Phương pháp giáo dục con đáng ngưỡng mộ của mẹ Việt ở Đức

Phương pháp giáo dục con đáng ngưỡng mộ của mẹ Việt ở Đức

Dù sống ở nước ngoài nhưng bà mẹ trẻ vẫn nuôi dưỡng cho các con tình yêu với ngôn ngữ tiếng Việt.

1 Phuong Phap Giao Duc Con Dang Nguong Mo Cua Me Viet O Duc

Đó là câu chuyện của chị Ngọc Hà (sinh năm 1980, hiện đang sinh sống tại thành phố Chemnitz, CHLB Đức). Hiện tại, chị đang là mẹ của 2 em bé Nam San (sinh năm 2015) và An Sa (sinh năm 2022).

Giữ gìn tiếng Việt cho các con

Sống ở nước ngoài khiến nhiều bé ít có cơ hội được tiếp xúc với tiếng Việt, tuy nhiên bé đầu nhà chị Hà nói tiếng Việt rất tốt. Cậu bé Nam San có thể đọc sách, hát bằng tiếng Việt. Khi mới 25 tháng tuổi, bé có thể hát Quốc ca Việt Nam, hát các bài dài như “Nhạc rừng, Em đi giữa biển vàng,…”. Giờ đây, cậu bé có thể hát ru em, đọc các câu truyện cổ tích tiếng Việt ở sách giáo khoa.

Chị Hà hé lộ: “Gia đình mình thống nhất ở nhà chỉ dùng duy nhất tiếng Việt để giao tiếp và không được dùng lẫn các từ khác trong câu tiếng Việt. Nếu con đang nói tiếng Việt mà thiếu từ, con chêm vào từ tiếng Đức hoặc tiếng Anh là mình sẽ chỉnh lại và khuyên khích con nói lại cả câu. Tiếng Việt của Nam San rất tốt như các bạn cùng trang lứa ở Việt Nam nên không có bất kỳ rào cản nào. Hiện tại em út An Sa cũng bắt đầu học nói, cả nhà vẫn thống nhất như cách dạy tiếng Việt cho Nam San nên con cũng hiểu rất tốt những gì mọi người nói và giao tiếp ngược lại bằng tiếng Việt”.

Thậm chí, chị Hà và con trai còn viết thư cho nhau hàng ngày bằng tiếng Việt để con không quên chữ viết.

2 Phuong Phap Giao Duc Con Dang Nguong Mo Cua Me Viet O Duc

Hộp thư trước cửa phòng con và những bức thư con viết gửi mẹ!

Chị Hà chia sẻ thêm: “Con sinh ra và lớn lên ở Đức nên không có bất kỳ trở ngại gì về vấn đề hòa nhập. Con rất năng động. Mình chỉ lo lắng con sẽ bị mai một tiếng Việt khi càng lớn, vì con chỉ có thể giao tiếp tiếng Việt với ba mẹ ở nhà, trong khi hàng ngày 8 tiếng con đã ở trường giao tiếp tiếng Đức. Cho nên mình luôn sử dụng tiếng Việt, khuyến khích con đọc sách, viết thư, xem vài chương trình bằng tiếng Việt để con luôn gần gũi với quê hương, giữ gìn và phát triển tiếng Việt. Mỗi khi có dịp về Việt Nam là mình luôn tìm cách cho con tìm hiểu văn hóa truyền thống ở quê nhà”.

Duy trì sự gắn kết với ông bà nội ngoại

Trong tuần, bà nội, ngoại của Nam San và An Sa đều gọi nói chuyện với cháu qua skype/ facebook vào mỗi buổi sáng. Nam San cũng hay đọc truyện cho bà nghe qua skype. Mỗi năm chị Hà đều cho con về Việt Nam thăm ông bà nên các bé gắn kết rất chặt chẽ với gia đình nội ngoại ở nhà. Con cũng rất hay nói chuyện với các anh chị em họ ở nhà.

3 Phuong Phap Giao Duc Con Dang Nguong Mo Cua Me Viet O Duc

Con vui Tết cùng bà nội bà ngoại

2 bé rất yêu thích và luôn luôn mong ngóng các kỳ nghỉ ở Việt Nam. Bà mẹ 2 con cũng mong muốn sẽ duy trì điều này cho đến khi con trưởng thành.

Dù ở bất kỳ nơi đâu thì vai trò của cha mẹ đều rất quan trọng trong giáo dục con

“Hiện tại các con đang được nuôi dưỡng và phát triển với môi trường giáo dục ở đây, nên mình vẫn chưa có ý định thay đổi, dù mình luôn mong muốn sau này sẽ về sống ở Việt Nam. Mình yêu thích cách giáo dục luôn lấy quyền lợi và tôn trọng trẻ em lên hàng đầu ở đây, nên trẻ em rất tự tin, có tư duy và chính kiến. Dù ở bất kỳ nơi đâu thì vai trò của cha mẹ đều rất quan trọng trong giáo dục con. Không có người thân bên cạnh nên chỉ có mỗi ba mẹ chăm sóc nuôi dưỡng con nhưng điều này là hoàn toàn bình thường ở xã hội này, vì ba mẹ ở đây hầu như không dựa dẫm vào ông bà chăm con”, chị Hà nhận định.

Bà mẹ 2 con kể lại, thời gian bắt đầu có em bé luôn có bác sĩ theo dõi cho đến lúc sinh, nếu có vấn đề gì về công việc ảnh hưởng đến em bé thì các bác sĩ đều khuyên mẹ ngưng việc, thậm chí ngay khi biết tin mang thai, và mẹ vẫn được trả lương đầy đủ như đi làm. Mẹ bầu ở Đức bắt buộc nghỉ làm trước khi sinh em bé 6 tuần và sau khi sinh em bé 8 tuần theo luật bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Trước khi sinh có khóa tiền sinh sản cho cả bố và mẹ. Sau khi sinh trong vài tuần đầu có y tá đến nhà hỗ trợ hướng dẫn mẹ chăm em bé, và mẹ được nghỉ thai sản 1 năm có trả lương.

4 Phuong Phap Giao Duc Con Dang Nguong Mo Cua Me Viet O Duc

Không chỉ vậy, các ông bố cũng có chế độ nghỉ để hỗ trợ mẹ chăm em bé. Nếu mẹ cần sự hỗ trợ về vấn đề như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn trong thời gian đầu sinh con, tùy từng trường hợp mà có sự hỗ trợ của xã hội. Sau khi sinh có những khóa học giúp mẹ hồi phục, thư giãn cùng em bé. Cho nên việc bố mẹ tự chăm con là phổ biến, tuy vất vả nhưng ít lo lắng.

5 Phuong Phap Giao Duc Con Dang Nguong Mo Cua Me Viet O Duc

Du xuân cùng gia đình ở Việt Nam

Sau một năm sinh con, bố mẹ có thể gửi bé ở nhà trẻ (ở một số nơi có thể gửi sớm hơn) thì quy trình cho trẻ làm quen với nơi mới và xa cách dần ba mẹ có trình tự.

“Mình rất biết ơn cách nhà trẻ ở đây cho các con bắt đầu làm quen để tránh cho con bị sốc tâm lý, sợ hãi “bị bỏ rơi” khi bắt đầu đi nhà trẻ. Con có thời gian ít nhất vài tuần để quen dần. Các tuần đầu ba/mẹ đi cùng con, ở đó chơi cùng con từ 20 phút tăng dần lên 30 phút… rồi 1 tiếng. Sau đó con sẽ ở lại 1 mình từ 10 phút – 15 phút – 30 phút – 1 tiếng, rồi 2 tiếng, ăn trưa, ngủ trưa, rồi ở lại sau ngủ trưa. Ổn được giai đoạn này là sẽ kết thúc thời gian làm quen để bắt đầu đi vào thời gian học chính thức.

Kiểu gì thì giai đoạn đầu cũng đầy nước mắt, nhưng sẽ dễ chịu hơn rất nhiều so với việc ngay ngày đầu tiên mang con đến giao cho cô xa lạ, ở một nơi xa lạ trong mắt con, rồi ba mẹ chạy trốn mất. Chắc rồi cũng sẽ phải thay đổi cách cho con đi nhà trẻ như vậy, chứ thương cho tâm hồn con lắm đấy các bố mẹ ạ”, chị Hà chia sẻ.

Cuộc sống ở Đức diễn ra thế nào?

