Kể chuyện học mẫu giáo ở Đức thì có lẽ dài lắm, mỗi bố mỗi mẹ lại có những câu chuyện khác nhau. Mình chỉ kể những điểm ấn tượng chính mà hai mẹ con mình đang trải qua khi đưa bé vào một trường mẫu giáo công ở Dusseldorf, thành phố đứng thứ 6 trong số 20 thành phố đáng sống nhất trên thế giới.
Cơ sở vật chất tuyệt hảo
Trường Mẫu giáo của Đức cũng đa dạng như ở Việt Nam: trường công, trường tư, trường quốc tế, trường song ngữ, trường của nhà thờ… Trường chỉ nhận trẻ từ 3 đến 6 tuổi. Các bé nhỏ hơn thì đi nhà trẻ, ở nhà với mẹ hoặc cha mẹ nhờ người trông giúp cho đến khi bé đủ 3 tuổi mới đến trường. Lớp học không phân chia thành Mầm, Chồi, Lá như ở Việt Nam, mà chia trẻ em theo lớp, trẻ từ 3-6 tuổi học cùng một lớp, mỗi lớp có 15 bé. Trường của Chip nhà mình là trường công, có 4 lớp như vậy, mỗi lớp có 15 cháu, cả trường chỉ phục vụ có 60 cháu nhưng cơ sở vật chất lại trang bị đầy đủ như một trường mẫu giáo lớn ở VN, có phòng thể thao, sân chơi, nhà kho chứa đồ chơi, phòng ăn, bếp… Trong mỗi lớp lại có 3 phòng nhỏ hơn gồm phòng sinh hoạt chung, phòng cho các bé chơi, nhà vệ sinh riêng và nhà tắm, vòi rửa tay… Trang thiết bị trong lớp không thiếu thứ gì, từ tủ kệ đến đồ dùng học tập, đồ chơi giáo dục, ghép hình, bút, đất nặn, đủ các loại màu và chất liệu… Điều quan trọng là các bé được tự ý dùng toàn bộ các đồ chơi, sách vở này bất kì khi nào bé thích, với điều kiện là bé chơi xong phải cất đồ vào đúng chỗ quy định.
Mỗi lớp có hai cô phụ trách, ngoài ra còn có bộ phận hành chính, bếp… Như vậy tính ra đến 3 cô trên 15 cháu. Không giống như ở VN, hồi Chip học trường công, lớp có 70 cháu mà chỉ có ba cô giáo, một trường đông học sinh vô kể!
Thích nhất là ngôi trường mới thường xuyên tổ chức các ngày hội và Chip cũng như mọi bé khác đều rất hân hoan vì được treo ảnh lên hàng rào quanh sân trường.
Ngày đầu đến trường
Không phải lúc nào bé cũng được nhận vào trường ngay. Chip đã 5 tuổi nên xin ngang cũng khó. May mà trường còn chỗ trống. Tuy nhiên, cô Hiệu trưởng muốn gặp Chip trước khi nhận bé, mà lúc đó mình còn đang ở VN. Do vậy mình phải gửi ảnh qua mail cho cô, thế là cô gật đầu cái rụp. Ngày đầu tiên đặt chân lên đất Đức cũng là ngày đầu tiên Chip đến trường.
Những ngày đầu đưa bé đến trường, bố mẹ phải ở lại với bé để bé làm quen với môi trường mới. Nếu bé ngoan, không khóc thì bố mẹ mới được về. Bé còn khóc thì bố mẹ còn phải ở lại, vài ngày như thế, đến khi bé quen thì bố mẹ mới được rời trường nhưng phải để lại số điện thoại để đề phòng bé khóc thì các cô gọi cho bố mẹ.
Bố mẹ phải kí hợp đồng với nhà trường trong việc gửi con. Trong đó nêu rõ cháu được gửi bao nhiêu giờ (có các mức 25h, 35h, 45h và 45h+), ghi rõ những ai được phép đón cháu, tên và số điện thoại (cái này khác ở VN ai thích đón thì đón). Nếu đột xuất có người khác đón thì phải viết thư cho cô ủy quyền cho người đi đón đó các cô mới đồng ý cho đón. Sau khi kí hợp đồng, cô giáo sẽ đưa cho một danh sách những vật dụng cần chuẩn bị cho bé, gồm 1 bộ quần áo thay thế treo ở túi trong nhà tắm, một bộ quần áo không thấm nước để bé chơi ngoài trời, một đôi ủng cao su đi ngoài trời, một đôi dép đi trong nhà, bàn chải đánh răng. Cô cũng hướng dẫn tỉ mỉ cho bé cách sử dụng trang thiết bị trong lớp ngay ở ngày đầu.
