Người Việt ở đây đa phần đi theo hai diện: hoặc là sang du học, hai là hợp tác lao động từ thời Đông Đức (cũ) rồi ở lại. Sau nước Đức thống nhất vào thập niên cuối thế kỷ 20, người Việt dù theo diện nào cũng được nước bạn ưu ái cho hai chọn lựa, hoặc là trở về Việt Nam với số tiền trợ cấp, hoặc tiếp tục bám trụ lại nước Đức để mưu sinh.
Đã nhiều người sinh thời vào những năm 40 hay 50 của thế kỷ trước vác ba lô trở về quê hương để đoàn tụ cùng gia đình, trong khi những người ở lại chấp nhận một thời kỳ đầy sóng gió. Thuở vừa thống nhất, người dân Đông Đức tiếp cận nền kinh tế thị trường rất mạnh mẽ với việc chi tiêu cho nhu yếu phẩm và xa xỉ phẩm khá náo nhiệt.
Người Việt nhạy bén nắm bắt cơ hội, kinh doanh mặt hàng dệt may hay da giầy rồi biến ngành nghề này trở nên thịnh vượng với các shop quần áo nhập từ khắp nơi về nước Đức.
Các công nhân làm nghề phụ bếp cho các quán ăn của người Trung Quốc, sau những năm 90 thế kỷ trước, cũng tiếp quản các cửa hiệu thức ăn này và làm chủ. Một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất của người Đức nói riêng và người nước ngoài đến Đức du lịch nói chung, chính là các cửa hiệu thức ăn – đặc sản châu Á mang đậm dấu ấn người Việt. Thậm chí những năm gần đây, người Việt mạnh dạn thoát khỏi “lốt quán ăn Tàu” để mang thương hiệu Hà Nội, Sài Gòn đến với nền ẩm thực Đức.
Ngoài ra, ngành bán hoa quả và thực phẩm châu Á cũng được người Việt tiếp cận rất sớm, sau những bài học ở các ki-ốt ven đường của người Thổ, dần trở nên thịnh vượng. Nhiều gia đình bắt đầu giàu lên, mua nhà và sắm trang thiết bị hiện đại.
Tầm chục năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của người Việt trở nên khó khăn hơn vì sức cạnh tranh của các đối thủ ở Đức và các nước lân cận, như CH Séc, Thổ hay các quốc gia từ trung Á. Hoạt động kinh doanh bị thu hẹp và giảm doanh thu đáng kể. Đó là chưa kể, số lượng người phải phụ thuộc vào tiền trợ cấp của Chính phủ Đức ngày càng cao.
Tôi s ống chung cùng một gia đình người Việt làm nghề bán thức ăn châu Á. Họ thường kể lại những ngày chật vật ở Đức từ sáng sớm đến tận khuya, tiết kiệm từng cent từ cái vỏ chai vô tình nhặt được ngoài đường. Khi người Đức còn đang say giấc thì họ đã phải lục đục chuẩn bị thức ăn để bán; khi người Đức lên giường đi ngủ thì họ mới bắt đầu dọn dẹp và vào bữa cơm chiều.
Những người mua bán hoa quả thậm chí phải dậy từ 2-3 giờ sáng, đi hàng trăm cây số nhận hàng rồi tự tay bốc vác lên xe, chở về nhà phân phối lẻ. Có gia đình bán quần áo cũng phải cùng cảnh dậy sớm thức khuya giữa cái tiết trời rét đậm, tuyết phủ trắng cả thành phố. Nhưng đó là còn may mắn khi họ được làm chủ.
Những người làm thuê, như phụ quán ăn, làm công nhân, v.v… hoặc nhận phụ cấp thất nghiệp của nhà nước cũng phải chịu vất vả không kém. Có người quanh năm “tay không bao giờ khô” với hàng tá việc, nặng nhẹ có đủ, trong bếp mà họ phải luôn chân luôn tay. Có người phải lao động công ích theo quy định của nhà nước.
