Từ đó mà sinh ra hai đối tượng: Kẻ mời và người đến.
„Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh“; Mỗi người có cách suy nghĩ và việc làm khác nhau.
Nhưng tựu trung lại vẫn là để phục vụ cho hai từ DANH và LỢI. Một con người bình thường đều hành động và suy nghĩ theo hai chiều hướng đó cả.
Trong trường hợp này, người mời và người được mời đều nghĩ đến mình trước đã. Họ được lợi gì và họ bị thiệt gì. Trong trường hợp không thân nhau lắm thì sự cân nhắc mời hay đến được quyết định nhanh chóng hơn. Nhiều trường hợp đã làm khó nghĩ cho cả hai phía, dẫn đến sự „đau đầu“ vô bổ.
Nhiều trường hợp mời nhau đến dự tiệc rất đơn giản. Chỉ vì hay gặp nhau ở chợ rau, trong Metro, trong chợ „Đồng Xuân“, thậm chí quen nhau qua „phản ứng dây chuyền“ suy diễn. A quen B, mà B quen C suy ra A sẽ quen C.
Nhiều mối quan hệ họ chưa bao giờ mời nhau đến nhà riêng hay quán xá để „chén chú, chén anh“. Nhiều mối quan hệ lỏng lẻo, họ không hề biết chỗ ở và hoàn cảnh gia đình của nhau. Họ cứ mời nhau như thế.
Những người hưởng trợ cấp xã hội lại không có khả năng kiếm thêm mà nhận được kiểu giấy mời mỹ miều ấy là rất ái ngại. Ít tiền thì bị người ta khinh mà nhiều thì mình không có. Chẳng có „anh hùng“ nào mà dám đi „hai tay không“ cả. Có mà muối mặt!
Chẳng khác gì ở Việt Nam, không có tiền đành giả vờ đắp chăn nằm co ro trên chiếu rách rồi bảo con, nhờ vợ nói „đánh tiếng“ cáo từ với chủ mời là mình bị ốm, „tiếc quá“ không sao được.
Có những đám mừng con tròn tháng, tròn năm mà mời hàng vài trăm khách. Khi khách đến chủ cũng không biết, khách về cũng chẳng hay.
Được một cái bắt tay vội vàng, lỏng lẻo không kịp nhìn mặt nhau với chủ đã là may lắm. Còn để nói lời cảm ơn hay chia sẻ niềm vui mặn mà, đằm thắm và ấm áp tình người lại càng không thể.
Chủ mời đành phải nhờ ai đó qua loa phóng thanh nói lời cảm ơn một cách nhạt nhẽo và rất chung chung, chỉ là để cho đúng lễ nghi và thủ tục mà thôi.
Để chứa được nhiều khách trong phòng cho nên bàn ăn kê như ngồi họp, đi ra, đi vào vướng víu khó chịu. Tiếng loa đài, xen lẫn muôn vàn câu chuyện phù phiếm.
Âm thanh hỗn loạn. Nhiều lúc người nói không có kẻ nghe, nhưng cứ nói hoài thao thao bất tuyệt. Người ăn, người nói, người hát, người hút thuốc …ai cũng thi nhau thể hiện mình, mà cũng để rồi chẳng ma nào công nhận. Nhưng họ cứ „nổ“ hoài cho sướng cái mồm.
Ăn uống nhiều khi thừa mứa vì quá nhiều. Nhiều đám ế cỗ vì mời diện rộng và không đúng đối tượng.
Diện khách vắng mặt trong đó có một số cho rằng đó là một phi vụ kinh doanh bằng cách nhét đồ ăn vào miệng hoặc mua danh để lên ảnh, lên mạng cho oai.
Những người không đến hoặc đến dự một cách miễn cưỡng thường là vì họ cho rằng giữa họ với nhau cũng chỉ „quen nhau loáng thoáng“ nên tìm lý do để từ chối cho tế nhị. Hoặc đến dự lấy lệ cho xong một „mối tình“. Có trường hợp không đến và làm ngơ luôn.
Khổ vậy, cứ hơi quen nhau một chút là mời. Không liên lạc được thì tìm mọi cách qua người này, kẻ khác lấy được số điện thoại hoặc địa chỉ nhà riêng để mời. Thật là vất vả và phiền phức cho bao người.
Cuối cùng tối về chủ muốn biết khách mời có đến hay không và chất lượng từng khách ra sao là lại phải xòe váy ngồi bệt trên nền nhà cho thoáng rồi sai ông chồng hay ai đó mở từng phong bì, lấy cây bút và quyển số ra ghi chép và lưu trữ, phòng khi có dịp không may bị mời lại còn „trả ơn“ đúng độ cho phải đạo. Khổ quá người ta thường nói „của cho là của nợ“ là vậy.
Trong „phi vụ“ không có „hợp đồng“ này đúng là mình không hỏi vay mà kẻ kia cũng chẳng dám đòi mà hai bên cứ dai dẳng âm thầm trung thành giữ điều hứa không lời để nợ nhau trong tâm khảm hoài. Đầu óc con người bộ nhớ lại có hạn. Chẳng biết bao giờ, thời cơ đến để trả cho xong.
Có buổi tổ chức liên hoan tròn tháng, tròn năm cho một đứa trẻ lại do hai hoặc ba „chủ thầu“ đứng lên. Một bên đại diện cho ông bà nội, một bên cho ông bà ngoại và một bên là bố mẹ của cháu. Khổ cho đứa bé, đã biết quan hệ ngoại giao gì đâu mà bị ông, bà, bố, mẹ không cho ngủ, bế đến làm „vật chứng“ có khi cả một buổi chiều hoảng loạn.
Vì qua ba „chủ thầu“ nên nguồn khách mênh mông, nhiều thế hệ, nhiều kiểu người. Loa đài mở to hết cỡ, inh tai nhức óc. Nhiều người đến dự, nộp phong bì cho chủ xong, xem chừng không ổn nên ăn nhanh rồi „chuồn“. Đồ ăn ngon mà không biết cách yên tĩnh mà hưởng thụ thật đáng tiếc biết bao.
Văn hóa ẩm thực kiểu này làm cho nhiều người thích yên tĩnh rất mệt mỏi. „Com lê củ táo“ ra về mang theo ấn tượng nhạt phèo, chán ngấy, tìm xe đỗ ở bãi xa, ngước lên nhìn Trời chẳng biết trách ai?
Nhiều người cho rằng nguồn vui của gia đình mình là mang nặng tính riêng tư, cần gì phải khuếch trương cho rộng quá vậy. Hơn nữa quan chẳng phải, tướng thì không. Đại gia thì là ai đó, chứ đâu có phải là mình. Họ tự hỏi sao không mời những người thực sự thân thiết, những người đã từng có những quan hệ gần gũi và sâu sắc với mình.
Mình thực sự thích mời họ mà họ cũng thực sự thích đến với mình. Ít khách thì tiếp đón nhau mới chu đáo và tình cảm được. Ở đời phải biết phân biệt đâu là bạn đâu là bè cho đời đỡ mệt vì những chuyện không đâu. Cái chất không có thì cái lượng to có nghĩa gì.
Cũng có người lại nghĩ cứ mời vô tư, cho vui; Ai thích thì đến, không đến thì thôi. Đến với phong bì hay không phong bì cũng chẳng „lăn tăn“ gì. Vui là chính, tiền là „cái đinh“ gì…
Mỗi người một quan điểm, cách suy nghĩ và cách thể hiện riêng.
Theo tôi để cho đỡ mệt, sống cho vô tư, trong sáng, không phải mang ơn vì những việc không cần thiết hay dồn mình vào những cái „đối nhân xử thế“ phức tạp thì cộng đồng chúng ta nên thảo luận vấn đề này. Miễn sao mỗi người chúng ta tìm ra được cái nhàn nhã thanh tao vui thỏa và không bị phụ thuộc vào những điều tầm thường khác.
Quyền mời là của các quý vị, quyền đến dự hay không cũng do quý vị quyết. Người hạnh phúc là người thích làm điều gì là làm được điều đó. Tựu trung chỉ có vậy thôi. Miễn sao mình làm gì thì làm nhưng đừng làm cho người khác khổ lây (kể cả trong quan hệ gần gũi vợ chồng)
Cho các buổi vui liên hoan đó đây được thực sự có chất lượng, đầm ấm, có tình cảm sâu sắc và có ý nghĩa lớn lao hơn. Ai đó đã từng nói: Đừng làm nhiều, hãy làm ít mà cho hẳn hoi. Còn làm nhiều mà vẫn hẳn hoi thì phải xem sao đã phải không các bạn?
Chúc cộng đồng ta, mỗi người hãy tìm ra cái „sướng“ cho chính mình. Tự đeo khổ vào mình mà sướng không biết đường sướng thì thật „dở hơi“.
Berlin, 2.08.2016
Nguyễn Doãn Đôn ( Berlin)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000