Ngày 7/12/2010 là ngày PISA, chương trình đánh giá học sinh quốc tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCED chính thức công bố kết quả nghiên cứu về giáo dục ở 34 nước và thành phố lớn.
Theo đó Thượng Hải, Hàn Quốc, Phần Lan đứng đầu danh sách. Nước Đức có tiến bộ chút đỉnh so với 3 năm trước; tuy nhiên nó không đủ khiến cho ai cũng vui mừng. Có một điều là cũng đúng trong ngày này đồng loạt các báo giấy và báo mạng đều đăng về hiện tượng Việt Nam" (như là một điều để các nhà giáo dục Đức suy nghĩ?).
Xin chọn một bài báo mạng có ảnh rõ và đẹp để dịch ra đây. Với tôi, khi đọc bài báo này, có cảm tưởng như là được uống một cốc rượu vang hâm nóng giữa chợ Noel.
Học sinh Việt Nam luôn đứng đầu trong các trường Gymnasium (1)
Vũ Kim Hoàn |
Học sinh nữ Kim Hoan Vu (Vũ Kim Hoàn) có rất ít thời gian. Em là học sinh xuất sắc nhất lớp, em chơi piano và là hướng dẫn viên du lịch trong bảo tàng tranh cổ bằng năm thứ tiếng: Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Rất tự tin, em kể về các thành tích của mình trong các kỳ thi ngoại ngữ, lấy học bổng và trách nhiệm của em trong vai trò là người phát ngôn (2) của lớp và của khối. "Em luôn thấy mình có trách nhiệm khi nhận những việc này“, nữ học sinh 16 tuổi nói. Em là một trong rất nhiều học sinh Việt Nam xuất sắc ở CHLB Đức, những học sinh đã vượt xa các bạn học người Đức của mình.
Kim Hoan đang học lớp 10 ở trường Romain-Rolland-Gymnasiums Dresden. Em đến Đức khi 3 tuổi. Bố mẹ em lúc nào cũng phải làm việc rất nhiều. Em bảo không muốn bố mẹ lại phải thêm lo lắng khi con lại còn mang điểm xấu về nhà. Lúc đầu em chịu rất nhiều áp lực: "Nếu em có một điểm 2 toán thì đối với mẹ em đấy là một thảm họa, trong khi em cho rằng một điểm 2 là cũng tốt rồi". (Điểm 1 là điểm cao nhất ở Đức - NV). Để cho khỏi quên nguồn gốc, em nói chuyện với bố mẹ và thường xuyên nhất là với chị gái bằng tiếng Việt.
Là một người nước ngoài, Kim Hoan nói, em không muốn mình trở thành gánh nặng của nước Đức. "Em muốn cống hiến một chút gì đó vì chúng em đã được phép sống tại nơi này". Cũng vì lẽ đó mà em rất cần cù trong học tập và hay giúp đỡ các bạn khác làm bài tập. Cha mẹ em từ rất sớm đã dạy em không nên tiêm nhiễm những thói hư tật xấu.
Kim Hoan chẳng phải là trường hợp cá biệt. Phải lục lọi trí nhớ một lúc thật lâu em mới thấy có một người đồng hương không học Gymnasium. Em không phải là học "quá gạo“ so với các bạn cùng lớp, chỉ là có cách học khác thôi. “So với bạn gái thân nhất của em thì em còn lười hơn nhiều".
“Trên toàn CHLB Đức có 59% học sinh Việt nam học Gymnasium, Trong khi đó học sinh Đức chỉ là 43%“ - ông Olaf Beuchling, nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, nói. Ông lấy các con số này từ các số liệu của cơ quan thống kê liên bang. Beuchling đang nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Leipzig, đối chiếu các nghiên cứu về giáo dục và đã nhiều năm theo dõi thành tích học tập của học sinh Việt Nam.
Tại tiểu bang Sachsen, nơi có đông người Việt Nam thì khoảng cách với học sinh Đức lại còn lớn hơn. Tại đây có đến 3/4 học sinh Việt Nam học Gymnasium, trong khi đó đối với học sinh Đức vẫn chỉ là 43%. (Tất nhiên con số này có thể dễ dàng thay đổi vì có nhiều học sinh Việt Nam nhập quốc tịch và do đó số này được tính là người Đức).
Giáo dục ở Việt Nam có một vị trí rất khác so với Đức, ông Beuchling nói: "Ai được học hành thì có thể thăng tiến và là niềm vinh dự của gia đình“. Từ nhiều cuộc phỏng vấn với học sinh Việt Nam, ông biết rằng, nhiều học sinh chịu áp lực rất lớn. Và do đó có không ít các em gặp vấn đề tâm lý.
Bố của Minh Tuan Hoang (Hoàng Minh Tuấn - NV) cho con đi học từ sớm. "Con phải thật chăm học và phải luôn luôn học giỏi hơn các bạn khác“, bố em nói. Cậu con trai học lớp 7 ở một trường Gymnasium tại Dresden và học hành rất tự giác. Em là một trong những học sinh nhất lớp. “Tổng kết cuối năm vừa rồi, điểm trung bình của em là 1,3“, em học sinh Việt Nam tự hào nói.
“Các đồng hương của Hoàng ngày nay ở Sachsen phạm tội ít hơn hẳn những ngày đầu mới thống nhất nước Đức“, Hoàng, chủ tịch Hội Người Việt tại Dresden, nói. "Nhiều nhà tuyển dụng còn gác lại các hồ sơ xin việc mang tên Việt Nam. Nếu con cái của chúng tôi không giỏi hơn người khác thì chúng sẽ thiệt thòi“.
“Ở trường Gymnasium Dresden Bertolt-Brecht đặc biệt là có rất nhiều học sinh Việt Nam theo học. Có khoảng 70 trong tổng số 800 học sinh có nguồn gốc Việt Nam“, thầy hiệu trưởng Marcello Meschke nói.
Thầy công nhận rằng các học sinh Việt Nam có tác phong học tập rất tốt: "Các em rất quan tâm đến thành tích cá nhân của mình. Ai trong các em mà muốn tốt nghiệp thì người đó cũng phải làm Abitur (3) một cách hoàn chỉnh và tốt nhất. Ở đây tôi chưa hề biết có em nào bị trượt".
Chú thích ảnh:
1. Lớp 1 học sinh chưa có điểm. Điểm số từ lớp 2 đến lớp 4 được tính để nếu đủ điểm thì lớp 5 học sinh mới được vào trường Gymnasium, sau đó học đến lớp 12 rồi làm tốt nghiệp (Abitur), lên đại học. Nếu không thì sẽ học hệ 9 năm hoặc 10 năm, sau đó vào các trường học nghề. Nghĩa là, có thể nói, nếu lớp 2 học hành không cẩn thận thì đã không thể vào đại học.
2. Ở Đức không có lớp trưởng, chỉ có "người phát ngôn“. Tác giả Trần Đình Ngân đã có một bài rất hay viết về chuyện này và sau đó đăng trên Vietnamnet.
3. Abitur là kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 của các trường Gymnasium. Học sinh từ lớp 11 đã được tính điểm và điểm Abitur cũng chỉ là một trong những điểm được tính nhưng có hệ số cao hơn. Điểm trung bình từ lớp 11 cho đến Abitur là cơ sở để xét tuyển vào đại học. Làm cách này học sinh không bị rơi vào cảnh học tài thi phận.
Tôn Gia Quý, Leipzig, BRD
Dịch từ LVZ online ngày 07/12/2010
Theo Bee.net.vn
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong GOCDUHOC
-
10 sự thật không ngờ về Du học Đức
Trong một vài năm trở lại đây, Du học Đức là một trong những sự lựa chọn hàng của các bạn có mong muốn được học tập trong môi trường quốc...
-
Đức: ''Luật nhập cư sửa đổi'' bắt đầu có hiệu lực nhằm thu hút lao động tay nghề
Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ sâu rộng về chính sách nhập cư của Đức nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng...
-
''Làng trong Phố'' - nơi quy tụ thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Đức
Hàng loạt sự kiện sôi nổi diễn ra liên tục trong 3 ngày của chương trình Trại Hè 2023 đã thu hút hàng trăm thanh niên, sinh viên và học...
-
Đi nước ngoài 4 năm, điều gì khiến bạn ngạc nhiên nhất khi trở về Việt Nam?
Tuần trước, mình có ngồi bia hơi với bạn cùng công ty cũ, nó đi học và làm việc ở Đức từ đầu năm 2019 đến tận hè này mới về Việt Nam do...