Người may thì đủ ăn, có dư đôi chút gửi về cho người thân khó khăn ở Việt Nam, còn không thì vẫn chật vật với những ước mơ sung túc ngày càng xa vời khi độ tuổi dần xế chiều. Đó là chưa kể những nỗi khổ về mặt tinh thần, khi rất nhiều người phải số ng đ ộc thân, thiếu thốn tình cảm nhiều năm liền.
Khổ nhọc và vất vả, niềm động viên lớn nhất của họ là nói chuyện với người thân qua cái màn hình nhỏ xíu. Mỗi dịp lễ tết, ai cũng mong ngóng về Việt Nam thăm gia đình. Thế nhưng, cứ về thì lại trăm bề lo lắng.
Vé máy bay mỗi lần về cũng gần cả ngàn Euro (trên dưới 25 triệu đồng). Nhưng không dừng ở đó, đã về phải quà cáp, rồi tiến biếu xén. Đây không phải là chuyện của riêng ai, mà là chuyện phổ biến của cộng đồng kiều bào tại Đức.
Nỗi buồn mang tên “quà tết” ám ảnh không ít kiều bào. Có người chia sẻ “sợ về vào dịp tết, riêng khoản tiền mừng tuổi cho người lớn trẻ nhỏ đã không lo xuể”. Ai nghe Việt Kiều Đức về nước cũng nghĩ “về để rải tiền” chứ không nghĩ họ khao khát về thăm mảnh đất quê hương nơi người thân mong đợi. “Có lần cho mỗi đứa em 100 Euro, vậy mà nó dè bỉu không muốn nhận”, một người kể với tôi.
Ảnh minh họa
Một số người khác cho biết mua quà càng khó khăn. Thời buổi này cái gì có ở Đức thì hầu hết ở Việt Nam cũng có hoặc có thể tra thông tin qua mạng internet. Tặng cho cái bếp từ, hay chai nước hoa hiệu hay chai rượu ngoại hàng trăm Euro hơn (hơn 3 triệu đồng) thì không đủ tiền; mà tặng cho hàng thường đôi ba chục Euro (khoảng trên dưới 1 triệu đồng), thì người ta “chê” ra mặt, hoặc đợi mình quay lưng là phán “Việt kiều rởm”.
Có lần mua bánh kẹo mang về, chưa kịp mở lời thì người ở nhà bảo “mua mấy thứ này làm gì, bên này thiếu gì, mua chi cho nhọc”, làm người mua cũng chạnh lòng.
Đó là chưa kể về quê hương bạn bè đón tiếp. Người hiểu chuyện thì đã đành, không hiểu chuyện thì “ra quán là gọi xả láng, toàn món sang rượu xịn”, có chầu nhậu cả chục triệu rồi chuyển hóa đơn đến thẳng tay “Việt kiều” mà không hề nao núng.
Người nào về nhẹ nhàng cũng tốn đôi ba ngàn Euro (cả trăm triệu), người nào đông người thân, thậm chí là họ hàng xa gần quanh năm không nghe tiếng, thì tốn cả chục ngàn Euro (vài trăm triệu đồng). Có gia đình về Việt Nam xong phải đôi ba năm, thậm chí hơn chục năm mới dám quay về lần nữa.
Có người thẳng thắng nói với tôi: “Về lần ấy là năm 2006, xong chúng tôi qua lại phải cày ngày cày đêm mới dành dụm lại được chút tiền, nên nhiều khi muốn về lắm nhưng về rồi sang thì trở thành tay trắng”. Thế nên có gia đình phải “né Tết” để về, vừa đỡ tiền vé máy bay, vừa giảm bớt các khoảng tiền mừng tuổi mà họ biết chắc “không bao nhiêu cho đủ”.
Người ở nhà mỗi năm đều bàn bỏ Tết hay giữ Tết, chứ đối với người xa xứ, cái Tết luôn là thời khắc thiêng liêng để “trông về quê mẹ”. Chỉ mong sao người ở nhà cũng hiểu những khó khăn vật lộn của những đứa con xa quê, để cho sự trở về, sự đoàn tụ không phải gợn những toan tính, mệt mỏi, mà chỉ là những giây phút nồng ấm trên chặng đường nặng gánh mưu sinh của họ.
Nguồn: PV
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000