Mỗi bé được gắn với một con vật yêu thích, đây là cái để phân biệt đồ dùng của các bé. Và con vật này sẽ đi với bé trong suốt thời gian bé ở trường, bởi nó xuất hiện ở chỗ để bàn chải đánh răng, móc treo quần áo mưa, móc treo ba lô, tủ để đồ riêng, cốc uống nước riêng… Điểm đặc biệt chú ý là nhà trường có chiếc tủ riêng để bé có thể để bất kì thứ gì bé thích, đặc biệt là những vật dụng sáng tạo bé tự làm.
Chương trình học: chẳng học gì mà lại học mọi thứ
Nếu các bố mẹ mong muốn con sẽ biết đọc biết viết, biết múa biết hát trong trường mẫu giáo thì sẽ thất vọng toàn tập. Các bé không được học những cái này trong trường mẫu giáo Đức, bởi họ quan niệm phải để cho bé sống đúng với sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ. Các cô chơi với các bé, bé muốn làm gì tùy bé thích, đọc sách, ghép hình, chơi trò chơi, vẽ tranh, cắt dán… Các cô lúc nào cũng sẵn sàng chơi với bé, hướng dẫn bé nếu bé yêu cầu. Hoặc bé có thể chạy đến hỏi cô bất cứ câu hỏi gì. Bé học từ đó. Còn việc học năng khiếu, bố mẹ phải cho bé đến trường múa, hát, nhạc riêng, vì đó mới là chỗ tốt nhất cho bé. Việc học chữ phải đợi đến khi bé vào lớp một.
Ngoài việc học ở trường, Chip (váy vàng) còn được đi học múa.
Một ngày của bé bắt đầu bằng việc ăn sáng. Bé nào chưa kịp ăn sáng ở nhà thì có thể ăn cùng cô và các bạn. Điều này tiện lợi cho các bố mẹ không phải đánh vật với bữa sáng của các con ở nhà. Cô sẽ chuẩn bị sữa và hoa quả, các bé được bố mẹ chuẩn bị đồ ăn mang đến lớp ăn cùng cô và các bạn. Nếu mẹ đưa bé đến lớp sớm, bé sẽ ngồi trong vòng tay cô và nghe cô kể chuyện trong khi chờ các bạn khác đến đông đủ.
Tiếp theo các bé sẽ ngồi vào góc ấm cúng của lớp, gọi là “morgen krise”, trong đó các bé sẽ được nghe kể chuyển, xếp ngày, tháng, năm, mùa, xem bạn nào có mặt ngày hôm đó và bạn nào nghỉ học… Đây là lúc các cô trò gần gũi nhất và bé học các khái niệm về thời gian, các câu chuyện. Rồi các bé tự do chơi, ăn trưa, nghỉ ngơi và buổi chiều lại tiếp tục chơi. Quan niệm học mà chơi luôn đúng.
Chăm sóc sức khỏe răng miệng hoàn hảo
Ở trường mẫu giáo con mình học, mỗi bé có một bàn chải đánh răng riêng và ăn sáng, ăn trưa hay ăn gì xong cô cũng đều nhắc tất cả đi đánh răng. Điều này không có ở Việt Nam vì khi ăn xong các bé không được đánh răng thường xuyên. Đánh răng mỗi khi ăn xong là điều bắt buộc. Các cô còn cho các bé đi thăm quan bệnh viện nha khoa, mỗi bé được tặng một chiếc đồng hồ cát đo thời gian đánh răng và một tờ hướng dẫn đánh răng đúng cách để treo trong nhà tắm. Bác sỹ nha khoa còn được mời đến trường nói chuyện với bé và bố mẹ về vệ sinh răng miệng. Do vậy các bé ở đây ít bị sâu răng hơn nhiều.
Hai món đồ không thể thiếu trong nhà tắm của các bé mẫu giáo là đồng hồ cát giúp đo thời gian đánh răng và tờ hướng dẫn cách đánh răng đúng.
Vận động bất cứ khi nào có thể
Bất cứ khi nào thời tiết đẹp, các bé đều được các cô cho ra ngoài sân chơi. Sân rộng rãi, nhiều đồ chơi, nên các bé tha hồ vận động, chạy nhảy, leo trèo, trượt, chơi bất cứ thứ gì bé thích và nô đùa với các bạn. Vận động làm cho bé ăn ngon, dẻo dai, ngủ tốt và cơ bắp khỏe. Khí hậu không ô nhiễm và việc vận động nhiều làm cho các bé khỏe mạnh và ít ốm hơn. Hồi ở Việt Nam, Chip nhà mình thường ốm ít nhất mỗi tháng hai lần, kháng sinh đủ kiểu. Trộm vía từ hồi sang đến giờ ngoài hai lần ho do trời có tuyết lúc mới sang, còn đến giờ chẳng ốm đau gì hết.
Các cô giáo khuyến khích Chip (áo vàng) cùng các bạn mặc ấm và ra ngoài vận động.
