Cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng trầm trọng tại Đức

Đức và một số quốc gia châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhà ở và bất động sản ngày càng trầm trọng, nhất là nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ, do chi phí xây dựng tăng phi mã, cộng thêm vào đó là “gánh nặng” của hàng triệu người Ukraine chạy tới lánh nạn.

Cuộc khủng hoảng thấy trước

Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) ngày 25-4 lên tiếng cảnh báo, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực nhà ở của nước này đang ngày càng trầm trọng, với lượng đơn đặt hàng mới trong dự án xây dựng hiện đã giảm 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Tim Oliver Mueller, Giám đốc điều hành của Hiệp hội ngành xây dựng Đức, cho biết, hoạt động xây dựng khu dân cư đang “rơi tự do” trong bối cảnh chi phí xây dựng tăng vọt đang khiến các dự án trở nên kém hiệu quả.

Những cảnh báo và lo ngại trên được ra khi sự sụt giảm trong hoạt động xây dựng tại nước Đức đã được phản ánh qua sự sụt giảm mạnh của các đơn đặt hàng mới trong toàn ngành xây dựng, theo đó ghi nhận trong tháng 2-2023 đã giảm 15,4% so với cùng kỳ tháng 2-2022. Trong khi đó, doanh số bán hàng của ngành cũng giảm 6,8%.

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Đức không phải lúc này mới trở lên trầm trọng mà từng được cảnh báo nhiều tháng trước đó. Vào trung tuần tháng 10-2022, thông tin cho thấy, thị trường nhà ở tại Đức đã lao đao do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng với giá năng lượng “phi mã”.

Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có nền kinh tế lớn nhất châu lục là Đức, phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do giá năng lượng tăng chóng mặt. Cuộc khủng hoảng này còn ảnh hưởng đến một loạt lĩnh vực khác, trong đó có nhà ở. Dữ liệu do Destatis công bố trung tuần tháng 10-2022 cho thấy, lượng giấy phép nhà ở cấp trong 8 tháng đầu năm 2022 tại nước này đã giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm 2021, phản ánh những khó khăn chồng chất mà lĩnh vực này đang gặp phải.

Người phát ngôn của Hiệp hội Các công ty bất động sản và nhà ở Đức (GdW) cho biết, thị trường nhà ở và xây dựng vốn đã gặp khó từ đầu năm 2022 và tình hình ngày một u ám hơn do ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine. Theo thống kê của Destatis, chỉ có 244.000 giấy phép xây dựng được cấp ở Đức trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 8-2022, trong khi mục tiêu xây dựng nhà ở hàng năm của chính phủ là 400.000 căn, bao gồm cả 100.000 căn nhà ở xã hội.

Lý giải về tình trạng khó khăn lúc đó, người phát ngôn của GdW cho biết, giá cả leo thang đang làm trầm trọng hơn các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu vốn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng như tình trạng thiếu lao động lành nghề và nguyên vật liệu. Đại dịch này đã khiến việc vận chuyển vật liệu xây dựng tắc nghẽn và tình trạng này còn trầm trọng hơn khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng nổ. Cả Ukraine và Nga đều là những nhà cung cấp thép và gỗ xây dựng lớn nhất cho Đức.

Theo Viện Nghiên cứu kinh tế ifo của Đức, nền kinh tế đầu tàu của châu Âu này đứng trước nguy cơ hàng loạt dự án nhà ở của người dân bị hủy bỏ, trong khi hơn 16% số công ty xây dựng hàng đầu đã ghi nhận các tác động nghiêm trọng hồi tháng 9. Detastis lúc đó thông báo lạm phát hàng năm ở Đức trong tháng 9-2022 đã tăng lên mức kỷ lục 10% do ảnh hưởng của giá năng lượng tăng vọt với giá khí đốt tự nhiên cao hơn 95% so với năm 2021 và giá dầu sưởi tăng hơn 50%. Chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế ifo cho rằng, trong bối cảnh giá nguyên liệu và năng lượng tăng chóng mặt như vậy, Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) đã buộc phải tăng lãi suất để ứng phó và điều này khiến các dự án quy hoạch bị ảnh hưởng do chi phí xây dựng tiếp tục gia tăng.

Ngăn biến thành cuộc khủng hoảng xã hội

1 Cuoc Khung Hoang Nha O Ngay Cang Tram Trong Tai Duc

Giá nguyên vật liệu, lạm phát đẩy giá nhà ở tăng cao đã làm giảm nhu cầu đặt mua nhà tại Đức. Thống kê cho thấy, năm 2022, nước Đức đã một lần nữa bỏ lỡ mục tiêu xây mới 400.000 ngôi nhà mỗi năm. Nguồn cung nhà ở giảm cộng thêm dòng người tị nạn từ Ukraine tràn sang càng khiến cuộc khủng hoảng nhà ở tại Đức thêm trầm trọng. Theo số liệu chính thức mới nhất, hơn 1,4 triệu người nước ngoài đã đến nước Đức trong năm 2022, chủ yếu là người tị nạn từ Ukraine. Hệ quả là số người sinh sống tại Đức đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 84,3 triệu người.

Nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho số dân lên mức kỷ lục, Chính phủ Đức tiếp tục phải theo đuổi mục tiêu xây mới 400.000 căn nhà mỗi năm. Mục tiêu là vậy, song Bộ trưởng Nhà ở, phát triển đô thị và xây dựng Đức Klara Geywitz thừa nhận thực tế: “Tôi không mong đợi con số 400.000 căn hộ có thể đạt được trong năm 2023”. Đánh giá kém lạc quan của người đứng đầu cơ quan về nhà ở của Đức được đưa ra khi số liệu công bố của Cơ quan thống kê Liên bang Đức cho thấy, số lượng căn hộ mới được phê duyệt để xây dựng đang giảm khá mạnh, với chỉ khoảng 24.304 căn hộ đã được phê duyệt, ít hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xây dựng mới 400.000 căn nhà mỗi năm, Chính phủ Đức đã công bố một loạt biện pháp tạo điều kiện cho công tác xây dựng nhà ở, đồng thời tăng cường hỗ trợ quyền sở hữu nhà cho các gia đình trẻ. Trong đó, nguồn vốn nhà nước dành cho nhà ở xã hội đã tăng lên mức kỷ lục là 14,5 tỷ euro (tương đương 14,3 tỷ USD) vào năm 2026.

Dù vậy, người phát ngôn của GdW cũng cho rằng các biện pháp được áp dụng chỉ có ý nghĩa trong trung hạn đối với việc thúc đẩy xây dựng nhà ở giá rẻ ở Đức, song có thể chưa đủ để giúp nước này đạt mục tiêu xây dựng 400.000 nhà ở/năm. Bởi hiện nay còn khoảng 847.000 công trình xây dựng nhà ở tại Đức đang bị đình trệ do lạm phát và giá cả vật liệu leo thang. Destatis trong thông tin đưa ra ngày 25-4 cũng cho biết, do lãi suất và chi phí vật liệu tăng lên, số lượng giấy phép xây dựng ở Đức đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp vào tháng 2 vừa qua; chỉ có 22.300 ngôi nhà mới được cấp phép xây dựng, ít hơn tới 20,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Đức cùng các nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng này còn thấy ở nhiều quốc gia thành viên EU. Trong đó có Bồ Đào Nhà khi mà lạm phát tăng cao, lương đứng yên khiến giấc mơ mua nhà của nhiều người dân Bồ Đào Nha trở nên xa vời. Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Bồ Đào Nha đang có chiều hướng biến thành khủng hoảng xã hội khi là nhân tố kích hoạt nhiều cuộc biểu tình trong thời gian qua.

Để ngăn cuộc khủng hoảng nhà ở, bất động sản thêm trầm trọng, Chính phủ Bồ Đào Nha thời gian qua đã ký kết nhiều văn bản với các địa phương về phát triển nhà, theo đó đã xây mới được khoảng 1.200 ngôi nhà và đang triển khai xây thêm 7.000 căn nhà khác. Bên cạnh đó, Chính phủ nước này cũng có chính sách trợ cấp cho các hộ gia đình có thu nhập dưới 38.000 euro/năm; tín dụng dành cho mua nhà cũng được áp ở tỷ lệ lãi suất cố định…. Bồ Đào Nha đang nỗ lực để không rơi vào tình trạng khẩn cấp khi khủng hoảng về nhà ở và bất động sản biến thành cuộc khủng hoảng xã hội.

Nguồn: anninhthudo.vn


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức