Xử lý lái xe uống rượu bia: Đức phạt tù hoặc cấm lái xe vĩnh viễn

Từ lâu, các quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn và xử lý hành vi sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông.

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật, phần lớn các nước đều coi việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia quá mức cho phép là một loại tội phạm với những chế tài xử phạt nghiêm khắc.

Chùm bài “Xử lý lái xe uống rượu bia” sẽ tổng hợp kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong vấn đề này.

Với nồng độ cồn trong máu từ 1,1 mg (phần nghìn) trở lên, người lái xe ở Đức bị xem là tội phạm hình sự và phải đối mặt với án tù, hoặc mức phạt tiền rất nặng. Nếu tái phạm, người đó có thể bị cấm lái xe vĩnh viễn.

Theo thống kê mới nhất công bố năm 2019, hằng năm mỗi người dân Đức, tính mọi độ tuổi, tiêu thụ trung bình khoảng 13 lít cồn, đưa nước này vào nhóm những quốc gia tiêu thụ bia rượu hàng đầu thế giới.

Đặc biệt với bia, thứ đồ uống đã trở thành thương hiệu của người Đức, mỗi người tại đây tiêu thụ lên tới gần 100 lít một năm.

Tiêu thụ lượng rượu bia khổng lồ như vậy, nhưng nhìn chung, đa số người Đức đều chấp hành tốt các quy định liên quan đến nồng độ cồn khi lái xe, bởi pháp luật Đức rất nghiêm khắc đối với những người vi phạm trong lĩnh vực này.

Nếu nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05mg, người lái xe sẽ bị phạt từ 500 đến 1.500 euro, bị cấm lái xe trong vòng từ 1 đến 3 tháng, bị trừ 2 điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe. Một người nếu bị trừ đến 8 điểm thì sẽ bị tịch thu bằng lái và phải học, thi lại.

1 1 Xu Ly Lai Xe Uong Ruou Bia Duc Phat Tu Hoac Cam Lai Xe Vinh Vien

Cảnh sát Đức kiểm tra nồng độ cồn của tài xế tại Luneburg. Ở Đức, hàng ngàn người chết vì tai nạn liên quan đến tài xế say rượu mỗi năm. Ảnh: Internet

Mức độ nghiêm khắc của hình phạt liên quan đến vi phạm nồng độ cồn khi lái xe sẽ tăng dần cùng với số lần vi phạm, có thể bị bắt giam và trong trường hợp nghiêm trọng nhất, người lái xe sẽ bị phạt tù và cấm lái xe suốt đời. Tất nhiên, nếu một người đã bị cấm lái xe ở Đức thì người đó cũng không thể lái xe ở các nước khác thuộc khu vực tự do đi lại Schengen.

Đối với những người mới có giấy phép lái xe, trong thời gian thử thách 2 năm sau khi vượt qua kỳ thi sát hạch, luật quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu bia trong khi lái xe. Nếu vi phạm dưới 0,05 mg sẽ bị phạt ít nhất 250 euro và thời gian thử thách sẽ bị kéo dài hoặc phải học lại.

Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Detatis) cho thấy, có 4,4% số vụ tai nạn giao thông ở Đức có liên quan đến rượu bia. Nhưng đáng ngại hơn, rượu bia dẫn đến 7,3% số người chết vì tai nạn giao thông.

Hai phần ba số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia xảy ra ở khu vực nội đô, gần một phần ba xảy ra ở các đường liên vùng và chỉ một tỷ lệ nhỏ xảy ra trên các đường cao tốc liên bang – nơi phần lớn không hạn chế tốc độ. Tính trung bình, có 17 người chết và 340 người bị thương nặng do liên quan đến rượu bia trong 1.000 vụ tai nạn giao thông xảy ra ở Đức.

Ở Đức, uống rượu bia hay không là quyền và sở thích riêng của mỗi người, những người khác không có thói quen can thiệp, tức không tồn tại thứ “văn hóa ép nhậu” như vẫn xuất hiện ở Việt Nam.

Đi dự tiệc hay tiếp khách, một người có thể chọn đồ uống là nước ép trái cây, nước suối hoặc bia không cồn – điều này không ảnh hưởng đến ý nghĩa thực sự của cuộc vui.

Hệ thống giao thông công cộng rất phát triển ở Đức cũng giúp mọi người yên tâm trở về nhà một khi đã uống rượu bia, tránh được việc phải vi phạm pháp luật.

Hoặc mọi người sẽ chủ động sử dụng tàu điện hay xe bus khi đi uống rượu bia, hoặc có thể để xe ô tô lại và trở về nhà bằng phương tiện công cộng, hôm sau quay lại lấy xe, cùng lắm thì bị phạt tiền vì đỗ xe quá giờ quy định. Phương tiện công cộng là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều người vì tính tiện lợi và tiết kiệm, song cũng không thể thay thế hoàn toàn xe ô tô, vì những nhu cầu và mục đích sử dụng riêng, như đi mua sắm, du lịch, thăm gia đình, bạn bè…

Một người nếu không được phép lái xe thì cũng giống như bị… trói chân, tương tự việc ở Việt Nam mà không có xe máy. Chính vì điều đó mà người Đức rất coi trọng giấy phép lái xe.

Nếu bị bắt khi lái xe với nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép, người lái phải chịu rất nhiều hệ lụy, từ việc bị cấm lái xe, trừ điểm trên hệ thống quản lý giấy phép lái xe, đến việc phải gánh những chi phí như tiền phạt, tiền thuê luật sư bào chữa, tiền phí tòa án, tiền học và thi lại, thậm chí cả tiền thuê lái xe trong thời gian bị cấm…

Cũng vì pháp luật nghiêm khắc và ý thức chấp hành tốt mà nhìn chung, tình trạng vi phạm quy định về nồng độ cồn trong khi lái xe ở Đức khá thấp. Nhưng hậu quả do bia rượu để lại với người tham gia giao thông vẫn quá lớn, buộc nước Đức phải tính đến nhiều biện pháp như siết chặt hơn nữa các quy định của pháp luật, cũng như hạn chế quảng cáo bia rượu trên các phương tiện thông tin, hạn chế uống bia rượu ở nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông.

Pháp luật nghiêm khắc là vậy, tuy nhiên, cơ quan chức năng không thể tịch thu xe của người lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, kể cả trong trường hợp người đó gây tai nạn, bởi việc đó được xem là vi hiến, vi phạm điều 14 Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức (Luật Cơ bản) về quyền sở hữu và quyền thừa kế tài sản của công dân.

Ngoài ra, để giúp người dân có đầy đủ thông tin, cơ quan quản lý còn cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến, mỗi người căn cứ vào thể hình và cân nặng, có thể tính toán được lượng đồ uống có cồn để khi uống vào không bị vượt ngưỡng cho phép, cũng như biết rõ mức phạt đối với từng mức độ vi phạm, và thời gian cần nghỉ ngơi để nồng độ cồn trong máu trở lại mức cho phép…

Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức

Nguồn: TTXVN

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000