Câu chuyện đáng suy ngẫm về người nhập cư nước Đức

Thế kỉ 20 đầy thăng trầm và biến động đã đưa chân bao con người biến họ trở thành những người nhập cư sống xa quê hương. Những vùng đất mới thực sự đã trao cho người dân nhập cư một sinh mệnh khác, một số phận khác. Có sai không khi nói rằng những người nhập cư là những người không có tình cảm với quê hương bản quán?

Câu chuyện này giúp bạn nhận ra rằng:

Dù ta ở đâu, dù ta làm gì, miễn là sống đam mê, hết lòng với công việc của mình là ta đã làm đẹp cho quê hương mình rồi.

Hay như nhà văn Trang Hạ có đưa ra một góc nhìn khác: “Hãy coi những nơi tử tế là quê hương. Những người thương bạn là gia đình. Những nơi cho bạn cơ hội sống tốt, phấn đấu, trưởng thành thì đó là tổ quốc của bạn.”

Mời bạn theo dõi câu chuyện của một du học sinh Pháp về một người nhập cư nước Đức và cùng suy ngẫm.

1 1 Cau Chuyen Dang Suy Ngam Ve Nguoi Nhap Cu Nuoc Duc

Chủ nghĩa xê dịch là một phần bắt buộc và cũng là điểm cộng của hơn 200 chương trình thạc sỹ và tiến sỹ thuộc chương trình Erasmus Mundus với sự giám sát và tài trợ của Uỷ ban Châu Âu. Là sinh viên ngành nghiên cứu văn hoá châu Âu, tôi “vượt biên” mỗi học kỳ.

Niềm háo hức mỗi khi sang biên giới một quốc gia châu Âu mới thường đi kèm với nỗi lo hành lý.

Sau học kỳ 1 ở thủ đô châu Âu Strasbourg tại Pháp, và học kỳ 2 tại thành phố sinh viên Göttingen nằm ở trung tâm nước Đức, tôi “xách ba lô” và “Bắc tiến” đến Thuỵ Điển cho kỳ học thứ 3. 1 vali to gần 30 kg và 1 vali nhỏ 12 kg rồi 1 ba lô nặng trên vai là ác mộng trong suốt chuyến đi bus đường dài từ Hambourg tới Stockholm.

Tôi đi tàu từ Göttingen đến Strasbourg mà không cần bê vác vì hành khách trên xe đều nhiệt tình giúp đỡ ngay cả khi tôi chưa cất lời đề nghị. Khi xuống tàu tại Hambourg, trong lúc loay hoay tìm thang máy thì tôi mới phát hiện, va li to bỗng dưng khó kéo bởi 2 bánh xe đã hỏng lúc nào không hay.

Tôi chỉ còn cách là đẩy va li to mà không kéo cho nhanh và đỡ mệt. Trước mặt tôi là thang cuốn, chỉ vài chục giây là lên đến tầng 2 rồi tôi sẽ phải đi bộ tiếp tìm bến xe buýt.

Nhưng đi thang cuốn sẽ là mạo hiểm, vì với 2 va li không cân xứng, tôi có thể ngã bất cứ lúc nào nếu va li to bị lọt xuống bậc dưới, và nếu tôi ngã, thì hiệu ứng domino có thể làm những hành khách đi sau gặp nạn.

1 2 Cau Chuyen Dang Suy Ngam Ve Nguoi Nhap Cu Nuoc Duc

Bất chợt, tôi hỏi 1 nhân viên an ninh tại nhà ga:

Xin lỗi bác, cháu muốn hỏi thang máy ở chỗ nào ạ?

Ở đằng kia, bên tay trái – bác nhân viên an ninh chừng 50 tuổi trả lời.

Tôi định đẩy vali to và kéo vali nhỏ đi thang máy sau khi cảm ơn bác thì bác nói:

Để bác giúp cháu đi luôn thang cuốn này cho nhanh.

Tôi ái ngại vì vali của tôi vừa to vừa nặng, nhưng bác ra hiệu: “Không sao đâu”.

Thế rồi bác kéo giúp tôi chiếc va li to. Khi lên đến nơi tôi cám ơn rối rít rồi nhanh chóng đi về phía bến xe buýt.

Tôi khệ nệ đẩy vali được 1 quãng chừng 100 mét thì bác chạy tới, vỗ vai:

Này cháu, sao cháu không kéo mà cứ đẩy thế?

Tôi thật thà trả lời:

Dạ, cháu biết là phải kéo, nhưng bánh xe va li hỏng mất rồi.

Bác nhìn vali một hồi, rồi hỏi tôi:

Cháu đi đâu?

Cháu đi đến bến xe buýt đường dài để bắt xe đến Stockholm, nhưng cũng không vội ạ, còn 1 tiếng nữa xe mới đến.

Không một chút suy nghĩ, bác quay ra nói với đồng nghiệp, rằng bác cần phải đi vài phút để giúp tôi. Và bác dẫn tôi ra bến xe buýt cách đó 500 mét.

Bác giúp tôi tìm nơi xe của tôi sẽ đậu, rồi nhanh chóng đi về nhà ga.

Tôi vẫn kịp níu bác lại để nói lời cảm ơn:

Cháu cảm ơn bác nhiều lắm, bác tốt quá ạ. Thực ra bác không cần phải làm như vậy. Cháu cũng biết bác đang trong ca làm việc ở nhà ga mà.

Bác cười hiền từ rồi chỉ vào dòng chữ trên áo: Sicherheit (an ninh).

Cháu hiểu chữ này phải không? Bác làm nhiệm vụ an ninh, tức là đảm bảo cho hành khách được an toàn. ¬Nếu bác biết chắc hành khách sẽ gặp rủi ro với cái va li như thế này, làm sao bác yên tâm được? Thế cho nên giúp cháu cũng là nhiệm vụ của bác.

Tôi tiếp lời:

Cháu hiểu. Nhưng cháu phải cảm ơn bác. Cháu đã ở châu Âu 1 thời gian và cháu biết, không phải ai cũng làm việc chu đáo, không phải ai cũng hết lòng vì nhiệm vụ như bác đâu.

Bác từ tốn đáp lại:

Bác là người nhập cư 20 năm nay, bác vốn là người Thổ Nhĩ Kỳ. Khi bác đến, nước Đức đã không đuổi bác đi, cho bác cơ hội làm việc và cũng đối xử tốt với bác. Nên giờ đây, bác chỉ còn cách cảm ơn nước Đức bằng việc hoàn thành công việc của mình. Giờ bác phải đi đây. Không thể để đồng nghiệp làm thay bác nhiều việc khác được.

Mắt tôi đã ươn ướt. Không phải vì xa nước Đức mà còn vì vừa gặp được 1 tấm lòng nhân hậu đáng khâm phục. Chỉ cần mỗi người tận tâm tận trách trong công việc thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn biết mấy.

Ngẫm

Tôi lại nhớ đến ý kiến của một phi hành gia trong cuốn sách “Công dân toàn cầu” đã khiến tôi phải suy ngẫm hồi lâu: “Trái đất đẹp diệu kỳ khi nhìn từ không gian với những lằn ranh biên giới bị xóa nhòa”.

Thông điệp tôi muốn gửi tới các bạn du học sinh:

Dù bạn đi đâu, bạn làm gì, hãy cứ sống hết mình và bao dung bởi tình yêu thương sẽ biến chúng ta thành một gia đình dưới mái nhà trái đất này…

 

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức