Tôi cố nán lại để chờ người bạn đồng hành chưa quen biết ấy - một đồng bào của tôi - trên chuyến tàu điện cuối ngày chạy tới ga S-Bahn Landsberger Allee nằm trên đường vành đai Ring AB.
Gói bánh chưng trong trại
Trời mùa đông tối rất nhanh, cái bến tàu điện nổi gần cổng chợ chỉ nhõn 2 người, tôi và anh bạn đồng hành đứng đợi tàu. Ánh đèn đường yếu ớt đủ cho tôi nhận ra một khuôn mặt còn rất trẻ trong chiếc mũ len trùm kín đầu, vừa đặt huỵch cái bao tải xuống ngay dưới chân vừa thở hổn hển. Tôi quay sang bắt chuyện làm quen: Em về đâu ?/ Dạ, về trại/ Trại gì?/ Trại tị nạn gần ga Jungfernheide ấy, anh có gần đó không ? Thế cùng đường tàu S42 rồi, bao gì mà nặng thế?/ Gạo nếp ấy mà…
Tôi giúp Hoàng khênh vội bao gạo nếp không dưới 2 chục cân lên tàu. Câu chuyện của Hoàng, quê Hà Tĩnh, nguyên sinh viên năm thứ nhất một trường ĐH trong nước đang tha hương nơi xứ người khiến tôi ngậm ngùi.
Chán học, chỉ muốn kiếm tiền, nghe bạn bè mách nước, thế là nằng nặc đòi bố mẹ lên đường sang đây với chi phí trên 10.000 USD. Hoàng mới nhập trại được 4 tháng, hằng ngày ra chợ mua gạo về nấu bánh chưng, rồi lại mang vào giao trong chợ.
Hoàng bảo, tạm thời kiếm tiền bằng nghề này, rồi tính sau... Song quyết sẽ không về chừng nào chưa kiếm tiền lập nghiệp được ở đây. Những người Việt có giấy tờ định cư hợp pháp bên này cho tôi biết, trường hợp như Hoàng sẽ có thể bị buộc về nước bất cứ lúc nào.
Hoàng kể, gọi là trại nhưng thực ra đi lại khá tự do, miễn trong phạm vi Berlin là được. Một hoặc hai người ở một phòng có đủ tiện nghi bếp núc, lò sưởi...
Nước Đức chu cấp ngoài tiền ăn uống tằn tiện, quần áo ra Hoàng cũng còn dư được cỡ 100 euro tiêu vặt mỗi tháng, ốm đau được chữa bệnh miễn phí. Luật pháp Đức rất tôn trọng sự tự giác của mỗi người, trên thực tế Hoàng có thể đi bất cứ đâu trên nước Đức, nhưng nếu cảnh sát hỏi giấy tờ thì sẽ bị phạt nặng vì phạm luật.
Bán thuốc lá lậu ở bến tàu
Một bến tàu điện ngầm tại Berlin. Ảnh: V.H
Từ ga tàu điện nổi Landsberger Alee, bắt xe điện (tram) số M8 đi xuôi xuống cỡ chục bến sẽ tới chợ Đồng Xuân. Dọc hành trình này, tôi thường gặp rất nhiều người Việt mình.
Ngay lối ra vào ga S-Bahn Landsberger Allee hun hút gió lạnh, tôi bắt gặp cảnh 3, 4 chàng trai người Việt trẻ măng đứng bán thuốc lá lậu cho Tây. Cứ 10-15 phút, khi một chuyến tàu tới ga là họ lại bán được kha khá, dân nghiện thuốc thường mua một lúc dăm bảy bao hoặc một vài cây vì giá rẻ gần một nửa so với mua tại cửa hàng.
Đúng ra là chỉ có một người đứng bán, tay xách một chiếc túi nhỏ đựng vài cây, hết hàng có một người khác tiếp tế ngay lập tức, người còn lại làm nhiệm vụ cảnh giới coi chừng cảnh sát ập đến. Theo báo chí Đức, những tụ điểm này thường tập trung tại những ga phía ngoại ô Berlin.
Nhìn cảnh những thanh niên còn rất trẻ độ mười tám đôi mươi, áo quần lam lũ phong phanh, mặt mũi xám ngoét đứng trong rét buốt dưới không độ, miệt mài bán thuốc lá lậu cho dân sở tại, chốc chốc họ lại nhớn nhác nhìn ra xung quanh, tôi thấy buốt lòng...
Để có quyền đứng bán thuốc 15 ngày một tháng (vào những ngày chẵn) tại cửa ra vào cái ga ngoại ô xứ người này, mấy thanh niên người Việt tại đây phải nộp cho nhóm bảo kê tới 2.000 euro/tháng. 15 ngày lẻ còn lại do một nhóm khác “thuê bao”.
Như vậy, băng nhóm bảo kê cửa ga này đã thu tới 4.000 euro mỗi tháng. Một cậu đứng trên cao, cách đó một đoạn giữ vai trò chỉ đạo, điều hành, cảnh giới cảnh sát. Cả nhóm hiện thuê chung một căn hộ chật chội ở khu Đông Berlin giá 250 euro/tháng để làm chỗ đi về ăn nghỉ.
Một cậu trong nhóm tên Tuấn kể, em sang được gần năm rồi hết 11.000 đô la, đến biên giới Séc - Đức là vứt hết giấy tờ đi, rồi bịa ra một cái tên tuổi gì đó. Thậm chí, có một số người mới sang còn khai là người... Lào để khỏi bị bắt về Việt Nam.
Tuấn tâm sự, trước đây thì cũng kiếm được khoảng 100 đồng (euro) mỗi ngày, song bây giờ kém lắm vì bị cảnh sát đuổi suốt, chẳng đủ ăn đâu anh ạ. Biết thế này em đã chả sang đây làm gì, không biết lấy gì mà trả nợ ở nhà đây.
Nước Đức có chế độ phúc lợi xã hội thuộc diện top đầu thế giới, những người thất nghiệp hay không có giấy tờ hợp pháp như Tuấn đều được bao cấp mọi thứ, từ ăn ở cho tới ốm đau bệnh tật. Thế mới có chuyện, ở nước Đức này, nhiều người có việc làm hợp pháp hẳn hoi lại sống khá chật vật vì phải lo trang trải mọi khoản và chưa chắc đã sướng hơn mấy anh thất nghiệp.
Cảnh mua bán thuốc lá tại ga S-Bahn Landsberger Allee (Berlin) vào một ngày cuối tháng 10 cách đây vài năm Ảnh: V.H
Nhưng Tuấn và nhóm bạn cùng quê không chịu ở trong trại mà trốn ra ngoài ở, Tuấn giải thích, vừa tự do hơn lại vừa có tiền. Mấy người bạn Tuấn từ quê sang, đặt chân tới Berlin dăm bữa nửa tháng là lao ra đây bán thuốc, bởi gánh nặng vay lãi cả chục ngàn đô ở quê nhà đang đè nặng lên vai họ.
Tuấn mệt mỏi bảo tôi, trông thế này thôi nhưng rủi ro lắm, công an mình sang tận đây phối hợp với cảnh sát Đức túm cổ về như chơi. Bản thân Tuấn đã từng bị cảnh sát Đức bắt nhiều lần về tội bán thuốc lá lậu rồi. Cả nhóm hồn nhiên kể, được cái cảnh sát bên này bắt được cũng chả đánh đập hay làm gì cả, họ chỉ lấy vân tay, ghi tên tuổi rồi lại thả. Bắt được nhiều lần thì phạt tiền, không có tiền nộp thì ngồi tù trừ nợ. Luật bên này rất rõ ràng, thế đấy.
Một người bạn tên Cường trong nhóm của Tuấn đã phải ngồi tù dăm tháng về tội bán thuốc lá lậu, được cái đi tù bên này cũng giống như đi an dưỡng ở nhà thôi, Cường cười tỉnh bơ. Một thanh niên đứng cạnh tôi chêm vào: Cảnh sát trông tù bên này như cấp dưỡng phục vụ mình ấy mà. Tivi, sách báo xem thoải mái không mất tiền...
Nghe nhóm thanh niên này hồn nhiên kể chuyện mưu sinh nhọc nhằn nơi xứ người, thậm chí cho chụp ảnh thoải mái cảnh bán thuốc lá lậu mà tôi cứ thấy đắng chát... Họ đã không nhận ra một điều, trên đời này cái khổ nhất của kiếp người là bị mất quyền công dân, mất sự tự do cá nhân - thứ giá trị nhất của mỗi con người.
Ở góc ga ngoại ô Berlin này, tôi còn bắt gặp nhiều nhóm thanh niên người Việt khác, đang liều lĩnh đùa với cái chết trắng. Tuấn cho tôi biết, họ bị nghiện, kiếm được đồng nào từ tiền bán thuốc là lại đem đốt hết. Họ sống vật vờ không mục đích...
Có lần, ngay ở một bến tàu điện ngoại ô phía Đông Berlin, tôi sững người khi nhận được câu trả lời ráo hoảnh của một thanh niên trông dáng càn quấy. Hỏi: Em làm gì bên này? Đáp: Ăn cắp! Tuy nhiên, đến nay nhiều người Việt bên này cho hay, thực trạng đáng hổ thẹn này không phải là phổ biến bởi các siêu thị cũng đã tăng cường cảnh giác và lắp đặt hệ thống báo động, camera theo dõi.
Ở Berlin này, nếu bạn xuống tàu ở ga Landsberger Allee sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những thanh niên người Việt còn rất trẻ tụ tập thành nhóm đi lại nói chuyện oang oang trên đường. Một người Việt sống lâu năm bên này cho tôi biết, hầu hết trong số họ đều không có giấy tờ hợp pháp, chỉ vật vờ sống cho qua ngày.
Rõ ràng nước Đức không phải là một thiên đường như họ tưởng - những thanh niên không có nghề nghiệp chuyên môn, không học hành song lại muốn kiếm nhiều tiền bằng mọi giá nơi đất khách. Tất cả họ khi đặt chân đến xứ này đều vỡ mộng và ngộ ra rằng: Nước Đức không hề có chỗ dành cho họ.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
KÝ SỰ CỦA NGUYỄN VIỆT HÙNG
Nguồn: Tienphong.vn
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000