Đợt dịch thứ 4 tại Đức, một cảnh báo cho những nước châu Âu khác

Đợt dịch thứ 4 tại Đức, một cảnh báo cho những nước châu Âu khác

Đợt dịch thứ tư này có lẽ là tồi tệ nhất từ đầu đại dịch ở Đức cho dù nước này đã tiêm chủng cho gần 70 % dân số. Diễn biến dịch ở Đức có nguy cơ sẽ lặp lại ở các nước châu Âu khác.

1 Dot Dich Thu 4 Tai Duc Mot Canh Bao Cho Nhung Nuoc Chau Au Khac

Số ca nhiễm mới tăng kỷ lục hàng chục nghìn mỗi ngày, tỷ lệ lây nhiễm trên 100 nghìn dân tăng liên tục trong 7 ngày và các bệnh viện ngày thêm căng thẳng. Tình hình dịch Covid-19 tại Đức đang chuyển biến xấu đi nhanh chóng.

2 Dot Dich Thu 4 Tai Duc Mot Canh Bao Cho Nhung Nuoc Chau Au Khac

Một góc phố thương mại tại thành phố Franfurt, ngày 10/11/2021 giữa lúc đợt dịch thứ 4 đang bùng phát dữ dội tại nước Đức AP - Michael Probst

Nước Đức trong những ngày qua liên tiếp lập các kỷ lục đáng buồn trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19. Trong 24 giờ từ ngày 10 đến 11/11, nước Đức ghi nhận thêm 50196 ca nhiễm mới, theo số liệu của viện giám sát y tế Đức Robert Koch.

Đây là mức lây nhiễm chưa từng có sau gần 2 năm khủng hoảng dịch, mặc dù đã có tới gần 70% người dân được tiêm phòng ngừa Covid đủ liều. Tỷ lệ lây nhiễm liên tiếp trong 7 ngày qua đạt các đỉnh mới, từ 200 ca trên 100 nghìn dân hôm 08/11 đến giờ con số này đã lên tới 235 ca.

Người không tiêm chủng và người tiêm đợt đầu

Tình hình ở các bệnh viện Đức đang trở nên trầm trọng. Nếu như số người bệnh nhập viện ở thể nặng không nhiều như cách nay một năm, đó là nhờ hiệu quả bảo vệ của vac-xin, nhưng con số này đang tăng rõ rệt, theo ghi nhận của nhà dịch tễ học Ralf Reintjes, thuộc Đại học Khoa học ứng dụng Hambourg.

Các khoa chăm sóc tăng cường cũng bị quá tải so với cách đây một năm khi chưa có vac-xin, theo nhật báo Süddeutsche Zeitung. Nguyên nhân trước tiên là vì thiếu nhân viên y tế, rất đông người đã bỏ việc vì phải làm việc quá sức từ đầu khủng hoảng dịch. Sau nữa là vì số người mắc các bệnh khác cần điều trị đông hơn. Cách đây một năm, phong tỏa đã giúp hạn chế được các loại virus theo mùa như cúm.

Rất nhiều dấu hiệu xấu đi khiến nhà virus học Christian Drosten, chuyên gia hàng đầu về phòng chống dịch Covid-19 ở Đức đã phải lên tiếng báo động. Hôm 9/11, ông ước tính có thể sẽ có thêm 100 nghìn người chết ở Đức nếu không có hành động gì ngăn chặn dịch lây lan. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng đánh giá trên hơi thái quá. Chuyên gia Ralf Reintjes nhận định: « Đúng là với hai phần ba dân số trưởng thành đã được tiêm chủng thì tình hình dịch như vậy có vẻ gây ngạc nhiên, nhưng thực ra thì cũng không có gì bất ngờ ».

Có nhiều yếu tố đặc thù có thể giải thích tại sao đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Đức có vẻ đang trở nên tồi tệ, theo cách nhìn của nhiều người. Yếu tố rõ nhất đó là « vẫn còn 1/3 số người lớn tuổi vẫn chưa tiêm vac-xin. Con số này ở Đức là hàng triệu người, trong đó có cả những người có bệnh nền tức là nếu bị nhiễm Covid-19 họ rất dễ bị biến chuyển thành thể nặng », chuyên gia bệnh nhiêm trùng thuộc Trung tâm Viện Đại học Hambourg, Till Koch cho biết.

Thêm vào số không tiêm phòng còn có những người đã tiêm trong đợt tiêm chủng đầu tiên hồi cuối năm 2020 và đầu năm 2021. « Với số người này, hiệu quả của liều thứ 2, tiêm cách nay đã quá 6 tháng, bắt đầu suy giảm, vì thế khả năng bảo vệ của cơ thể trước virus bị kém đi », nhà dịch tễ học Ralf Reintjes ghi nhận. Những người tiêm chủng đợt đầu tiên chủ yếu là những người cao tuổi thuộc nhóm dân có nguy cơ cao.

Hơn nữa, virus bây giờ không còn giống như ban đầu nữa. Tình hình dịch ở Đức hiện nay « khẳng định biến thể delta có mức độ lây nhiễm cao hơn nhiều so với chủng ban đầu cách đây một năm, kể cả đối với những người đã tiêm chủng », chuyên gia Ralf Reintjes nhấn mạnh.

Hiệu ứng tuyển cử

Một nguyên nhân nữa : « Người ta có cảm giác đã trở lại cuộc sống bình thường , nhiều người ứng xử sinh hoạt như trước khi có đại dịch », Ông Till Koch nhận xét. Virus Sars-Cov-2 có thể lan truyền dễ hơn cách đây một năm khi mà các quán bar, nhà hàng bị đóng cửa và người Đức tôn trọng phòng dịch hơn.

Đó chính là sự buông lỏng với các biện pháp phòng dịch, giãn cách xã hội giống như ở hầu khắp châu Âu. Người ta có tâm lý cho rằng nhờ có vac-xin mà có thể sang trang mới của cuộc khủng hoảng dịch này. Đó là một suy nghĩ sai lầm.

Các nhà dịch tễ học Đức cho rằng còn có một nguyên nhân nữa là cuộc tuyển cử vừa qua. Trong chiến dịch vận động tranh cử trước ngày bỏ phiếu 26/09, khủng hoảng dịch gần như được chuyển xuống hàng thứ hai trong các mối quan tâm. Hơn nữa, các nhà chính trị muốn đưa lên hàng đầu thành công trong chống đại dịch, tạo cho mọi người cái cảm giác tất cả đều đã tốt hơn rồi.

Đối với các chuyên gia được France 24 phỏng vấn, bài học chính của đợt dịch thứ 4 tại Đức là « người ta đặt quá nhiều kỳ vọng vào vac-xin dẫn đến các biện pháp phòng dịch khác bị buông lỏng, thí dụ như xét nghiệm hay hạn chế lưu thông ». « Trước một biến thể như vậy, gần 70% dân số lớn tuổi được tiêm phòng, con số này là quá ít để ngăn chặn dịch », chuyên gia Till Koch nhận định.

Bài học cho các nước khác

Thực tế diễn ra ở nước Đức không khỏi khiến các nước châu Âu có cùng tỷ lệ tiêm chủng trong dân tương tự như Đức lo sợ. Chuyên gia Till Koch cảnh báo : « Rõ ràng người ta có thể nghĩ rằng những gì đang diễn ra ở Đức có nguy cơ tái hiện trên quy mô châu Âu trong những tuần tới ». Tình trạng này không chỉ xảy ra riêng ở Đức. Số ca nhiễm mới đã bắt đầu tăng vọt ở Hà Lan và Đan Mạch.

Không phải ngẫu nhiên nếu khu vực bắc Âu bị dính đòn đầu tiên. « Giống như mọi virus gây bệnh đường hô hấp, Covid-19 là bệnh theo mùa, những nước ở nam Âu, như Tây Ban Nha hay Ý vẫn còn đang được che chở bởi thời tiết dịu hơn », chuyên gia Till Koch giải thích.

Những cũng không phải là làn sóng dịch mới dữ dội sẽ không thể tránh được ở châu Âu. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy một điều từ trường hợp của nước Đức là không thế hài lòng với tỷ lệ 70% dân số tiêm chủng. Đây là tỷ lệ cách đây một năm vẫn được coi là ngưỡng sống còn để chiến thắng dịch Covid-19.

« Điều cốt lõi đối với các chính quyền là phải cho mọi người hiểu rằng khủng hoảng dịch vẫn luôn còn đó và không được buông lỏng, nhất là trong kỳ mùa đông này », chuyên gia Ralf Reintjes nhấn mạnh.

Sau cùng, bên cạnh đẩy mạnh tiêm chủng cũng cần phải trú trọng nhiều hơn cho các biện pháp phòng dịch. Đó không hẳn là phải trở lại các giải pháp gây thiệt hại cho kinh tế như giới nghiêm hay đóng cửa các quá bar nhà hàng. Theo các chuyên gia được hỏi, các biện pháp như tầm soát rộng rãi miễn phí sẽ giúp phát hiện sớm hơn các ca nhiễm và như vậy sẽ hạn chế được virus lây lan.

Còn lại để xem liệu các nước có rút ra bài học kịp thời từ trường hợp của nước Đức. Tại Pháp, tình hình vẫn còn chưa đến mức xấu như bên người láng giềng, mới « chỉ có » trung bình 7000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Nhưng số ca nhiễm đã tăng 23% so với tuần trước. Chưa chắc những biện pháp mà tổng thống Emmanuel Macron vừa thông báo hôm 09/11 về việc tiêm vac-xin liều thứ 3 và bắt buộc đeo khẩu trang trong trường học đã là đủ.

Theo france24.com


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000