Khi ra ngoài, các bé đều được mặc ấm, bôi kem chống nắng khi trời nắng, và uống nước liên tục khi vận động. Chính vì vậy bé nào cũng thích được ra ngoài chơi. Nhớ hồi bé nhà mình học ở Việt Nam, 70 cháu nhét vào một lớp, ngồi quây quần cả ngày, ít ra ngoài, như vậy không tốt cho trẻ vì trẻ lúc nào cũng dư thừa năng lượng, nếu số năng lượng này mỗi ngày không được giải tỏa bằng vận động, các bé dễ sinh cáu gắt và quấy nhiễu bố mẹ. Được chạy nhảy và vui đùa với các bạn, các bé vừa học tính hòa đồng và vừa khỏe mạnh thêm.
Rất nhiều hoạt động ngoại khóa
Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động dã ngoại, lễ hội trong đó tất cả các phụ huynh và những người quan tâm đều có thể tham gia tại trường. Hoạt động này tăng cường sự hiểu biết giữa nhà trường và gia đình, giữa các phụ huynh với nhau, và cũng tăng cường sự gắn bó giữa bố mẹ và các con. Các hoạt động này luôn luôn được các phụ huynh hưởng ứng và ủng hộ nhiệt tình. Ngoài ra các cô còn luôn có lịch cho các bé đi chơi lâu đài, công viên làm các bé luôn hào hứng.
Các hoạt động ngoại khóa thường xuyên được tổ chức cho các bé mẫu giáo. Chip hào hứng tham gia trò chơi bắn súng nước cùng các bạn.
Kỷ luật không nước mắt
Ở lớp, việc gì bé làm cũng được các cô khuyến khích và khen ngợi, nên bé tự tin làm mọi thứ theo sở thích. Tất nhiên nếu bé có hành động không đúng thì các cô sẽ nhắc nhở và giải thích cho bé hiểu. Không có chuyện các cô dùng thước kẻ đánh bé bao giờ. Khi các bé chơi xong cô sẽ hát một bài hát và các bé vui vẻ dọn dẹp đồ đạc. Bé nhà mình còn thuộc lòng ‘Bài hát dọn dẹp’ đó và hát cho mẹ nghe.
Tự giác là điều lớn nhất bé học được trong trường học của Đức. Bé tự thay đồ, cởi áo khoác trước khi vào lớp và tự mặc đồ, khoác ba lô khi mẹ đón về. Bé giúp các cô chia đồ ăn cho các bạn. Bé tự cho đồ chơi vào kho chứa đồ hay giá đựng đồ chơi mỗi khi chơi xong. Không phải cứ hò hét và phàn nàn chuyện các bé bừa bộn, không chịu dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi mà hiệu quả đâu nhé, bài hát nhẹ nhàng lại hiệu quả hơn nhiều.
Học ở Đức, cô con gái 5 tuổi của mình đã tự lập và trưởng thành hơn rất nhiều.
Không có ‘chùa thầy’
Các cô giáo luôn có mối quan hệ tốt với phụ huynh, nhưng không được phép có quan hệ cá nhân hay nhận quà của phụ huynh, không được đến nhà phụ huynh, hay phụ huynh cũng không được đến nhà cô giáo, chính vì thế mà không có chuyện ‘chùa thầy’ ở đây. Học phí của các con không do nhà trường thu, cũng không đóng cho nhà trường, mà do chính quyền địa phương quy định và liên hệ với phụ huynh. Việc nhà trường và phụ huynh không có giao dịch về tiền luôn tránh những tiêu cực có thể phát sinh. Bé nhà mình học trường công nên không mất học phí, chỉ đóng tiền ăn hàng tháng. Số tiền đóng hàng tháng hoặc chuyển khoản cho thành phố hoặc fax số tài khoản để hàng tháng họ trừ tiền trực tiếp từ tài khoản của mình. Việc quy định phí phải đóng ở mỗi thành phố hay mỗi bang có những quy định khác nhau. Có những thành phố phải đóng tiền thì mức đóng phụ thuộc vào mức thu nhập của phụ huynh. Những người đang thất nghiệp thì được chính quyền hỗ trợ để đảm bảo các bé đều được đến trường.
Cũng từng tìm cách ‘nhặt sạn’ trường mẫu giáo của Đức, nhưng đến giờ chưa có gì mình phải phàn nàn cả. Nhìn con mình hạnh phúc đến lớp, chơi với các bạn, muốn ở và không muốn về là mình mãn nguyện rồi. Có lẽ cách giáo dục tự lập và giáo dục hòa nhập là thành công mà mình thấy tâm đắc nhất trong hệ thống mẫu giáo ở Đức. Vì khi bước vào trường con mình một chữ tiếng Đức bẻ đôi không biết, thế mà giờ chỉ sau sáu tháng đã có thể giao tiếp, vui vẻ, kết bạn, trêu đùa với cô giáo, và tự làm được nhiều thứ cho bản thân… Mình cũng tự hỏi một học sinh 5 tuổi người nước ngoài nếu đến trường mẫu giáo ở Việt Nam sau sáu tháng liệu có thể làm được như thế?
Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ mail
(khampha.vn)
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...