có phiên dịch viên Việt – Đức và cố vấn pháp lý, trường dạy lái xe Việt Nam, đại lý du lịch và nhân viên bán xe hơi”, anh Minh nói.
Asiatown của Berlin
Phan Bian Thao làm việc tại một tiệm làm móng. Chỉ vài năm trước, hầu hết khách hàng của cô là người Việt Nam. Bây giờ, nhiều người dân Berlin và người Đức từ bên ngoài thành phố cũng tìm đến Trung tâm Đong Xuan, giúp công việc kinh doanh của cô ngày càng phát đạt.
“Họ đến đây vì nó rẻ hơn bất cứ nơi nào khác trong thành phố, và sau khi làm móng, họ có thể tiếp tục mua sắm. Nó là một điểm đến lý tưởng”, cô nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả chủ tiệm đều vui vẻ. Trong khi các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng, thẩm mỹ viện và spa luôn đông khách, các gian hàng khác thường trống trải.
Trang phục nữ giới được bày bán ở chợ Đồng Xuân tại Berlin. Ảnh: Alamy.
Trong một cửa hàng bán đồ dệt may, quần áo được xếp gọn gàng trên kệ nhưng những người qua đường dường như không ngó ngàng gì.
Cửa hàng thuộc về một người đàn ông Việt Nam ngoài 50 tuổi. Ông đến Đông Berlin gần 30 năm trước với tư cách công nhân lao động. Sau khi nước Đức thống nhất, ông quyết định ở lại và bắt đầu kinh doanh riêng tại quận Marzahn lân cận.
Bảy năm trước, ông chuyển đến chợ Đồng Xuân. “Công việc rất khó khăn, kinh doanh liên tục suy giảm. Ngành công nghiệp dệt may ở đây đã giảm sút trong vài năm qua”, ông nói, giải thích rằng sự cạnh tranh đang trở nên khốc liệt hơn và ông không thể theo kịp các công nghệ mới.
Dù đã sống ở Đức gần ba thập kỷ nhưng ông vẫn cảm thấy đây không phải là nơi mình thuộc về. “Mọi người vẫn xem tôi là người nước ngoài. Tôi rất biết ơn vì đã có thể kiếm sống ở đây nhưng quê hương thực sự của tôi là Việt Nam. Khi các con tôi học xong, tôi sẽ quay lại”, ông nói.
Các kế hoạch biến chợ Đồng Xuân thành Asiatown (khu châu Á) của Đông Berlin đang được lập ra. Bước đầu tiên là mở một khách sạn. Một trung tâm văn hóa với một phòng chức năng lớn sẽ sớm xuất hiện sau đó.
“Hầu hết người Việt ở Berlin sống ở khu vực này, vì vậy nó rất có ý nghĩa”, anh Minh nói.
Theo Zing
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000