Số trường hợp tăng rất cao ở Đức. ẢNH: EPA-EFE
Tình hình dịch bệnh ở Đức đang trở nên tồi tệ nhanh chóng. Số ca mắc Covid-19 mới đạt mức kỷ lục vào ngày 11/11, số ca mắc trung bình trong 7 ngày tăng vọt, và các bệnh viện ngày càng chịu nhiều áp lực.
Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư này có thể là đợt bùng phát tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, mặc dù khoảng 70% dân số trưởng thành đã được tiêm chủng.
Đức đã thiết lập một loạt kỷ lục nghiệt ngã trên mặt trận y tế trong những ngày gần đây, AFP nhận định. Vào ngày 11/11, quốc gia này ghi nhận kỷ lục 50.196 ca nhiễm mới, tức số ca mắc theo ngày lần đầu vượt mốc 50.000.
Số ca mắc mới theo ngày của Đức đã vượt mốc 50.000 vào ngày 11/11. Ảnh: Xinhua.Kỷ lục nghiệt ngã
Tình hình cũng đang trở nên tồi tệ hơn ở các bệnh viện. “Trong khi số bệnh nhân gặp tình trạng nặng không còn cao như một năm trước nhờ tác dụng bảo vệ của vaccine, vẫn có một sự gia tăng rõ ràng (ở số người nhập viện)”, Ralf Reintjes, một nhà dịch tễ học tại Đại học Khoa học Ứng dụng ở Hamburg, cho biết.
Các phòng chăm sóc tích cực (ICU) thậm chí còn “quá tải hơn so với một năm trước, thời điểm không có vaccine”, Süddeutsche Zeitung đưa tin. Điều này một phần là do số lượng lớn nhân viên y tế đã nghỉ việc, những người đã làm việc quá sức kể từ khi cuộc khủng hoảng y tế bắt đầu.
Ngoài ra, ngày càng có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh khác cần được chăm sóc. Một năm trước, việc phong tỏa đã hạn chế sự lây lan của các loại virus theo mùa khác như cúm.
Tất cả yếu tố này đã khiến nhà virus học người Đức Christian Drosten phải lên tiếng cảnh báo. Hôm 9/11, ông cho biết có khả năng 100.000 người sẽ chết nếu “chúng ta” không làm gì để ngăn dịch bệnh bùng phát ngoài tầm kiểm soát.
Đức hiện phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất. Ảnh: Shutterstock. |
“Đúng là với 2/3 dân số trưởng thành được tiêm chủng, tình hình này có vẻ đáng ngạc nhiên. Nhưng trên thực tế, không có gì đáng ngạc nhiên cả”, ông Reintjes nói.
Có nhiều lý do khiến đây là đợt dịch tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Đức. Nguyên nhân rõ ràng nhất là việc “1/3 người trưởng thành chưa được tiêm chủng”, Till Koch, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Hamburg, cho biết.
Bên cạnh đó, đợt bùng dịch xảy ra cũng là do nhiều người đã tham gia đợt tiêm chủng đầu tiên từ cuối năm 2020 đến đầu năm nay.
“Đối với họ, tác dụng của liều thứ hai – được tiêm hơn sáu tháng trước – đang bắt đầu giảm dần”, ông Reintjes cho biết. Những người được tiêm chủng sớm này thường là những người cao tuổi, một trong những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Hơn thế nữa, virus corona không còn như trước. Tình hình ở Đức “đã chứng thực rằng biến chủng Delta dễ lây lan hơn nhiều so với chủng ban đầu của một năm trước, ngay cả ở những người đã được tiêm vaccine”, ông Reintjes cho biết thêm.
Lời cảnh tỉnh cho các quốc gia châu Âu khác
Cuối cùng, “chúng ta có cảm tưởng rằng mình đang trở lại cuộc sống bình thường với nhiều người hành xử như lúc trước đại dịch”, ông Koch nói.
Điều này càng tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan dễ dàng hơn nhiều so với một năm trước. Vào năm ngoái, các quán bar và nhà hàng đóng cửa, đồng thời người Đức cũng dành sự tuân thủ cao hơn với các lệnh hạn chế.
Sự nới lỏng này có thể được giải thích bởi sự mệt mỏi nhất định, giống với hầu hết quốc gia châu Âu, trước các biện pháp giãn cách xã hội. Ngoài ra, điều này còn đi cùng với “suy nghĩ sai lầm rằng nhờ vaccine, chúng ta có thể lật ngược tình thế trong cuộc khủng hoảng y tế này”, ông Reintjes nói.Người dân ở Đức xếp hàng dài chờ tiêm chủng trong bối cảnh các ca mắc ở nước này gia tăng nhanh chóng. Ảnh: AFP.
Người dân ở Đức xếp hàng dài chờ tiêm chủng trong bối cảnh các ca mắc ở nước này gia tăng nhanh chóng. Ảnh: AFP. |
Nhưng cũng có một khía cạnh đặc biệt chỉ có riêng ở Đức, đó là “hiệu ứng tổng tuyển cử” của đất nước.
Trong chiến dịch tranh cử trước cuộc bỏ phiếu ngày 26/9, “cuộc khủng hoảng y tế không phải là mối quan tâm lớn”, ông Reintjes giải thích.
Các chính trị gia thích nêu bật những thành công của họ trong cuộc chiến chống lại đại dịch, ông cho biết. Điều này đồng nghĩa rằng công tác truyền thông về nguy cơ đối với sức khỏe con người rất khiêm tốn, từ đó tạo nên cảm tưởng rằng mọi thứ đang tiến triển tốt hơn.
Bài học chính của làn sóng thứ tư ở Đức là việc “chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào vaccine, từ đó làm ảnh hưởng tiêu cực đến các biện pháp chống dịch khác, chẳng hạn như các xét nghiệm và hạn chế di chuyển”, ông Reintjes nói.
“Khi đối mặt với một biến chủng như vậy, gần 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đơn giản là quá thấp để ngăn chặn dịch”, ông Koch nói thêm.
Điều này đủ khiến các quốc gia châu Âu khác có tỷ lệ tiêm chủng tương tự Đức phải “toát mồ hôi”. “Rõ ràng là những gì đang diễn ra ở đây có khả năng được tái hiện trên phạm vi toàn châu Âu trong những tuần tới”, ông Koch nhìn nhận.
Không có yếu tố nào góp phần làm bùng phát đợt dịch, ngoài cuộc bầu cử, là chỉ có ở Đức. Trên thực tế, số ca mắc Covid-19 đã bắt đầu tăng mạnh ở Hà Lan và Đan Mạch.
Không phải ngẫu nhiên mà Bắc Âu là khu vực bị ảnh hưởng đầu tiên. “Giống như tất cả các loại virus đường hô hấp khác, Covid-19 hoạt động theo mùa, và các nước ở phía nam lục địa như Tây Ban Nha và Italy vẫn được bảo vệ bởi nhiệt độ ôn hòa hơn”, ông Koch giải thích.
Song một làn sóng mới cũng có khả năng xảy ra ở bất kỳ khu vực nào của châu Âu. Các quốc gia không được phép hài lòng với tỷ lệ tiêm chủng 70%, mặc dù một năm trước đây, tỷ lệ này được coi là ngưỡng giúp vượt qua đại dịch.
Cuối cùng, ngoài việc đẩy mạnh tiêm chủng, các biện pháp phòng ngừa cũng nên được chú trọng. Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc tái áp đặt các hạn chế gây ảnh hưởng tới kinh tế như lệnh giới nghiêm hoặc đóng cửa các quán bar, nhà hàng.
Theo quan điểm của hai chuyên gia, các biện pháp như chiến dịch sàng lọc miễn phí quy mô lớn sẽ giúp phát hiện sớm hơn các trường hợp nhiễm virus, từ đó giúp hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Nguồn: Zing
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000