Nữ điều dưỡng người Việt tại Đức chia sẻ “bí quyết” tự tin khi làm việc

Huyền Trang là một trong số những bạn học sinh các khóa đầu chương trình nghề điều dưỡng của viện IVES (Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp). Đến nay, cô đã thực sự tự tin bước những bước đi đầu tiên trên nước Đức.

1 1 Nu Dieu Duong Nguoi Viet Tai Duc Chia Se Bi Quyet Tu Tin Khi Lam Viec

Huyền Trang (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng nghiệp tại Đức

Sau 1 năm miệt mài học tiếng, đúng ngày 29 Tết 2017, nhận được visa và bay sang Đức giờ Huyền Trang đang theo học lý thuyết và thực hành nghề điều dưỡng tại Hannover, CHLB Đức. Kể về quãng thời gian nỗ lực để có tấm visa sang Đức du học, Trang cho biết: thoáng qua cũng được gần hai năm học và làm việc ở Đức với ngành nghề điều dưỡng.

“Kinh nghiệm nhiều thì mình chưa có nhưng thời gian qua cũng đủ để mình nhận ra những hạn chế và khó khăn của sinh viên nước ngoài gặp phải khi đến một đất nước phát triển như Đức, đặc biệt là vì vốn tiếng Đức còn hạn chế. Mình cũng nhận thấy những thiếu sót của bản thân, để dần học cách phấn đấu, cố gắng nhiều hơn nữa để làm tốt và học tốt, vì một tương lai tươi sáng hơn.

Qua kinh nghiệm của bản thân mình cũng xin gửi lời khuyên đến những bạn đang còn ở Việt Nam và đang học tiếng Đức. Nếu các bạn đã chọn mục tiêu là qua Đức sống học tập và làm việc, thì đầu tiên hãy nhớ mục tiêu của bản thân và kiên trì cố gắng hết sức có thể để học Tiếng Đức.

Đó là điều quan trọng nhất với các bạn ở thời điểm hiện tại, và nó là ưu thế cho các bạn, khi các bạn đặt chân được đến nước Đức.

Ai có tiếng giỏi người đó có ưu thế, người đó có nhiều sự thuận lợi, đáng tiếc sang rồi mình mới nhận thức được.

Các bạn hãy tưởng tượng nhé tất cả những gì bạn dùng Tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của mình để làm việc hay giao tiếp hằng ngày, thì sẽ thay thế hoàn toàn bằng tiếng Đức khi mà bạn học và làm việc tại Đức.

Vậy bao nhiêu từ vựng và ngữ pháp để đủ cho bạn dùng?

Bạn có thể tưởng tượng được không? B1 hả , không là gì đâu các bạn ạ. Mình tâm sự vậy không phải để các bạn nản lòng hay bỏ cuộc đâu, mà để các bạn nhận thấy tầm quan trọng của học Tiếng, đừng chủ quan mà hãy tận dụng hết sức có thể”, Trang nhắn nhủ.

Nhớ ngày đầu Trang bước vào Ives làm hồ sơ và học lớp “vỡ lòng”. Mấy bài đầu đọc chẹo cả mồm, tuy nhiên Trang nói cũng may mắn vì các cô thầy ở Ives rất chu đáo nhiệt tình. Đặc biệt cô Lê dạy lớp K9 của tụi mình, cô uốn từng đứa, chỉ từng lỗi sai trong phát âm, ngữ pháp. Còn thầy Quân phó Viện trưởng lúc nào cũng nhắc nhở, đốc thúc để học sinh lo học, không mải chơi nhất là mấy đứa ở xa mới ra Hà Nội như mình. Nhớ hồi đó, mấy đứa vẫn hay mải chơi bị thầy tóm cả lũ vì tội đi chơi quá giờ về ký túc xá, cả lũ xếp hàng nghe thầy mắng, và những câu mắng đó giờ mới thấy ngấm thật.

“Mình và một số bạn nữa là người Miền Trung, Quảng Bình ra Hà Nội học, gặp rất nhiều khó khăn nhưng được các thầy cô ở Ives hỗ trợ, quan tâm nên không có cảm giác xa nhà hay thiếu thốn gì.

Tiếc rằng: Vì nghĩ sắp xa nhà, sắp phải vào môi trường khác nên vẫn ham chơi không tập trung học. Nhất là lần đầu ra Hà Nội cái gì cũng mới cũng khác so với vùng Biển của tụi mình. Lời thầy cô nhắc đấy nhưng chưa ý thức được khó khăn mình sẽ gặp phải ở nước Đức, nên vẫn cứ nghĩ học để thi, để lấy bằng và để xin Visa mà mình quên mất rằng mình sang Đức mới là thực sự mở đầu cho mọi chông gai, mới là bắt đầu ở chân núi và bắt đầu leo.

Thật sự, nước Đức là một nước đáng để sống, theo mình và đó cũng là nhận xét của các bạn khác sống lâu năm ở đây. Người Đức rất đúng giờ, nghiêm túc, ít xảo trá. Về đồ ăn thức uống rất an toàn và chất lượng. Về giao thông thì khỏi nói, đi lại rất thuận tiện đặc biệt đúng giờ. Về quyền lợi chăm sóc sức khỏe theo mình cho điểm số khá cao vì mình rất thuận tiện để khám hay kiểm tra sức khỏe và nhiều ưu điểm khác mà qua thông tin các bạn hẳn đã biết. Đó là trải nghiệm của bản thân mình một năm qua”, Trang chia sẻ.

Mỗi người đều có lý do riêng để chọn con đường, bước sang một đất nước khác, xa Việt Nam để sống và học tập, đã là xa nhà thì không phải toàn màu hồng như bản thân nghĩ, tất yếu sẽ có khó khăn và vất vả. Nhất là trong nghề điều dưỡng của mình, một nghề đòi hỏi phải chịu khó rất nhiều, lúc đầu khó khăn chán nản nhưng rồi theo thời gian lại thấy yêu nó.

Dù “phía trước còn nhiều khó khăn và thử thách đang chờ đón” nhưng Trang cũng nhấn mạnh, “không ai giúp được ngoài chính mình phải cố gắng thôi”.

Nguồn: infonet


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000