Hành trình đến nước Đức
Ngay khi còn bé, nước Đức đã trở nên quen thuộc với tôi nhờ những câu chuyện kể của bố mẹ kể về những năm tháng sống ở đó, về con người kỷ luật với tinh thần thép và một dân tộc có lòng tự tôn sâu sắc. Hồi ấy, mẹ tôi sống ở thị trấn Colditz, thuộc quận Leipzig, tỉnh Saxony; còn bố tôi ở Lippendorf, cách đó gần 60km.
Mẹ tôi vẫn hay nhắc về kỷ niệm ngày đầu tiên đến Đức, mẹ đã khóc nhiều thế nào vì nhớ nhà, về những món ăn châu Âu lạ lẫm, về tình yêu của bố giúp mẹ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Và tấm ảnh chụp bố mẹ tôi hồi trẻ trên một cây cầu ở Colditz chính là “bằng chứng” lưu giữ những năm tháng thanh xuân đẹp nhất mà mỗi lần nhắc đến, bố tôi thường bảo “Lớn lên, con hãy đến đây nhé!”. Đứa trẻ 5 tuổi là tôi khi ấy hồn nhiên khẳng định chắc nịch: “Chắc chắn rồi ạ!”.
Có lẽ vì lời hứa ấy, vì tình yêu của bố mẹ, vì tình yêu nước Đức đã ấp ủ trong tôi ước mơ được đặt chân đến xứ sở này một lần trong đời. Tôi đặt cho mình mục tiêu 2 năm sau khi đi làm sẽ đến nước Đức.
Nhưng phải 4 năm sau khi đi làm, giấc mơ của tôi mới thành sự thật. Hành trình đến Đức không hề dễ dàng. Tôi phải tự mình lo mọi thủ tục visa, đặt vé máy bay, vé tàu xe, nhà nghỉ, những địa điểm tham quan và cách thức di chuyển sao cho hợp lý nhất. Vấn đề tài chính cũng là một bài toán khó với một người trẻ như tôi, khi khoản tiền tiết kiệm bấy lâu dành riêng cho chuyến đi này cũng chỉ vừa đủ. Nhưng với tình yêu nước Đức, tôi nghĩ mình sẽ vượt qua được tất cả.
Tôi đã ở đó: Berlin
Đầu tháng 11/2018, tôi thực hiện chuyến bay đến với ước mơ của mình ở tuổi 26. Khoảnh khắc ở trên máy bay, chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Düsseldorf (nằm ở bang Nordrhein-Westfalen, phía Tây nước Đức), tôi thấy tim mình như ngừng đập. Phía dưới là khung cảnh nước Đức mùa thu đẹp mê hồn với những vạt rừng đang thay lá màu vàng đỏ trải dài.
Nước Đức mở ra trước mắt tôi là khu tàu điện ngầm hiện đại chạy êm ru, dãy nhà cổ đồ sộ với lối kiến trúc Gothic cầu kỳ đặc trưng của châu Âu xen lẫn giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại. Dù ở thành phố, các trung tâm du lịch hay thị trấn vùng nông thôn, cuộc sống đều rất yên bình, văn minh. Người dân Đức lịch thiệp, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ du khách.
Tôi ở Đức 10 ngày, di chuyển qua 8 thành phố, thị trấn gồm: Bochum, Dortmund, Berlin, Leipzig, Colditz, Dresden, Munich, Fussen.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là khoảnh khắc đến cây cầu trong bức ảnh bố mẹ tôi từng chụp, cảm nhận tình cảm ấm áp và sự kết nối kỳ diệu của gia đình mình. Mọi câu chuyện bố mẹ kể về nước Đức, những lời hứa hồi thơ bé, ký ức về gia đình như một thước phim lướt qua trong tâm trí tôi. Dòng thời gian như đưa tôi ngược về quãng thời gian tuổi trẻ của bố mẹ, chứng kiến tình yêu đích thực trên mảnh đất này và rồi trở về Việt Nam với một đám cưới viên mãn.
Để tìm được cây cầu trong bức ảnh, ở một đất nước xa lạ là điều không hề dễ dàng. Không những thế, Colditz còn là một thị trấn nằm ở vùng nông thôn, rất xa thành phố, chỉ có 1 chuyến tàu đi qua và 1 tuyến xe buýt để vào trung tâm thị trấn. Tôi sẽ không thể tìm được cây cầu này nếu không có sự giúp đỡ của ứng dụng tìm kiếm google và bản đồ điện tử google map. Sự phát triển của thời đại 4.0 đôi khi đã là phép màu, biến những điều không thể thành có thể.
Và một ước mơ nữa của tôi cũng đã trở thành hiện thực, đó là được đứng ở một trong những sân vận động cuồng nhiệt nhất thế giới, xem trận thi đấu đỉnh cao của CLB Borussia Dortmund với đại kình địch Bayern Munich. Tôi đã từng đi nhiều sân vận động ở Việt Nam, xem những trận bóng lớn, nhưng ở một nơi giữa lòng châu Âu hiện đại, bầu không khí đặc biệt ở đây có lẽ là trải nghiệm khó quên. Riêng ở Dortmund, bóng đá gần như là một thứ tôn giáo, là nơi xóa nhòa mọi khoảng cách, màu da và ngôn ngữ, là cách mà hàng nghìn người cùng chung nhịp đập với 11 cầu thủ trên sân. Đó là khi người ta sẵn sàng ôm lấy những người xa lạ để ăn mừng, chia sẻ tình yêu với đội bóng, như chính slogan của đội: Echte Liebe – tình yêu đích thực.
Giữ hai miễn kí ức
Chuyến đi của tôi đến nước Đức như chiếc vé trở về thời thanh xuân, không chỉ của bố mẹ tôi mà cả thế hệ những người Quảng Ninh đã sang Đức thời bấy giờ. Sau chuyến đi, tôi có cơ hội tìm đến các cô bác, cùng chia sẻ câu chuyện, lắng nghe tâm sự về một thời thanh xuân của họ. Giữa câu chuyện của tôi về một nước Đức hiện đại chính là một nước Đức những năm tháng còn chia cắt.
Chú Hoàng Hùng Tráng, một trong những người bạn thân thiết nhất của bố tôi, hiện là Bến phó Bến xe khách Vân Đồn, chia sẻ:
Vậy là cũng đã 30 năm kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến nước Đức theo chương trình hợp tác lao động giữa hai đất nước. Khi ấy, phía Đông Đức là Cộng hòa Dân chủ Đức, Tây Đức là Cộng hòa Liên bang Đức, các nhà máy Đông Đức nhận công nhân Việt Nam sang đào tạo và làm việc. Thời điểm ấy cũng phải có đến 60.000 người từ Việt Nam sang Đức lao động. Tuy nhiên, sau khi Cộng hòa Dân chủ Đức sụp đổ, các nhà máy giải thể và cơ cấu kinh tế chuyển đổi, một lượng lớn lao động này trở về Việt Nam chỉ sau hơn 2 năm sinh sống và làm việc. Bây giờ mỗi lần nhớ lại những năm tháng ấy, chú đều rất bồi hồi, cảm giác như trở lại ngày tuyết rơi lạnh buốt khi mới xuống sân bay, ngơ ngác, lạ lẫm. Lần đầu đi máy bay, lần đầu đi nước ngoài, lần đầu nhìn thấy tuyết… Hồi ấy ngố lắm, vì nhớ nhà mà nhiều khi chú định bỏ về. Mọi liên lạc, trao đổi với gia đình chỉ có thể qua đường bưu điện chứ không hiện đại và thuận tiện như bây giờ.
Còn với chú Tạ Thiên Thành, hiện là Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn quy hoạch thiết kế Quảng Ninh, bạn thân và cũng là “ông tơ” của bố mẹ tôi, những năm tháng ấy chính là quãng thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ.
Chú hào hứng kể: “Sau một thời gian, mọi người quen biết nhau và thích nghi với cuộc sống ở đây, các chú bắt đầu khám phá, đi tham quan những địa điểm du lịch xung quanh chỗ ở. Cuối tuần, hội dân Hạ Long lại tụ tập với nhau, tổ chức nấu nướng các món ăn Việt Nam. Mẹ cháu khéo tay lắm, dùng trứng mà nấu được nồi canh riêu đồng, làm giả cầy, nem rán để mọi người vơi bớt nỗi nhớ nhà. Có xa quê mới thấy tình cảm anh em quý giá, mới thấy những bữa cơm quen thuộc trở thành “cao lương mỹ vị” đến nhường nào”.
Bây giờ, mỗi người có một cuộc sống riêng, gia đình riêng nhưng hằng năm, hội những người Quảng Ninh đi Đức ngày ấy đều tổ chức họp một lần để cùng nhau ôn lại kỷ niệm. Nước Đức trong ký ức ngày ấy và bây giờ đều là những năm tháng ý nghĩa nhất của tuổi trẻ, là khi người ta được sống với ước mơ, tình yêu và cống hiến hết mình. Thời gian có thể qua đi, nhưng dư âm và kỷ niệm sẽ còn mãi, trong tim những người đã từng đặt chân đến đó.
Bài, ảnh: Dương Hà
Trình bày: Hải Anh
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000