8 điều cần biết về cuộc sống ở Đức

Nhằm giúp bạn có nhiều trải nghiệm hơn trong hành trình du học Đức, chúng tôi xin chia sẻ đến bạn những điều nên biết khi lần đầu tiên sinh sống tại nơi đây.

Nào cùng tìm hiểu xem những điều có gì để có thể dùng làm hành trang ban đầu cho những ngày đầu ở Đức nhé!

1 8 Dieu Can Biet Ve Cuoc Song O Duc

1. Bahncard

Deutsche Bahn là công ty vận tải đường sắt lớn nhất tại Đức, đồng thời cũng chịu trách nhiệm điều hành lịch trình giao thông công cộng ở thành phố mà bạn đang học tập. Bạn có thể tải app DB (Deutsche Bahn) về điện thoại để kiểm tra lịch trình tàu chạy ở bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu bạn muốn.

Không những thế, khi sử dụng app này, bạn sẽ được cập nhật toàn bộ thông tin liên quan đến những phương tiện công cộng như tàu điện hay xe buýt. Đây quả thật là một ứng dụng bỏ túi cực kỳ tiện lợi đúng không nào!

Ngoài ra, nếu bạn muốn đi du lịch đến những thành phố khác tại Đức, thẻ Bahncard của Deutsche Bahn là một sự lựa chọn không tồi chút nào. Có nhiều loại thẻ Bahncard khác nhau được cấp bởi công ty này, nên bạn hãy truy cập VÀO ĐÂY để tìm hiểu trước khi mua nhé!

Giải thích ngắn gọn về hình thức chọn Bahncard thì nếu là sinh viên dưới 26 tuổi, bạn có thể dùng loại BahnCard 25. Với thẻ này, chi phí phải trả cho 1 năm là 34.9 euro, và bạn sẽ được giảm giá 25% mỗi lần đặt vé khoang hạng 2.

2. Pfand

Pfand là gì? Không biết bạn đã bao giờ nghe qua từ này khi sống ở Đức chưa nhỉ? Dù câu trả lời là chưa, thì chắc bạn cũng đã nhìn thấy hình ảnh này trên hầu hết chai nước uống ở Đức rồi đúng không nào!

Pfand là một hệ thống của chính sách “tiền cọc”, yêu cầu bạn phải trả thêm khoản tiền khi mua một chai nước uống. Và khi bạn mang những vỏ chai rỗng đến trả thì sẽ nhận lại được khoản tiền đó. Số tiền này thường dao động từ 0.08 đến 0.6 euro. Tuy nhiên, không phải tất cả các cửa hàng đều nhận lại những vỏ chai nước và trả lại khoản tiền “Pfand” cho bạn. Khi ấy, bạn có để đem chúng đến những máy trả “Pfand” tại các siêu thị ở Đức, và nhận lại số tiền của mình.

3. Học tiếng Đức

Dù bạn đang theo học chương trình dạy bằng tiếng Anh tại Đức, chúng tôi khuyên bạn vẫn nên trau dồi chút vốn liếng tiếng Đức cho bản thân để dùng trong giao tiếp hằng ngày. Việc học ngôn ngữ bản địa sẽ giúp bạn thích nghi tốt hơn khi bắt đầu cuộc sống mới, cũng như hòa hợp nhanh hơn với xã hội ở Đức.

Có rất nhiều khóa học tiếng Đức chất lượng do trường Đại học tổ chức mà bạn có thể đăng ký theo học. Những khóa học như thế thường sẽ có chi phí phải chăng. Ngoài việc trau dồi ngôn ngữ, bạn còn có cơ hội kết bạn với những sinh viên đến từ các nước khác nhau, và lập thành một nhóm vừa học tập trao đổi vừa vui chơi giải trí sau giờ học căng thẳng.

Nếu bạn muốn theo học những buổi học tiếng Đức nâng cao, VHS (Volkshochschule) là một sự lựa chọn hợp lý. Đây được biết như trường cao đẳng cộng đồng ở Đức, tổ chức các khóa dạy tiếng Đức trong những kì nghỉ. Những khóa học tại đây hướng đến việc học tiếng Đức như một ngôn ngữ mới. Nhưng dĩ nhiên sẽ còn nhiều khóa học khác từ các trường ngoại ngữ tư nhân. Việc bạn cần làm là dành một chút thời gian tìm hiểu trước khi lựa chọn cho mình một khóa học phù hợp nhé.

