Ra Tết, dịp đầu năm, lần đầu tiên tôi tới thăm nhà NSƯT Đức Long, thấy anh đang có khách: Các học viên từ nước ngoài về, đến chơi và học hát. Cứ tưởng chỉ lúc đó là đông, mọi người tranh thủ tới học khi về Việt Nam ăn Tết. Thế mà cuối xuân, sang hè, chớm thu… thời gian nào cũng gặp từng đợt các anh chị em từ Đức, Czech, Ba Lan, Anh, Thụy Điển… về, đến học thầy Đức Long.
Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ Hoàng An (Lê Duẩn- Hà Nội) tràn đầy tiếng đàn, tiếng hát. Nhà chật, khách ngồi quanh bàn nước, cạnh đàn, gần bếp, ngồi dọc cả bậc thang lên gác xép, vẫn say sưa cùng nhau luyện hát.
Trò chuyện trực tiếp với họ, tôi mới biết, riêng ở CHLB Đức có tới 11 nhóm học viên thanh nhạc của thầy Đức Long tại 11 thành phố/tiểu bang. Mỗi nhóm có ít nhất khoảng 15-20 học viên, nhiều có thể lên tới 35-40 người.
10 năm dạy hát cho kiều bào
NSƯT Đức Long nhớ lại, việc dạy thanh nhạc cho kiều bào ở Đức của anh bắt đầu từ năm 2012. Ngày đó, anh sang Đức lưu diễn và thấy tại các festival do nước sở tại tổ chức, người Việt mình rất ít tham gia biểu diễn. Lý do đơn giản vì ít người biết hát và đủ tự tin đứng trên sân khấu. Và thậm chí nghe một làn điệu dân ca Việt Nam thì đa số bà con cũng không biết đó là dân ca vùng nào, tỉnh nào. Băn khoăn về điều đó, anh muốn làm sao để bà con Việt kiều có thể hát, tham gia vào các hoạt động chung ở nước ngoài như các cộng đồng sắc dân khác.
Khóa thanh nhạc đầu tiên anh dạy là cho các thành viên của Hội Văn hóa Phụ nữ Việt Nam ở vùng Frankfurt (MiFaFa). Lớp học tiếp theo hình thành ở München. Ban đầu chỉ có một số học viên theo học, nhưng qua những buổi liên hoan văn nghệ báo cáo kết quả lớp học, nhiều người đến xem, bắt đầu thấy thích. Sau đó, qua mạng xã hội Facebook, người Việt ở các thành phố khác trên nước Đức cũng rủ nhau tìm đến anh xin học thanh nhạc. Số học viên đông đảo dần.
Anh gọi nhóm học viên ở TP Magdeburg là lớp “đi sau về trước”. Các học viên ở đây rất hợp nhau, có mối liên kết chặt chẽ. Là lớp hình thành sau cùng trong số 11 nhóm nhưng đến nay họ đã học qua 6 khóa. Chị Nguyễn Kim Dung ở Magdeburg kể lại: Chị biết đến thầy Đức Long khi đi dự buổi tổng kết của lớp thanh nhạc ở Halle, “nghe thấy các học viên của thầy hát hay hơn nhiều so với khi chưa học nên thích quá” nên chị Kim Dung đã mời thầy về Magdeburg để dạy.
Đến nay, trong cộng đồng người Việt ở Đức, mỗi dịp lễ, Tết hay có đám cưới, bà con có thể tự biểu diễn văn nghệ, không phải mời ca sĩ từ nơi khác tới. Những cuộc giao lưu văn nghệ khiến mọi người gần gũi, thân thiết với nhau hơn.
Câu chuyện của những người xa xứ
Việc hình thành các nhóm nhỏ cùng đam mê ca hát xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhằm mang lại tinh thần lạc quan yêu đời, sự gắn bó và tình đoàn kết khi sống xa quê hương. Anh Phạm Minh Đan, sang Đức từ năm 1988, hiện ở TP Rostock cho biết: “Trước kia, chỉ có những dịp lễ, Tết thì chúng tôi mới có cơ hội được hát và nghe hát. Từ những năm 2012, sau chuyến đi biểu diễn tại CHLB Đức của NSƯT Đức Long, phong trào ca hát dần hình thành, các lớp thanh nhạc xuất hiện trên những vùng, thành phố có đông người Việt sinh sống…
Học viên đủ các lứa tuổi, cả nam và nữ; có những học viên đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn đam mê học hát. Có nhiều đôi vợ chồng cùng tham gia học hát và là những nhân tố quan trọng trong mỗi lớp. Nhiều thành viên dù ở xa địa điểm học từ 50-200 km vẫn đều đặn đến lớp. Chúng tôi yêu mến và trân trọng thày Đức Long, bởi tính cách giản dị, ân cần, hòa đồng, nhiệt tình trong giảng dạy… của thầy”.
Học hát ở Rostock.
Anh Nguyễn Quý Xuyến, trưởng lớp thanh nhạc ở Berlin, nói về NSƯT Đức Long trong vai trò người thầy: “Phải nói rằng thầy đã thổi ngọn lửa đam mê ca hát đến rất nhiều anh chị em người Việt trên toàn châu Âu, đăc biệt là nước Đức. Hiện nay phong trào ca hát của cộng đồng rất mạnh cả về số lượng và chất lượng. Ca hát như một món ăn tinh thần, giờ 1 tháng mà không được lên sân khấu là ốm đấy! (cười). Xin khoe một chút nhé: Năm 2019 mình đã đem bài hát thầy dạy đi thi cuộc thi ‘Tôi yêu tiếng nước tôi” trên toàn thế giới tổ chức tại Ba Lan và đã được giải Bạc!”.
Chị Lê Thị Thanh Thủy, trưởng lớp thanh nhạc ở Augsburg (thành phố cổ ở Tây Đức) nhớ lại lần đầu tiên gặp nghệ sĩ Đức Long tháng 1 năm 2018, vào một buổi tối mùa đông tuyết phủ lạnh giá: “Sự xuất hiện của thầy như một ngọn lửa thổi bùng lên đam mê ca hát ở những người con xa quê hương”. Chỉ trong 1 ngày, lớp thanh nhạc Augsburg ra đời với số lượng 19 học viên (khóa 1).
Ngày ngày anh chị em vẫn đi làm, chỉ tranh thủ học sau giờ làm việc đến tận 2h hôm sau. Học trò nhiều người ngoài 50, 60 tuổi mới lần đầu học hát, còn chưa biết gì về nhịp, phách, cứ thế tiến bộ dần. Tháng 12/2019, thầy lại sang thăm học viên và lần này, mọi người đã tự tin hơn, học tiếp thu nhanh hơn. Chị Thanh Thủy xúc động nói lên mong muốn chung của anh chị em Augsburg: Chỉ mong thầy Đức Long luôn mạnh khỏe để tiếp tục được học thầy.
Chị Nguyễn Mỹ Uyên ở TP Goslar bắt đầu theo học vào năm 2018. Trước đó chị đã biết ở TP Magdeburg có nhóm học thanh nhạc với thầy Đức Long, muốn học lắm nhưng nơi chị ở cách xa 130 km, lại có con nhỏ, không theo được. Uyên chỉ đến dự buổi tổng kết lớp học. “Có đến đó mới thấy được hết tình yêu ca hát của các anh chị em theo học. Mọi người rất vui, say sưa tập luyện cũng như thể hiện trong đêm tổng kết với bài ca của mình”. Và cũng vì thế mà sau này chị chẳng quản vượt chặng đường dài từ nhà đến nơi học ở Magdeburg.
