“Nằm xuống” – Câu chuyện 10 giây từng gây chấn động toàn nước Đức

“Nằm xuống” – Câu chuyện 10 giây từng gây chấn động toàn nước Đức

Chuyện được kể rằng, tại một nhà ga xe lửa, có một nhân viên đảm nhiệm công việc điều chỉnh công tắc chuyển hướng đường ray xe lửa. Đây là một công việc đòi hỏi nhân viên cần phải tập trung cao độ, bởi chỉ cần chuyển công tắc chậm một giây, xe lửa có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Có một câu chuyện từng gây chấn động toàn nước Đức. Câu chuyện được chia sẻ trên nhiều trang mạng xã hội. Câu chuyện về một nhân viên nhà ga xe lửa và con trai của ông.

Ngày hôm đó, có 2 tàu từ 2 hướng ngược nhau đang tiến vào ngã ba và chuẩn bị chuyển hướng đường ray. Người nhân viên đã vào vị trí ở khu vực bấm nút chuyển hướng ray như thường lệ.

Đúng lúc này, ông đưa mắt nhìn và phát hiện đứa con trai của mình đang chơi đùa và đã chạy đến khu vực ngã ba đường tàu, nơi mà cả 2 xe lửa đang tiến tới với tốc độ ngày một nhanh.

Không kịp cả suy nghĩ, ông hét lớn với đứa con trai “Nằm xuống”, đồng thời nhấn nút chuyển đường ray ở ngã ba. Cả hai đoàn xe lửa đã đi vào quỹ đạo an toàn.

Những người đi trên hai chuyến tàu ấy không hề biết rằng, chỉ vài giây trước, tính mạng của họ từng ngàn cân treo sợi tóc, càng không hay biết rằng có một đứa trẻ nằm xuống đường ray bên cạnh cũng vừa thoát chết trong gang tấc.

Những hình ảnh ấy đã may mắn lọt vào ống kính phóng viên. Sự việc xảy ra tại nhà ga cũng trở thành tiêu điểm của dư luận nước Đức.

1 1 Nam Xuong  Cau Chuyen 10 Giay Tung Gay Chan Dong Toan Nuoc Duc

Không lâu sau, một đài truyền hình của Đức đã phát động một cuộc thi thu thập những thước phim với chủ đề “Mười giây đồng hồ mạo hiểm”.

Rất nhiều đoạn video đã được gửi tới để tham gia. Cuối cùng, trong số rất nhiều những tác phẩm dự thi, đoạn phim “Nằm xuống” này đã giành được ưu thế và đoạt quán quân.

Có một điều, sau khi đoạn băng được trình chiếu rộng rãi, người ta mới biết rằng, đứa bé trong câu chuyện từ khi sinh ra đã bị thiểu năng về trí tuệ.

Người cha ấy đã từng nhiều lần nói với con: “Sau này lớn lên, công việc con có thể làm được quá ít. Vì thế, con nhất định phải nỗ lực để trở nên xuất sắc”. Nhưng con trai của ông chưa bao giờ hiểu được những lời này, chỉ ngơ ngác nhìn cha.

May mắn thay, trong mấy giây đồng hồ định mệnh kia, đứa trẻ thiểu năng ấy lại có thể nghe lời cha, kịp nằm xuống và thoát nạn trong gang tấc.

Hóa ra, hai chữ “nằm xuống” là hiệu lệnh mà người cha ấy thường dạy con mình trong những lúc chơi trò chơi, đó là từ duy nhất mà đứa trẻ ấy có thể hiểu và cũng là động tác tốt nhất mà nó có thể làm.

—————————————————

Từ câu chuyện “Nằm xuống” đến cách dạy con của cha mẹ

Trẻ em là tấm gương phản ánh hành vi của người lớn. Những ứng xử hằng ngày của cha mẹ được lưu giữ trong trí nhớ của con trẻ, nó sẽ được bộc lộ trong những thời điểm thích hợp nhất.

Những người làm cha mẹ, nếu lựa chọn những thời điểm thích hợp nhất để dạy con những điều cơ bản nhất, chắc chắn chúng sẽ tiếp thu rất tốt. Câu chuyện người cha dạy con trai cách ứng xử trong cuộc sống, tính không ích kỷ vụ lợi qua việc mua kem là một ví dụ.

