Kiếp hồng nhan người Việt trên nước Đức

Do cuộc sống khó khăn đưa đẩy, nhiều người Việt trước đây đã phải sang Đức trong diện xuất khẩu lao động, rồi vì mục tiêu làm ăn, kiếm tiền để giúp đỡ gia đình nên phải tham gia vào những “liên minh chiến thuật”, cặp bồ để hỗ trợ lẫn nhau, trong khi vẫn duy trì “liên minh chiến lược” với chồng hoặc vợ ở trong nước.

Cuộc sống vợ chồng của nhiều người sau đó gặp trắc trở hoặc đổ vỡ.

Từ năm 1987, sau khi Hiệp định hợp tác lao động được ký lại với mục tiêu đưa 60.000 người Việt Nam sang CHDC Đức làm việc, các đội lao động người Việt được đưa sang ồ ạt.

Tại Berlin trước đó chỉ có một “Làng Việt Nam” ở Gehrenseestrasse, thì giờ đây, một loạt “Làng Việt Nam” mọc lên ở Ahrensfelde, Hans-Loch-Strasse (nay là Sewanstrasse), Pankow, Blumberger Damm…

Tại các đội có đông nữ như đội giặt là với 500 nữ, các đội may… thì trong những ngày cuối tuần tấp nập khách vào ra. Những nam thanh, nữ tú chưa vợ, chưa chồng dần dần gặp nhau và nên đôi, nên lứa là những chuyện đương nhiên và bình thường.

Có nhiều người đã có vợ, có chồng ở Việt Nam, nhưng không chịu nổi sự cô đơn hoặc vì muốn dựa vào nhau để làm ăn, kiếm tiền giúp đỡ gia đình nên đã tìm đến nhau, hình thành những cặp đôi tạm bợ.

Dĩ nhiên cũng không phải tất cả không chung thủy, mà vẫn có một số người cắn răng chịu đựng cảnh cô đơn.

Kiếp hồng nhan người Việt trên nước Đức - 0

Quang cảnh một chuyến hồi hương sau khi nước Đức thống nhất.

Sau khi nước Đức thống nhất, phần lớn những người lao động đã nhận tiền đền bù 3.000 DM và trở về Việt Nam. Những liên minh tạm bợ đã được giải tán và ai nấy trở về với hậu phương vững chắc của mình, dẹp bỏ quá khứ.

Khoảng 15.000 người lao động còn ở lại với một tương lai vô định, vì không biết có được ở lại lâu dài hay không, nên lao vào kiếm tiền thật nhanh để phòng khi phải về nước thì có chút lưng vốn. Nhiều người lao động Việt Nam ở Nga và Tiệp cũng vượt rừng sang Đức, tìm cách ở lại để kiếm ăn. Nhiều người từ Việt Nam cũng sang Nga và Tiệp theo đường du lịch rồi nhập cảnh bất hợp pháp vào Đức, trở thành những người mà báo chí Đức gọi là “tị nạn kinh tế”. Thời kỳ đầu những năm 90 ở Đức thì an ninh lộn xộn, nhưng kiếm ăn lại dễ dàng.

Tới năm 1993, Chính phủ Đức mới chính thức cho phép những người Việt Nam có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống, không phạm tội (ví dụ như tội buôn bán thuốc lá lậu) hoặc chỉ bị tội nhẹ được quyền cư trú có thể lâu dài, mang tính nhân đạo (Aufenhaltsbefugnis), sau đó là Giấy phép lưu trú… Khi được quyền ở lại, nhiều người Việt Nam đã làm thủ tục đưa vợ, con hoặc chồng, con sang theo diện “đoàn tụ gia đình”. Những ai trót có liên minh tạm bợ thì giải tán để xây dựng hạnh phúc gia đình.

Một số người khác, vì nhiều lý do không thể đón được vợ hay chồng sang thì đành sống cuộc đời của ông Ngâu, bà Ngâu, người Đông, kẻ Tây. Trong đó, một số người vẫn giữ quan hệ tay ba “chung thủy với vợ con, sắt son với bồ bịch”. Trong trường hợp người vợ ở Đức, người chồng ở Việt Nam thì mối “liên minh chiến lược” thường bị dẹp bỏ để nhường chỗ cho những mối quan hệ mới. Nhiều ông chồng ở Đức có điều kiện “giúp đỡ” các cô gái trẻ mới sang lại “có mới, nới cũ”. Hoặc có những phụ nữ trước đây lấy chồng mà không tìm hiểu kỹ, giờ đây chán chồng, chê chồng “cù lần”, không biết làm ăn, hoặc đơn giản là cảm thấy không hợp nên “dứt áo ra đi”… Có lẽ vì vậy hay vì những lý do nào khác mà số phụ nữ đứng tuổi độc thân nuôi con ở Đức khá nhiều.

Gần đây, nhìn nhiều cô gái trẻ do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chủ yếu ở miền Trung, cố gắng lặn lội sang Đức, tìm mọi cách để được ở lại mà thấy xót xa. Thậm chí có những ông chú giúp đỡ đưa cháu của vợ sang Đức, rồi cuối cùng vì lý do nào đó mà bỏ cả vợ để ở với “cháu”.

Ngoài ra, việc tái hợp sau một số năm xa cách không phải không để lại hậu quả. Nhiều cuộc hôn nhân đã đổ vỡ, hiện tượng “rổ rá cạp lại” cũng khá phổ biến và một số người đã kết hôn tới lần thứ ba. Do nước Đức không hạn chế mà khuyến khích sinh đẻ, nên trong một số gia đình đã xuất hiện tình trạng “con anh, con tôi, con chúng ta”.

Kiếp hồng nhan người Việt trên nước Đức - 1

Bán hàng ở chợ phiên là một nghề quen thuộc của người Việt thế hệ thứ nhất

Quan hệ giữa vợ chồng đã như vậy.

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái người Việt ở Đức cũng có những phức tạp. Nhiều bậc cha mẹ tiếng Đức kém, tư duy nếp sống theo phong cách Việt, trong khi con cái nói tiếng Đức giỏi, tiếng Việt lại kém và tư duy theo kiểu Đức.

Vì vậy, mâu thuẫn thế hệ giữa cha mẹ và con cái, bình thường đã có ở Việt Nam, nay lại càng căng thẳng do mâu thuẫn về văn hóa nữa.

Mặc dù ở Đức cũng có nhiều gia đình người Việt hạnh phúc, vợ chồng hòa thuận, con cái phương trưởng, nhưng nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy một bộ phận không nhỏ có những tình đời ngang trái, éo le, đặc biệt là có rất nhiều phụ nữ phải chịu cảnh cô đơn, một mình làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi con, đáng thương cho một kiếp hồng nhan.

Đó là một thực tế và cuộc sống ở Đức dù có nhiều tốt đẹp, nhưng không chỉ có màu hồng.

Vũ Văn

Theo Thoibao.de


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000