Trẻ em sinh ra tại đây hàng tháng đều có tiền hỗ trợ của nhà nước cho đến 21 tuổi. Trong mấy năm đầu đời có những cột mốc thăm khám sự phát triển của trẻ em theo quy định của pháp luật. Nếu ba mẹ không đưa trẻ đi khám sẽ bị nhắc nhở và mạnh nhất là tước quyền chăm sóc.

Tất cả trẻ em đều có quyền học tập, nên nếu đủ tuổi trẻ không đến trường thì sẽ bị cơ quan bảo vệ trẻ em hỏi thăm. Trong học kỳ nếu trẻ nghỉ học đi chơi mà không có sự đồng ý của nhà trường (nhiều hơn 2 ngày) thì sẽ gặp rắc rối nếu như cảnh sát, nhân viên an ninh tại sân bay, ga tàu bắt gặp, bố mẹ sẽ bị phạt rất nặng.

6 Phuong Phap Giao Duc Con Dang Nguong Mo Cua Me Viet O Duc

Ngày đầu tiên con đến trường được cô giáo chủ nhiệm và thầy phụ trách dẫn vào lớp.

Ngược đãi trẻ em sẽ bị tước quyền chăm sóc trẻ em. Trẻ em được giáo dục là không ai có quyền xâm phạm/ đánh đập, kể cả cha mẹ, nếu có báo ngay cho nhà trường. Có trường hợp bé có những dấu vết lạ trên người sẽ được các cô giáo gọi báo ngay đến cơ quan bảo vệ trẻ em.

Hầu như các bố mẹ đều tự tay chăm sóc con từ nhỏ mà ít dựa dẫm vào ông bà. Gia đình chị Hà cũng vậy nên không thấy sự khác biệt lắm so với các phụ huynh bên này. Lúc con ốm, bố mẹ có quyền nghỉ chăm con vẫn nhận được 67% lương.

Nam San bắt đầu giờ học lúc 7h30. Cậu bé có thể ăn sáng ở nhà trước khi đi học hoặc mang theo đồ ăn sáng đến giờ giải lao ăn cùng với các bạn. Bé học chính khóa đến 11h30, sau đó ăn trưa tại trường và chuyển sang học ngoại khóa đến 16h. Cậu bé được chơi, làm thủ công, đánh cờ, vẽ, thể thao,… ở giờ ngoại khóa. Bài tập về nhà nếu có cũng sẽ được giải quyết trong giờ ngoại khóa. Các phụ huynh không thích con mình đem bài tập về nhà.

An Sa bắt đầu đi nhà trẻ lúc 8h. Những bạn muốn ăn sáng ở nhà trẻ thì có mặt lúc 7h. Chiều đón bé tầm 15h30.

Hai bé đón về sẽ được ưu tiên tự học các ngôn ngữ tại nhà, nhất là tiếng Việt. Chị Hà không muốn con lạc lõng, xa lạ với tất cả người thân ở Việt Nam nếu con không giao tiếp được tiếng Việt, nên chị rất chú trọng việc gìn giữ tiếng Việt cho con. Vì vậy hàng ngày ở độ tuổi nhỏ của con, bà mẹ trẻ đã dạy tiếng Việt kỹ và bài bản theo phương pháp riêng.

“Cuộc sống ở các nơi khác nhau luôn có điều khác biệt, nhưng điều ấn tượng nhất của mình về đất nước Đức chính là sự kết nối trong gia đình và vai trò của người cha rất rõ ràng trong việc dạy dỗ con cái. Sau giờ làm việc thì hầu như mọi người đều về nhà, nhất là những người đã có gia đình. Vì thế sự kết nối của các thành viên trong gia đình rất chặt chẽ. Hình ảnh người cha đẩy xe nôi, dẫn con ra công viên chơi, hoặc đạp xe đạp cùng con đi loanh quanh không hiếm. Ba mẹ rất kiên nhẫn và tôn trọng con đó chính là điều mình luôn học hỏi. Ngoài ra, bố mẹ Đức rất tin tưởng con và luôn tin rằng con mình có những thế mạnh riêng, vì thế trẻ con được nuôi dưỡng ít áp lực, vận động nhiều, có sự hiểu biết và tôn trọng quy tắc chung”, bà mẹ 2 con trải lòng.

Theo phunuvietnam.vn


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000