4. “Entwerten”

Thỉnh thoảng bạn sẽ bắt gặp những người soát vé trên xe buýt, xe lửa hay tàu điện ở Đức. Khi đó, bạn phải đưa vé mình đã mua cho họ kiểm tra, nếu không sẽ bị phạt 60 euro đấy.

Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc liệu vé mình mua có được hợp lệ hay không, và làm thế nào để xác thực nó. Câu trả lời rất đơn giản thôi. Đầu tiền, bạn phải kiểm tra vé mà mình vừa mua. Trong trường hợp không tìm được thời gian chính xác trong vé, bạn phải đi xác thực nó trước khi lên tàu (entwerten). Bạn sẽ luôn tìm thấy một vài máy xác thực vé tự động tại ga tàu, hãy dùng chúng để kiểm tra vé tàu của bạn. Đừng quên bước entwerten này nhé, nếu không bạn có thể gặp phải những rắc rối không đáng có đâu, như là bị phạt tiền vé chẳng hạn.

5. Thuê nhà: “Warmmiete” và “Kaltmiete”

Dù sống ở bất cứ thành phố nào ở Đức, bạn cần phân biệt được hai hình thức thuê này trước khi ký hợp đồng. Tiền thuê nhà hàng tháng tại Đức được chia thành Kaltmiete và Warmmiete.

Sự khác biệt rõ nhất giữa 2 hình thức cho thuê này nằm ở mức phí phụ chi cần trả thêm hàng tháng khi thuê nhà như thu gom rác, nước nóng, ga, sưởi ấm và các tiện nghi khác trong nhà.

Hay nói một cách dễ hiểu, tổng chi phí từ Kaltmiete và phí phụ chi cộng lại là Warmmiete. Phí phụ chi hàng tháng khác mà bạn cần trả thêm sẽ khác nhau tùy vào thành phố cũng như mức sống của bạn. Do đó đừng quên kiểm tra trên website xem phòng bạn sắp thuê thuộc dạng cho thuê “Warmmiete” hay “Kaltmiete” nhé!

6. Thẻ ID lưu trú

Đây chính là thẻ cư trú (elektronischer Aufenthaltstitel) bạn nhận được từ Sở Ngoại Kiều (Ausländerbehörde) khi đã đăng ký lưu trú thành công.

Hãy luôn nhớ mang theo thẻ này và hộ chiếu cùng bạn nhé, nhất là khi bạn đi du lịch nước ngoài. Để chắc chắn hơn, bạn cũng nên giữ cho mình bản photo hoặc lưu lại hình chụp của 2 thẻ này trong điện thoại, nhằm đề phòng trường hợp vô tình làm mất chúng.

7. Khi bạn là sinh viên nước ngoài đi làm thêm

2 8 Dieu Can Biet Ve Cuoc Song O Duc

Ở Đức, du học sinh vẫn được phép làm việc bán thời gian song song với học tập trên trường.

Tuy nhiên giờ làm việc sẽ được giới hạn chặt chẽ. Nhìn chung thì sinh viên chỉ được cho phép làm việc 120 ngày toàn thời gian một năm, cho 8 tiếng/ngày (bán thời gian sẽ là 240 ngày một năm).

Nhưng nếu bạn đang theo học dự bị Đại học (Studienkolleg), khóa học tiếng,… thì quy định về việc làm thêm sẽ khác. Bạn sẽ tìm thấy những thông tin về vấn đề này trên thẻ xanh “Zusatzblatt” mà bạn được nhận kèm theo với thẻ lưu trú. Hãy nhớ rằng, nếu làm việc quá số giờ quy định, có nguy cơ cao bạn sẽ không được quyền học tiếp và phải trở về nước đấy.

8. Chi phí thuế ở Đức

Sinh viên với thu nhập dưới 450 euro một tháng sẽ không cần phải đóng thuế. Dù bạn dành nhiều thời gian để làm thêm trong suốt kỳ nghỉ hè và kì nghỉ đông, bạn cũng không cần phải đóng thuế nếu thu nhập dưới 900 euro.

Nhưng trong trường hợp bạn làm hơn 20 tiếng một tuần và thu nhập kiếm được nhiều hơn số tiền trên, bạn sẽ phải đóng phí bảo hiểm nghỉ hưu (Rentenversicherung) và bảo hiểm thất nghiệp (Arbeitslosenversicherung).

Ngoài ra, nếu dành quá nhiều thời gian để đi làm, bạn sẽ không được xem là sinh viên trong khoảng thời gian này, hay thậm chí là từ này về sau. Phí bảo hiểm ý tế của bạn cũng từ đó mà tăng theo.

Theo edubao.org


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức