Ngày 28/11 tại Berlin của Đức, Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức (BMWi) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức tổng kết khóa đào tạo cho các nhà quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế của Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong 4 tuần tham gia khóa đào tạo, 18 học viên đến từ Việt Nam đã được bồi dưỡng về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, tham quan thực tế, gặp gỡ và thiết lập quan hệ với các đối tác trong lĩnh vực y tế và dược phẩm tại nhiều thành phố của Đức.
Phát biểu tại buổi lễ, đại diện Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang đánh giá cao quan hệ hợp tác song phương giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế nói chung và y tế nói riêng; khẳng định trong thời gian tới BMWi sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong lĩnh vực này, trong đó có việc tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý cấp cao của Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ bày tỏ cảm ơn Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức đã quan tâm thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Những năm qua, y tế là một trong những lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong hợp tác phát triển giữa hai nước.
Đức đã triển khai nhiều dự án nhằm hỗ trợ Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, trang thiết bị bệnh viện, xử lý rác thải y tế, mô hình bệnh viện từ xa (telemedizine - giảm tải bệnh nhân cho tuyến trung ương)... Qua đó, các cơ sở y tế trung ương và địa phương ở Việt Nam đã được tiếp thu được trình độ khoa học công nghệ tiên tiến của Đức trong lĩnh vực y học, chữa trị, phòng ngừa, chuẩn đoán bệnh...
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, đời sống của người dân được cải thiện, nhu cầu chăm lo, phòng ngừa, phục hồi chức năng và nâng cao sức khỏe tăng, hợp tác y tế giữa Việt Nam và Đức còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Foto: Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Minh Vũ, đại diện Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức, Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các học viên. (Ảnh: Phạm Thắng/TTXVN)
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ cũng nhấn mạnh, hai hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vừa được ký giữa Việt Nam và EU có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy hợp tác, giao lưu kinh tế-thương mại giữa hai bên thông qua việc cắt giảm thuế quan, cũng như cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia đấu thầu trong các lĩnh vực công, trong đó có lĩnh vực y tế.
Đức có nền y học tiên tiến, và là thị trường y tế lớn nhất châu Âu, với chi tiêu y tế năm 2017 đạt 374 tỷ euro.
Đức cũng chú trọng xuất khẩu trong lĩnh vực y tế và là một trong những nhà cung cấp và xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm và dịch vụ chăm sóc y tế.
Năm 2017, doanh thu của lĩnh vực công nghệ y tế của Đức đạt gần 30 tỷ euro, trong đó 64% là từ xuất khẩu; doanh thu từ xuất khẩu dược phẩm (bao gồm hàng hóa và dịch vụ) đạt 75,4 tỷ euro; đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của các công ty dược phẩm đạt tới 6,2 tỷ euro.
Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức thiết lập chương trình "Health Made in Germany," một sáng kiến nhằm thúc đẩy xuất khẩu trong ngành công nghiệp y tế của Đức thông qua việc hỗ trợ các công ty nước ngoài thiết lập quan hệ với các đối tác và nhà cung cấp của Đức trong lĩnh vực này./.
Phạm Thắng (TTXVN/Vietnam+)
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000