Mỹ Uyên kể mọi người trông đợi những đợt thầy giáo sang Đức, anh chị em người Việt tụ họp cùng nhau, thưởng thức những món quà vặt đặc sản theo mùa ở Việt Nam mà thầy mang sang. Sau đó là những câu chuyện tâm tình, hỏi han bài vở cho từng người… đến nửa đêm, rồi 2h mà chẳng ai muốn về. “Qua việc học hát, thầy đã kết nối các lớp thanh nhạc của kiều bào trên toàn nước Đức để mọi người quen biết nhau, từ đó có thêm những người bạn. Và quan trọng là chúng mình tìm thấy niềm vui trong cuộc sống sau mỗi ngày lao động vất vả, được hát và được thử sức với chính mình…”
Một học viên từ CH Zech về, chị Đông Phương, cho biết chị vốn yêu ca hát từ nhỏ: “Khi còn đi học phổ thông, các bạn gọi tôi là “chim sơn ca” của lớp. Lên đại học tôi cũng thường tham gia các phong trào văn nghệ của trường. Rồi tôi ra nước ngoài làm kinh tế, lập gia đình… cuộc sống mưu sinh vất vả nơi xứ người cứ cuốn trôi đi, cuốn cả những sở thích đam mê ca hát thủa nhỏ…”
Chị Đông Phương về thăm Hà Nội tháng 8/2022.
Năm 2019, Đông Phương được gặp NSƯT Đức Long, lần đầu tiên được thày dạy và sửa những lỗi sai trong thanh nhạc. “Tôi đã vô cùng ấn tượng với phong cách giản dị, dễ gần, cách dạy rất dễ hiểu, cô đọng nhưng rất chi tiết và hiệu quả. Thời gian học ngắn ngủi nhưng tôi đã học được rất nhiều: cách lấy hơi, nén hơi, nhả chữ, cách chọn bài phù hợp, cách phân tích bài hát, cả phong cách biểu diển, cách hát bằng chính cảm xúc của người nghệ sĩ để truyền tải tình cảm qua từng câu, từng chữ đến trái tim người nghe…”
Đông Phương nói, khi đại dịch COVID-19 xảy ra như thời gian vừa qua thì ca hát là “liều thuốc|” hữu hiệu để giải tỏa lo âu, truyền thên năng lượng tích cực và kết nối cộng đồng cùng chia sẻ, yêu thương…; cùng nắm tay nhau vượt qua khó khăn.
Học ở thầy không chỉ kỹ năng thanh nhạc
Học sinh đều trân trọng NSƯT Đức Long bởi anh không chỉ dạy hát một cách tận tình, kiên nhẫn mà còn cho họ cảm nhận tình người, những suy nghĩ tích cực, yêu đời, lạc quan, luôn trân trọng từng giây phút của cuộc sống.
Từ một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 8 tuổi, lớn lên, làm đủ nghề để kiếm sống rồi trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng tại Xí nghiệp than Hòn Gai, cuộc đời anh luôn là sự nỗ lực vươn lên. Năm 1982, anh làm việc tại đoàn Ca múa nhạc Phòng không- Không quân và theo học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, sau đó về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị của Bộ Quốc phòng và cuối cùng dừng chân ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.
Bên cạnh biểu diễn, anh còn giảng dạy thanh nhạc tại nhiều trường như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội…, góp phần đào tạo nhiều ca sĩ tên tuổi. Năm 2007, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Một cuộc đời nhiều trải nghiệm thăng trầm đã khiến anh hình thành triết lý sống là sự giản dị, coi trọng tình người và điều đó đều ảnh hưởng đến các học trò của anh nơi xa xứ. Vì thế, đến nay, việc tiếp cận các lớp dạy hát không còn khó khăn như 10 năm trước đây, nhưng kiều bào học thanh nhạc vẫn tìm đến anh ngày một nhiều.
Như lời chị Kim Dung ở Magdeburg: ngoài việc dạy cho mọi người cách hát tốt hơn thì lớp học của thầy Đức Long đã “kết nối rất tốt cộng đồng người Việt để cùng nhau giữ gìn và quảng bá những nét đẹp văn hoá Việt tại Đức và châu Âu”. NSƯT Đức Long đã góp phần làm cho tiếng Việt, những giai điệu Việt ngân vang, bay xa và mãi sống trong lòng những người con xa xứ.
Theo VOV
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000