Một lần nữa cuộc khủng hoảng tị nạn đang đe dọa nhấn chìm châu Âu, một vài nước lâm vào tình trạng căng thẳng chính trị nội bộ. Ở thời điểm hiện nay, Đức là một ví dụ điển hình.
Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Thủ tướng Đức Angela Merkel và đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo trong liên minh cầm quyền tại nước Đức hiện đang chia rẽ về chính sách tiếp nhận người tị nạn. Thậm chí, Thủ tướng Merkel đang đánh cược sự nghiệp chính trị nếu không giải quyết được những căng thẳng này.
Tình nguyện viên chào đón người tị nạn tới nước Đức. (Ảnh: NBCnew.com)
Ngày 18/6, Đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel đã tổ chức một cuộc họp quan trọng tại Berlin và Munich để bàn về vấn đề chính sách người tị nạn. Trong đó, dư luận đặc biệt chú ý đến cuộc họp của CSU tại Munich. Kết quả là sau cuộc họp thì đảng CSU đã đồng ý cho bà Angela Merkel một thời hạn là 2 tuần để tìm kiếm được một thoả thuận với các nước khác trong liên minh châu Âu về vấn đề tiếp nhận người tị nạn.
Điều đó có nghĩa đảng CSU đã chấp nhận chờ đợi bà Merkel đến sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ diễn ra trong hai ngày 28 và 29/6 tới tại Brussels.
Thông tin này đã được bà Merkel tiếp nhận sau cuộc họp ban lãnh đạo đảng CDU tại Berlin và bà Merkel cũng thừa nhận trước báo giới rằng tình thế hiện tại đang rất khó khăn, do các sức ép đến từ cả đảng liên minh CSU lẫn từ phía các đối tác châu Âu.
Tuy nhiên, đối với bà Angela Merkel thì thời hạn 2 tuần dù sao cũng tốt hơn là việc đảng CSU ngay lập tức công khai sự phản đối và rút khỏi chính phủ Liên minh. Trước mắt, bà Merkel sẽ có 2 tuần vận động ngoại giao vô cùng gấp rút nhằm thuyết phục các đối tác trong Liên minh châu Âu đồng ý với một thoả thuận.
Ngay trong ngày 18/6, bà Merkel đã gặp tân Thủ tướng Italia Giuseppe Conte và dự kiến trong ngày hôm nay (19/6), sẽ bàn thảo với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker.
Có thể nói là mặc dù CSU đã cho bà Merkel thời hạn 2 tuần nhưng đây là một tối hậu thư vô cùng khó khăn đối với bà Merkel.
Sự phản đối nhằm vào bà Angela Merkel vì chính sách tiếp nhận tị nạn của chính phủ Đức không phải bây giờ mới có. Ngay từ cuối năm 2015, khi bà Merkel quyết định mở cửa biên giới Đức để tiếp nhận đến hàng triệu người tị nạn thì các tiếng nói chỉ trích đã rất mạnh mẽ, cả trong dư luận Đức lẫn trong nội bộ liên minh cầm quyền. Đảng CSU cũng đã phản đối bà Merkel ngay từ khi đó.
Tuy nhiên, sự phản đối này trở nên nghiêm trọng hơn trong những ngày qua vì nhiều lí do. Thứ nhất, từ phía đảng CSU thì đảng này đang ngày càng lo lắng rằng vấn đề tị nạn có thể sẽ khiến đảng này bị cử tri trừng phạt. Đầu tháng 10 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử vô cùng quan trọng ở bang Bavaria, bang giàu có nhất nước Đức và cũng là thành trì của đảng CSU.
Vì thế, đảng này đang lo ngại rằng nếu không có những thay đổi quan trọng trong chính sách tị nạn thì CSU sẽ bị đánh bại, đặc biệt xét đến thực tế là đảng cực hữu “Sự lựa chọn khác cho nước Đức – AfD” đang thăng tiến rất nhanh.
Chính sức ép bầu cử này đã khiến thủ lĩnh đảng CSU và cũng là Bộ trưởng Nội vụ Đức, ông Horst Seehofer phải tỏ thái độ cứng rắn với bà Merkel, vì đối với đảng CSU, việc mất bang Bavaria còn nghiêm trọng hơn việc không tham gia chính phủ liên minh.
Nguyên nhân thứ hai khiến vấn đề tị nạn càng trở nên cấp bách hơn hiện nay tại Đức là do dư luận Đức đã thực sự phản đối quá nhiều cách chính phủ của bà Merkel quản lý vấn đề này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy có đến hơn 3/4 người Đức phản đối chính sách tị nạn của bà Merkel.
Đặc biệt, trong thời gian qua tại Đức đã diễn ra một số vụ phạm pháp nghiêm trọng mà người tị nạn là thủ phạm, nên dư luận Đức càng thêm ác cảm với vấn đề này.
Cuối cùng, đó là biến động trên chính trường Italia gần đây khiến các đảng phái và dư luận Đức bị tác động mạnh, khi tân chính phủ Italia kiên quyết không nhận thêm người tị nạn, thậm chí còn cấm các tàu chở người tị nạn cập bến Italia. Vì thế, dư luận và chính giới Đức cho rằng nước Đức cũng phải có các chính sách cứng rắn tương tự nếu không muốn bị thua thiệt.
Tất cả những điều trên khiến cho bà Angela Merkel bị đặt trước sức ép cực lớn là phải thay đổi chính sách tị nạn nếu không muốn nước Đức và châu Âu lại rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mới.
Kịch bản nào sẽ xảy ra với chính phủ liên minh tại Đức?
Trong trường hợp bà Angela Merkel không thể tìm được một thoả thuận với các nước châu Âu trong 2 tuần tới, nhiều người băn khoăn kịch bản nào sẽ xảy ra với chính phủ liên minh tại Đức và với chính sách tị nạn của Đức và Liên minh châu Âu.
Phía đảng CSU đã tuyên bố là nếu đến sau Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu mà vẫn không có một thoả thuận toàn diện nào ở cấp độ châu Âu được đưa ra thì từ ngày 1/7, đảng này sẽ kiên quyết thực hiện chính sách của ông Seehofer, tức là trục xuất toàn bộ những người tị nạn từng đăng ký xin tị nạn ở nước khác ra khỏi biên giới Đức, cũng như đóng cửa biên giới Đức không cho người tị nạn đã nộp đơn ở các nước khác vào.
Tuy nhiên, trên lý thuyết thì bà Angela Merkel vẫn là người có quyền quyết định cao nhất về mặt chính sách, và bà Merkel cũng đã cảnh báo rằng sẽ “không có một quyết sách nào được tự động thực hiện” mà không có sự đồng ý từ bà.
Tất nhiên, khi đó thì mâu thuẫn giữa bà Merkel và ông Seehofer sẽ dẫn đến sự đổ vỡ và liên minh thân thiết giữa hai đảng CDU và CSU kéo dài từ năm 1949 đến nay sẽ đứng trước nguy cơ tan rã.
Tuy nhiên, đây là kịch bản tương đối khó xảy ra bởi việc liên minh CDU/CSU tan rã sẽ chỉ khiến cả hai đảng thiệt hại, trước hết là sẽ khiến chính phủ liên minh CDU/CSU và SPD đánh mất đa số tại Nghị viện liên bang Đức.
Các thăm dò dư luận cho thấy, trong trường hợp xảy ra sự tan vỡ của CDU/CSU và nước Đức buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm thì hai đảng này cũng sẽ chỉ giành được khoảng 30% tổng số phiếu còn đảng AfD sẽ vươn lên rất mạnh, hơn cả đảng SPD.
Vì thế, kịch bản mâu thuẫn rất đến tan rã liên minh không có lợi cho cả 3 đảng CDU, CSU lẫn SPD nên lãnh đạo các đảng này sẽ phải tìm cách thoả hiệp.
Ở cấp độ châu Âu, nếu nước Đức đơn phương thực thi các chính sách cứng rắn như ông Seehofer đe doạ thì gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một hiệu ứng domino là các nước khác cũng sẽ làm tương tự, và khi đó thì vấn đề người tị nạn sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của Liên minh châu Âu, có thể dẫn đến các thảm kịch nhân đạo cũng như các cuộc khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.
Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết của bà Merkel bây giờ là phải tìm được một thoả thuận với các thành viên khác của Liên minh châu Âu trong thời hạn 2 tuần. Đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn bởi trong suốt 3 năm qua Liên minh châu Âu vẫn bế tắc trong vấn đề này nên 2 tuần là thời gian quá ngắn để có thể có được một sự đột phá.
Quang Dũng/VOV-Paris
Theo vov
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000