1 2 Nam Xuong  Cau Chuyen 10 Giay Tung Gay Chan Dong Toan Nuoc Duc

Câu chuyện kể rằng, có 2 cha con, ngày nào trên đường về cũng đi qua một tiệm kem. Và hầu như ngày nào ông cũng ghé lại, mua 2 chiếc kem để 2 cha con cùng thưởng thức và chuyện trò rôm rả trên suốt chặng đường về.

Một ngày nọ, khi dừng lại trước tiệm kem, ông đột ngột nói với cậu con: “Hôm nay con có thể đãi bố 1 cây kem không? bố không mang theo tiền?” – Cậu bé bất chợt đưa tay vào túi quần, nơi có 5 đồng, vừa đủ mua 2 cây kem.

Do dự, cậu quay sang bố: “Hay chúng ta về bố nhé, hôm nay con cũng không muốn ăn kem”.

Ông bố thất vọng, cùng con ra về, suốt chặng đường còn lại, 2 cha con cũng không chuyện trò rôm rả như mọi ngày.

Không chờ đến lúc ấy, mà ngay khi bước chân ra khỏi tiệm kem, cậu bé đã cảm thấy hối hận thực sự. Cậu thầm nghĩ sao mình có thể ích kỷ, sao mình hoàn toàn có thể đãi bố cây kem mà lại keo kiệt giữ lấy tiền riêng.

Ngày hôm sau, trên đường về, khi gần tới tiệm kem, cậu bé đã chủ động: “Hôm nay con mời bố ăn kem nhé!”. Chỉ một câu chuyện nhỏ thôi, nhưng ta nhận thấy rằng, người bố chọn đúng thời điểm, đúng cách để dạy con, thì đứa bé sẽ tiếp thu rất nhanh và nhớ mãi trong đời.

Cậu bé ấy sẽ không bao giờ quên được bài học về lòng vị tha của người bố, và bài học phải sống không ích kỷ, keo kiệt…

Chúng ta thường nói, phía sau một đứa trẻ chính là gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc chỗ dựa phía sau của con cái chính là cha mẹ.

Những đứa trẻ “con nhà người ta”, phía sau chúng cũng là “cha mẹ nhà người ta”. Muốn dạy con cái điều hay lẽ phải, cha mẹ trước hết phải là những người thực hiện tốt những điều ấy.

—————————

Câu chuyện người cha dùng 3 bát mì trứng dạy con cũng vậy. Nếu không đặt đứa con vào hoàn cảnh cụ thể, để dạy con cần biết cho đi mới được nhận lại, thì đứa con ấy khó có thể tiếp thu được một bài học sâu sắc đến vậy.

Cần biết mọi quyết định trong cuộc sống đều không chỉ ảnh hưởng đến mình, mà cả những người xung quanh.

Hầu hết cha mẹ chúng ta hiện nay đều ngày ngày kêu con phải chăm chỉ, phải học hành thật tốt, phải đạt được thành tích này, thành công nọ…

Tuy thế, đứa trẻ vẫn chỉ là đứa trẻ. Nếu cứ bảo: Con lo học hành chăm chỉ đi, bé Q nhà bác T ngày nào cũng học đến khuya mới nghỉ. Hay con lo học hành chăm chỉ, sau vào đại học như anh P… song đây thường là cách dạy con đã trở nên lỗi thời.

1 3 Nam Xuong  Cau Chuyen 10 Giay Tung Gay Chan Dong Toan Nuoc Duc

Một câu chuyện “Nằm xuống” thật ngắn nhưng ẩn chứa rất nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm.

Người cha hiểu rõ khả năng tiếp thu của con mình tới đâu, nên ông đã dạy cậu bé những điều mà cậu có thể hiểu và thực hiện được dễ dàng. “Nằm xuống” – câu lệnh đơn giản để một người thiểu năng như con ông có thể tiếp thu.

Do vậy, luôn luôn cần xem xét xem đối tượng của mình là ai để đưa ra những bài học, những công việc phù hợp với năng lực của người tiếp nhận – mới có thể đi đến thành công.

Theo kenh14


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC