Trong trận đại dịch này, tính cách mà tôi thấy đôi khi cứ như hà khắc ấy lại rất hữu dụng. Tỉ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 ở Đức đến giờ vẫn là nhỉnh hơn 3%, thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia châu Âu tương đương khác trong khi hệ thống y tế không bị áp lực quá lớn trong vài tháng qua.
Đức đang được xem là một hình mẫu chống dịch tốt ở châu Âu và cũng đang sớm nới lỏng giãn cách xã hội để mở cửa kinh tế từ từ trở lại. Chính quyền có tính toán đàng hoàng, dự đoán khả năng xảy ra "làn sóng lây nhiễm thứ hai" nhưng lần này thì các bệnh viện đã được chuẩn bị kỹ, không chỉ về số lượng giường mà cả về kinh nghiệm.
Điều tôi thấy là người dân tự giác tuân thủ các khuyến cáo, giữ khoảng cách với nhau ở nơi công cộng và đeo khẩu trang nhiều hơn, trong các cửa hàng, phương tiện công cộng thì bắt buộc. Cũng có những khuyến cáo từ một số nhà chuyên môn về việc cho nới lỏng phong tỏa quá sớm nhưng chính quyền cũng tính toán dựa trên việc bắt đầu xét nghiệm nhiều hơn và hệ thống bệnh viện đoan chắc đã sẵn sàng đương đầu với "làn sóng thứ hai".
Hiện tại theo thông báo, toàn nước Đức có 32.000 giường dành cho điều trị tích cực và hiện 13.000 giường còn trống. Như vậy tính trung bình ở Đức có 33,9 giường điều trị tích cực cho 100.000 dân. Con số này ấn tượng hơn hẳn 8,6 ở Ý (nơi có số tử vong cao nhất châu Âu) và 16,3 ở Pháp (nơi có số tử vong cao thứ ba ở châu Âu, sau Tây Ban Nha).
Đức được cho là đã chuẩn bị tốt vào đầu dịch cả về các điểm cứu chữa lẫn công tác xét nghiệm. Có những lúc chính quyền tự tin tiến hành đến nửa triệu xét nghiệm mỗi tuần. Điều đó cho thấy số người nhiễm virus corona ở Đức đứng thứ 5 thế giới (154.999 ca) nhưng số tử vong chỉ là 5.760 (thấp hơn cả Bỉ, dù số ca nhiễm ở Đức nhiều hơn gấp 3 lần của Bỉ).
Trên truyền hình, ông Gerald Gass - chủ tịch chuỗi Bệnh viện DKG - có nói họ tính là người dân sẽ còn phải sống dài dài với virus trong nhiều tháng tới nên sẽ "để dành" đến 20% số giường có máy trợ thở và tính toán để trong vòng 72 giờ có thể huy động được ngay thêm 20% số giường cần thiết.
Khi có biến thì tất cả chạy theo guồng dưới sự điều phối nhịp nhàng của các lãnh đạo chính trị lẫn y tế, dù có lúc bà thủ tướng từng phải tự cách ly. Bởi thế kết quả cuộc khảo sát mới nhất do kênh truyền hình ZDF của Đức tiến hành, công bố ngày 24-4 cho thấy Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục là chính trị gia nhận được sự ủng hộ cao nhất, đặc biệt thể hiện qua cách điều hành đất nước từng bước vượt qua cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế mang tầm toàn cầu do dịch bệnh gây ra. Tiếp đến lần lượt là Thủ hiến bang Bayern Markus Söde, Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz và Bộ trưởng Y tế Jens Spahn.
Có lẽ cũng nhờ hiệu quả của cuộc chiến chống virus lần này mà tỉ lệ ủng hộ liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ Đốc giáo (CDU/CSU) của bà Merkel trong liên minh cầm quyền đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua. Có đến 39% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho liên đảng bảo thủ CDU/CSU nếu cuộc tổng tuyển cử được tổ chức ngay ngày chủ nhật (26-4).
Đây cũng là mức tỉ lệ ủng hộ cao nhất mà các cử tri Đức dành cho liên đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel trong nhiều năm qua. Cần nhớ trước đây bà Merkel mất điểm không ít vì chính sách mở cửa nhập cư rộng rãi khiến người dân âu lo về việc làm lẫn an ninh xã hội.
Ở đâu cũng vậy, lo tốt cho dân là được tin cậy.
Nguồn: tuoitre.vn
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000