Ông Sigfried Kaulfuß trong đoạn phim phóng sự mà Đài truyền hình Trung Đức Mitteldeutscher Rundfunk (MDR) thực hiện. (Ảnh chụp màn hình)
Trong nhiều buổi sinh hoạt thường kỳ của Hội Đức - Việt (DVG) tại Berlin người ta hay gặp một ông già Đức nhỏ thó, tóc bạc, kính trắng. Ông tham gia khá đầy đủ các buổi gặp, hầu như ít phát biểu, chỉ lắng nghe.
Mãi tới năm 2015, trong một lần tham dự buổi sinh hoạt của DVG, tôi được xem đoạn phim phóng sự mà Đài truyền hình Trung Đức Mitteldeutscher Rundfunk (MDR) thực hiện, nói về sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam, tôi mới được biết nhiều hơn về ông. Đó cũng là lần đầu tôi nghe ông phát biểu và thực sự ấn tượng bởi những cảm xúc của ông khi nói về những kỷ niệm với Việt Nam.
Ngược dòng lịch sử…
Ông là Sigfried Kaulfuß, một trong những người Đông Đức đầu tiên đến Buôn Ma Thuột để xây dựng nông trường cà phê đầu tiên của nước Việt Nam anh em. Trong trí nhớ của người đàn ông Đức khi đó đã 86 tuổi ấy, Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột dường như vẫn còn hiện hữu với những cảm xúc khó quên. Và, câu chuyện của ông không chỉ đưa những người bạn Đức, mà cả chúng tôi trở về những ngày cách đây gần nửa thế kỷ…
Ông Kaulfuß (bên trái) và tác giả Nguyễn Hữu Tráng tại sự kiện “Kaffeefestival” ở Berlin, tháng 2/2018. (Ảnh: NHT)
Từ sâu thẳm trong trái tim
Điều đáng nói là dù Việt Nam là nước có số lượng cà phê nhập khẩu vào Đức nhiều nhất với doanh số hàng năm lên đến nửa tỷ USD, nhưng lại rất ít người biết cà phê từ Việt Nam. Các nhãn hàng cà phê Việt Nam lại càng ít có cơ hội ở Đức, có chăng chỉ ở các cửa hàng Á châu và phục vụ chủ yếu người Việt. Đó cũng là trăn trở của tôi khi sang làm công tác xúc tiến thương mại ở Berlin.
Và thế là, sau hôm được xem thước phim của MDR, tôi quyết tâm tổ chức một buổi giới thiệu về cà phê Việt tại Berlin với sự tham dự của “ông già cà phê Kaulfuß” và những người bạn đã cùng ông tìm về mảnh đất Tây Nguyên một thời gắn bó. Tại lễ hội cà phê - “Kaffeefestival” hay còn gọi là “Kaffeeverkostung” diễn ra vào tháng Hai vừa qua ở Berlin, những người bạn cũ đều xúc động khi gặp lại ông và được nghe ông kể về những ngày tháng vất vả ở Việt Nam gần nửa thế kỷ trước.
Ông chia sẻ: “Mọi người cứ quen gọi tôi là ông già cà phê và các bạn Việt Nam lần nào gặp cũng nói lời cảm ơn tôi. Nhưng thực sự chúng tôi chỉ giúp các bạn trong những ngày đầu, còn để có ngày hôm nay, khi Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê thì phải nói đó là công lao, là sự thành công của chính các bạn”.
Ông nói tiếp, “Dù tôi đã 88-89 tuổi rồi, không còn khỏe nữa, nhưng nếu tôi có thể làm gì đó để giới thiệu và quảng bá cho cà phê Việt Nam thì tôi có thể đi bất cứ đâu, kể cả sang Việt Nam một lần nữa”.
Tôi không thể hình dung được một ông già người Đức đang đứng bên cạnh tôi đây, với vóc dáng nhỏ bé nhưng giọng nói còn sang sảng và đi lại còn nhanh nhẹn, đã sắp bước sang tuổi 90. Và đặc biệt tình cảm của ông đối với đất nước và con người Việt Nam vẫn còn tươi mới và dạt dào như cái ngày ông nhận nhiệm vụ sang giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em mới bước ra khỏi chiến tranh gần nửa thế kỷ trước.
Tôi tự hỏi, nếu đó chỉ đơn thuần là công việc hay là “sứ mệnh chính trị” gì gì đi chăng nữa thì liệu nó còn tồn tại mãi với năm tháng? Không, tôi chắc chắn lý do còn nằm sâu thẳm trong trái tim của không chỉ ông Sigfried Kaulfuß, mà còn của cả những người bạn Đức nhân hậu mà tôi từng gặp.
Berlin, tháng 10/2018
Nguyễn Hữu Tráng
© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000