Kiến trúc và thiết kế mỹ thuật

Kiến trúc và thiết kế mỹ thuậtNền kiến trúc Đức hình thành những khuynh hướng trong 30 năm đầu của thế kỷ XX. Ảnh hưởng mạnh nhất là từ Weimar và Dessau, nơi trường Bauhaus được thành lập vào những năm 1920, và phong cách mang tên Bauhaus được phát triển.


Dưới sự lãnh đạo của Walter Gropius (1883-1969) và Ludwig Mies vander Rohe (1886-1969), phong cách Bauhaus vươn ra khắp thế giới. Ngày nay, những kiệt tác của phong cách này - với sự tổng hợp kiến trúc, công nghệ và chức năng - có ở khắp nơi trên thế giới.

Kiến trúc hiện đại Đức đã phải chịu đựng rất lâu tình trạng khó khăn của đất nước sau 1945. Các thành phố và thị trấn bị tàn phá phải được xây dựng lại thật nhanh. Hàng triệu người cần có nhà ở với giá phải chăng. Chất lượng kiến trúc thường phải nhường chỗ cho sự thực dụng mà chủ yếu hướng tới tính kinh tế. Trong các công trình xây dựng, việc kiến tạo một môi trường sống và làm việc ít được để ý đến và hậu quả của việc này ngày nay vẫn thấy rõ ở nhiều nơi.

Ở phần phía Tây của nước Đức bị chia cắt, ngay vào những năm 1960 ngày càng có nhiều lời ca thán về kiến trúc đơn điệu của những thành phố vệ tinh, những khu công nghiệp và buôn bán vô hồn xung quanh các thành phố, và những công trình thiếu cân nhắc làm hỏng cả các khu nội thành. Đã có cuộc trao đổi về "sự ảm đạm" của các khu vực nội thành trong nước (Alexander Mitscherlich) trước khi việc phát triển đô thị tập trung vào bảo tồn kiến trúc và nét đặc trưng vốn có của các thành phố được ưu tiên cả về mặt chính trị và xã hội vào giữa những năm 1970.

Những sai lầm trong phát triển đô thị và kiến trúc với mức độ không kém đã xảy ra trong thời kỳ này ở Cộng hoà Dân chủ Đức cũ. Những toà nhà cổ có giá trị sống sót qua chiến tranh - phần lớn nằm ở các khu vực nội thành - đã bị san bằng. Những vật liệu xây dựng khan hiếm bị đem dùng để phát triển những toà nhà bê tông đúc sẵn ở các khu đông dân cư ven đô. Ngoài vài toà nhà được xây dựng lại (như Nhà hát Ôpera Semper ở Dresden) và một số công trình mới, các kiến trúc sư có quá ít cơ hội thực hiện thành công một phong cách kiến trúc phù hợp với thời đại. Bên cạnh việc thiếu vật liệu xây dựng cần thiết, còn thường xuyên thiểu các chuyên gia giỏi.

Những kiến trúc sư tạo phong cách thời nay. Hiện nay, nước Đức ngày càng có nhiều những ví dụ về kiến trúc hiện đại, sáng tạo, nhưng vẫn thoả mãn nhu cầu của con người. Nhiều toà nhà tuyệt vời vẫn có nguồn gốc từ phong cách và triết lý thuộc trường phái Bauhaus. Tuy nhiên, những xu hướng kiến trúc gần đây cũng đã được áp dụng trongh nhiều toà nhà, như các toà nhà công nghệ cao - trong đó, những thành phần chức năng như thang máy,cầu thang cuốn và nhưng đường cung cấp được chuyển ra bên ngoài công trình kiến trúc, chúng thường có các màu khác nhau và cùng trang trí cho công trình. Ngày nay, những kiểu trang hoàng khác như các đầu cột, gờ mái, và những vật trang hoàng kiểu nghệ thuật được dùng một cách đa dạng hơn để gây sự chú ý, thể hiện kiến trúc như một nghê thuật chứ không chỉ nhằm đấp ứng chức năng sử dụng. Sau cuộc tranh luận kéo dài nhiều năm bắt đầu nhen nhóm lên từ "Phòng trưng bày tranh tượng mới" ở Stuttgart (James Stirling, Michael Wilford, 1984), trường phái kiển trúc hiện đại này đã được khắp thế giới thừa nhận.

Đội ngũ những kiến trúc sư hàng đầu của Đức gồm:

- Gottfried Böhm, kiến trúc sư người Đức đầu tiên được nhận Giải thưởng kiến trúc Pritzker năm 1986.

- Günter Behnisch, người đã thiết kế các sân bãi và toà nhà cho Thế vận hội 1972 ở München cũng như phòng hội nghị toàn thể mới của Quốc hội Đức ở Bonn năm 1993.

- Frei Otto, nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế những mái treo linh hoạt và những toà nhà phù hợp sinh thái.

- Oswald Mathias Ungers, những toà nhà của ông thể hiện thiết kế hình học chặt chẽ.

- Josef Paul Kleihues và Hardt-Waltherr Hämer - là những giám đốc kế hoạch của Triển lãm xây dựng Quốc tế ở Berlin, họ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc tranh luận về kiến trúc mới (Kleihues), và xử lý những khối nhà ở trong các toà nhà cũ (Hämer).

- Volker Staab Georg Schäfer, đã truyền lại những khuynh hướng quan trọng trong xây dựng bảo tàng ngày nay qua các công trình Müchner Pinakothek der Moderne và Bảo tàng Georg Schäfer.

- Axel Schultes,người đã đoạt giải "Cuộc thi quốc tế về ý tưởng xây dựng đô thị Spreebogen" năm 1993 ở Berlin và là người chịu trách nhiệm (cùng với Charlortte Frank)về toà nhà mới của Phủ thủ tướng Liên bang.

- Những công trình nổi bật. Cộng hoà Liên bang Đức có một số toà nhà đẹp tiêu biểu. Các chủ thầu xây dựng nhà nước thường tổ chức những cuộc thi kiến trúc trước khi họ quyết định thực hiện mẫu thiết kế nào đó. Những "Cuộc thi ý tưởng và thực thi" như vậy là biện pháp đáng kể để khuyến khích nghệ thuật kiến trúc ở Đức.

- Ngay từ khoảng 40 năm trước, những công trình xuất sắc đã được xây dựng với điều kiện như vậy, trong đó có toà cao ốc ba phần (Toà nhà Thyssen) ở Düssendorf (Helmut Hetrich và Hubert Petschningg,1960). Một ví dụ về kiến trúc năng động và khác thường là trụ sở chính của hãng ô tô BMW ở München với dạng hình trụ đầy ấn tượng (Karl Schwanzer, 1972). Một số ví dụ khác là toà nhà Bahlsen ở Hannover với những khối vuông đan xen (Dieter Bahlo, Jörn Köhnke, Klaus Stosberg,1974).

- Những toà nhà kiểu túp lều (Gübter Behnisch, Fritz Auer, Wolfgang Büxel, Erhard Trönkner, Carlo Weber) thiết kế cho Thế vận hội München 1972 đã nổi tiếng khắp thế giới. Những công trình thể thao này nằm trong một công viên, sau Thế vận hội vẫn tiếp tục là nơi giải trí có giá trong vùng.

- Phòng Hoà nhạc tại Berlin (Hans Scharoun,1963) nổi bật với hội trường nhiều bậc kiểu vườn nho, xây bao quanh dàn nhạc. Một địa điểm tích cổ được ghép vao Nhà hát Thành phố Münster (Harald Deilmann, Max von Hausen, Ortwin Rave, Werner Ruhnau,1955). Toà nhà mới của Thư viện Thành phố ở Münster - một công trình gồm hai phần, trong đó một phần giống như con tàu biển - đã thu hút sự chú ý đáng kể đầu những năm 1990 (Julia Bolles-Wilson và Peter Willson,1993).

Những bảo tàng nổi bật được sáng tạo bởi Hans Döllgast (xây dựng lại phòng trưng bày tranh cổ ở München, 1981), Alexander Freiherr von Brânc (Phòng trưng bày tranh mới ở München,1982), Hans Hollein (Bảo tàng Abteiberg ở Mönchengladbach,1982), Peter Busman và Gotfrid Haberer(Bảo tàng Wallraf-Richartz/Bảo tàng Ludwig ở Köln,1986).

Trong những năm 1980, thành phố Frankfurt/Main đã dựng lên "cụm bảo tàng" ven bờ sông Main: Bảo tàng kiến trúc Đức (Oswald Mathias Ungers, 1984), Bảo tàng Điện ảnh Đức (Helge Bofinger,1984), Bảo tàng thủ công mỹ nghệ (Richard Meier, 1984), Bảo tàng Tiền sử và Lịch sử cổ đại (Josef Paul Kleihues,1989), Bảo tàng Do thái (Ante Josip von Kostelac, 1986), Bảo tàng Bưu điện Đức (Behnisch và các cộng sự,1990). Trung tâm văn hoá "Schim" (Dietrich Bangert, Bernd Jansen, Stefan Scholz và Axel Schultes,1985) là một điểm hấp dẫn trong trung tâm thành phố Frankfurt.

Thời vàng son trong xây dựng các Bảo tàng tiếp tục với việc hoàn thành ba công trình ở Bonn-Trung tâm Nghệ thuật Cộng hoà Liên bang Đức (Gustav Peichl,1993), Bảo tàng nghệ thuật (Axel Schultes,1993), và Bảo tàng Lịch sử (Ingeborg và Hartmut Ruediger,1994), cũng như phòng Tranh nghệ thuật Hamburg mới (Oswald Mathias Ungers, 1997).

Hiện tại, một loạt các bảo tàng đang được hoàn tất: Bảo tàng Nghệ thuật tạo hình Leipzig (Hufnagel/Puetz/Rafaelian),Bảo tàng lịch sử Đức ở Berlin (Ieoh Ming Pei), Bảo tàng Giáo khu Köln (Peter Zumthor) và Bảo tàng Wallraf-Richartz Mới ở Köln (Ungers). Daniel Libeskind đã nhận giải thưởng kiến trúc Đức năm 1999 cho thiết kế Bảo tàng Do thái ở Berlin.

Một ví dụ tuyệt vời về sự hoà hợp giữa bệnh viện và khung cảnh thiên nhiên là Bệnh viện Filderklinik ở Filderstadt gần Stuttgart (Bockmüller, Weller và các cộng sự,1975). Bệnh viện Aachen (Weber, Brand & các cộng sự, 1988) và Bệnh viện Đại học tổng hợp Nürnberg (Joedicke và những người khác,1993) là những ví dụ mẫu mực về kiến trúc công nghệ cao hiện đại.

Từ 1945, nhiều nhà thờ đã được xây dựng ở Đức. Nổi bật trong rất nhiều các công trình là Nhà thờ tưởng niệm Hoàng đế Wilhelm ở Berlin, đã từng bị phá huỷ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Egon Eiermann đã ghép những di tích cũ với công trình mới bằng thép và những tấm kính lớn (1963). Những nhà thờ đáng kể khác là Nhà thờ Hành hương đồ sộ ở Neviges (Gottfried Böhm, 1967), Nhà thờ thánh Boniface ở Dortmond (Emil Steffann, 1954), Nhà thờ Thánh Michael ở Frankfurt/Main (Rudolf Schwarz, 1954), Nhà thờ Thánh Pius ở Köln (Joachim Schuermann, 1961), Nhà thờ Chúa Giêxu ở Bochum (Dieter Oesterlen và Werner Schumann, 1959), Nhà thờ Hoà giải ở Dachau (Helmut Striffler,1969).

Khi công việc của bang và các thành phố tăng lên, nghị viện bang và các toà thị chính cũng cần nhiều phòng và các thiết bị kỹ thuật phức tạp hơn. Nhà Nghị viện bang ở Düsseldorf (Eller, Meier & Walter, 1992), Toà Thị chính ở Bensberg (Gottfried Böhm, 1964), Hội trường lớn thành phố ở Germering gần Müchen (Auer &Weber, 1993), và nhà hội nghị và âm nhạc ở Lübeck (von Gerkan, Marg & các cộng sự, 1994) mới chỉ là vài ví dụ nổi bật về sự tự tin của các cơ quan nhà nước và địa phương.

Kiến trúc ngày nay tự thể hiện sự thanh lịch trong không gian rộng rãi và ngập tràn ánh sáng. Điều đó không chỉ đúng với những toà nhà mới đầy ấn tượng trên quảng trường Potsdamer Platz ở Berlin (khu liên hợp Daimler-Chrysler của nhóm kiến trúc sư do Renzo Piano lãnh đạo, hay Trung tâm Sony do Helmut Hahn thiết kế), mà còn đúng với nhiều công trình chuyên dụng mới được xây dựng gần đây nhất như Trung tâm Photonik ở Berlin-Adlershof(Sauerbruch & Hutton), toà nhà "Cổng thành" ở Düsseldorf (Petzinka, Pink và cộng sự), Nhà mỹ thuật ở Halle (Braun, Koehler & Schlockermann), Khu bể bơi ở Leipzig-Grünau (Behnisch và cộng sự), Nhà cao tầng RWE ở Essen (Ingenhoven) và Toà án Lao động Liên bang ở Erfurt (Weinmiller & Grossmann). Hackeschen Hoefe ở Berlin (Faust & Weiss) là một ví dụ nổi bật về sự tu bổ thành công các công trình cũ.

Mặc dù nhà nước và các công ty tư nhân đã gánh vác những nhiệm vụ xây dựng rất đa dạng và bộn bề, nhưng việc xây dựng nhà ở - chiếm hơn 50% khối lượng xây dựng - vẫn còn là thách thức lớn nhất trong tương lai.

Thiết kế. Ngành thiết kế ở Đức đã có truyền thống từ lâu. Đầu thể kỷ XX, Peter Behrens(1868-1940) đã thiết kế những sản phẩm, áp phích và những toà nhà cho công ty điện AEG. Năm 1907, Liên đoàn Lao Động Đức được thành lập với mục tiêu thúc đẩy việc "hoàn thiện lao động thủ công nghiệp bằng cách kết hợp mỹ thuật, công nghiệp và thủ công". Trường Bauhaus, do Walter Gropius (1883-1969) thành lập năm 1919, tồn tại đến năm 1933, đã nổi tiếng khắp thế giới Tương tự, Trường đại học thiết kế Ulmdo Inge Aicher-Scholl (1917-1998), Otl Aicher (1922-1991), Max Bill (1908-1994) thành lập năm 1953 cũng rất nổi tiếng. Tuy lúc khởi đầu, trường đi theo bước chân của Bauhaus, nhưng chẳng bao lâu sau đã theo đuổi những quan niệm của riêng mình và lập nên những tiêu chuẩn thiết kế được quốc tế thừa nhận trong suốt 15 năm tồn tại. Trường có ảnh hưởng lớn đến nhiều nhà thiết kế. Ví dụ, Otl Aicher đã thiết kế mẫu cho công ty Laufthansa Đức, cho đài truyền hình ZDF, và Thế vận hội 1972 ở Müchen. Alexander Neumeister đã thiết kế tàu hoả Intercity-Express (ICE) và tàu siêu tốc đệm từ. Hans Gugelot (1920-1965) đã thiết kế đường sắt trên cao Hamburg (cùng với Herbert Lindiger) cũng như các máy quay đĩa và dao cạo điện cho hãng Braun.

Trong nhiều năm, cái tên "Braun" - đặc biệt là ở nước ngoài - luôn gắn liền với "thiết kế Đức ", nổi bật bởi sự kết hợp chức năng với sự phức tạp và công nghệ. Thiết kế của Braun chủ yếu do Dieter Rams tạo nên. Các hãng Đức khác cũng đã và đang tạo ra những kiểu dáng sản phẩm riêng, như hãng sản xuất đồ gỗ Wilkhahn ở Bad Münder và Vitra ở Weil/Rhein, hãng Lamy với các sản phẩm viết và Erco với các loại đèn. Ngoài ra, những thành viên nổi bật trong làng thiết kế Đức có Hartmut Eslinger, Erik Spiekermann và Kurt Weidemann.

Trong thời đại thông tin, vai trò của thiết kế trong việc sáng tạo phương tiện truyền thông mới càng quan trọng hơn. Ngoài việc định dạng thẩm mỹ cho việc giải mã các thông tin phức hợp, thiết kế còn đóng vai trò trung gian quan trọng giữa sự tiến bộ trong công nghệ thông tin với sự phát triển văn hoá, xã hội.

Hội đồng thiết kế Đức tư vấn và cung cấp các thông tin về thiết kế cho các nghành thương mại và công nghiệp, các cơ quan văn hoá và công chúng. Một trong những trọng tâm hoạt động của Hội đồng là giới thiệu thiết kế mẫu Đức ra nước ngoài. Thừa lệnh bộ trưởng Công nghiệp và thương mại, hội đồng trao tặng "Giải thưởng Liên bang về thiết kế sản phẩm" và "Giải thưởng Liên bang về khuyến khích thiết kế"trong các năm đan xen nhau.

Ngoài hội đồng thiết kế Đức, ở các bang của Đức còn nhiều cơ quan thiết kế khác. Trong số những cơ quan quan trọng nhất có Trung tâm thiết kế Quốc tế ở Berlin, Trung tâm thiết kế ở Stuttgart, Trung tâm thiết kế Nordrhein-Westfalen ở Essen. Nhiều cuộc triển lãm những sản phẩm thiết kế xưa và nay được tổ chức tại "Sưu tập mới" ở München, "Bảo tàng mới về mỹ thuật và thiết kế" ở Nürnberg, Nhà "Lưu trữ Bauhaus" ở Berlin, Bảo tàng "Vitra Design" ở Weil/Rhein và Bảo tàng mỹ thuật và thủ công ở Hamburg.

Sự quan tâm của các nhà thiết kế đối với chính trị và công chúng được thể hiện qua Diễn đàn thiết kế Đức. Diễn đàn cũng lập nên Tiểu ban thiết kế trong Hội đồng nghệ thuật Đức - tổ chức đứng đầu các hội nghệ thuật Liên bang.


Theo ACH-Magazin


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000