Đức áp dụng loại vé giao thông công cộng mới bảo vệ môi trường

Tấm vé “Deutschlandticket” mức giá 49 euro cho phép người dùng lên xe buýt và đi tàu điện ngầm không giới hạn lần đi và nơi đến ở Đức, tuy nhiên không áp dụng cho đường sắt cao tốc đường dài.

1 Duc Ap Dung Loai Ve Giao Thong Cong Cong Moi Bao Ve Moi Truong

Foto: Người dân mua thẻ giao thông tại một ga tàu hỏa ở Đức. (Ảnh: Getty Images)

Ngày 1/5, Đức đã chính thức áp dụng loại vé giao thông công cộng đồng giá mới trên cả nước với mục đích bảo vệ môi trường.

Gọi tấm vé tháng này là “một cuộc cách mạng”, các nhà hoạch định chính sách hy vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng một sự trợ giúp trong bối cảnh lạm phát leo thang, đồng thời khuyến khích người dân ủng hộ phương tiện công cộng để bảo vệ môi trường.

Tấm vé “Deutschlandticket” mức giá 49 euro (54 USD) cho phép người dùng lên xe buýt và đi tàu điện ngầm không giới hạn lần đi và nơi đến. Tuy nhiên, vé này không áp dụng cho dịch vụ đường sắt cao tốc đường dài.

Hiệp hội Công ty giao thông vận tải Đức (VDV) dự báo 16 triệu trong số 84 triệu dân của Đức sẽ muốn sở hữu tấm vé này. Hiện khoảng 750.000 vé đã được bán, không tính những người chuyển đổi vé hiện nay sang loại vé mới.

Chính phủ liên bang với chính quyền các bang đã đạt thỏa thuận đồng đóng góp 1,5 tỷ euro để tài trợ cho chính sách này nhằm tránh làm tăng thêm khối lượng nợ vốn rất lớn của công ty đường sắt quốc gia.

Đức không phải là quốc gia duy nhất đang nỗ lực tăng sử dụng đường sắt nhằm giảm khí thải từ giao thông.

Tại Tây Ban Nha, chính sách miễn phí đi lại bằng đường sắt nội tỉnh và liên tỉnh đã được áp dụng thử nghiệm vào tháng 9/2022 và giúp người dân dần bỏ xe ô tô riêng tại nhà và giảm sức ép lạm phát.

Theo cơ quan đường sắt Renfe của Tây Ban Nha, khoảng 2,1 triệu vé đã được trao tới tay người sử dụng trong quý 1/2023.

Trong khi đó, tại Áo, một “tấm vé khí hậu” đã trao cho người sử dụng cơ hội đi mọi tuyến trong mạng lưới giao thông công cộng của nước này, kể cả tàu cao tốc, chỉ với hơn 1.000 euro/năm. Công ty đường sắt OBB của Áo cho biết thành công của loại vé này là sự “bùng nổ” giao thông đường sắt.

Nhưng không phải ai cũng thích ý tưởng trên. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Pháp Clement Beaune cho rằng: “Quá tốn kém trong khi quá ít người chấp nhận từ bỏ xe ô tổ để sang đi tàu.”

Trong khi đó, tại Đức, phe đối lập vẫn chỉ trích, cho rằng số tiền này nên dùng để cải tiến và nâng cấp cơ sở hạ tầng đường sắt. Theo ước tính chính thức, mạng lưới đường sắt của Đức đang xuống cấp và cần đầu tư khoảng 8,6 tỷ euro/năm trong vòng 10 năm tới để nâng cấp./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức