Bản lĩnh du học

Bản lĩnh du học"Lúc mới qua mình hơi thất vọng, chỗ ở thấy phát ghê, phương tiện di chuyển không có... Mình tưởng sẽ bỏ cuộc", một du học sinh buồn bã tâm sự trong email gửi về cho bạn bè ở VN.

Hoang mang, chán nản, mệt mỏi... đó là tâm trạng chung của những du học sinh khi tiếp cận với môi trường sống mới ở nước ngoài. Dưới đây là những trở ngại khó tránh khỏi của bất kì du học sinh nào, những yếu tố có thể ảnh hưởng đến quyết định ở lại "tiếp tục chiến đấu" hay "rút binh" về nhà.

Ngoại ngữ

Mấy năm kiên trì "luyện chưởng" trước khi lên đường sang London, vốn tiếng Anh của Vân Khanh (sinh viên Trường Cao đẳng Hammersmith & West London) cũng khá khá, gọi là đủ "dằn túi". Thế nhưng mới đặt chân sang nước Anh cô nàng đã rơi vào trạng thái dở khóc, dở cười. Người ta nói thì mình hiểu bập bõm, đến phiên mình nói thì không ai hiểu gì cả và nghe đài lại càng là vấn nạn. Càng cố càng rơi vào ma trận ngôn ngữ, Vân Khanh mới nghiệm ra một điều, sinh viên Việt Nam thường gặp trở ngại lớn trong cách phát âm. Khi tiếp xúc nói chuyện với người nước ngoài sang Việt Nam, Vân Khanh cảm thấy dễ hơn chẳng qua là yếu tố tâm lý. Người nước ngoài sang Việt Nam, họ cần chúng ta hiểu họ nên họ có gắng nói chậm và phát âm rõ ràng, không nói tắt, không nuốt chữ và cũng chịu khó lắng nghe khi tiếp chuyện với người Việt Nam. Nhưng ở ngay tại đất nước của họ, hiếm ai có đủ thời gian và kiên nhẫn để nghe "tiếng Anh kiểu Việt hóa" của dân mình, vừa phát âm sai âm cuối, vừa sai trọng âm. Bởi thế, phải thay đổi từ gốc đến ngọn, nghĩa là học lại cách phát âm, nghe đài, xem TV thật nhiều để bắt chước giọng chuẩn của người bản xứ, có như thế bạn mới tiếp thu được bài ở trường và sống được ở xứ người.

Hòa nhập

Thanh niên ở các nước phương Tây lớn lên đã được giáo dục về tính tự lập còn dân Việt Nam ta đa số ỷ lại gia đình nên phần tự lập thua xa. Ngoài ra, dân ta có tính thích đoàn hội, đi đâu cũng phải có bạn bè, bầu bạn. Sang nước người, thiếu thốn tình cảm gia đình nên rất thích kết bạn với người đồng hương để mong tìm được tiếng nói chung. Nhưng đây chính là mấu chốt.

Nhật Huy sinh viên ĐH Kỹ thuật Queensland (Australia), nơi có đông học sinh châu Á theo học, đã thẳng thắn nói: "Phần đông sinh viên Việt Nam sang đây, thiếu hẳn sự trải nghiệm thực tế do bản tính rụt rè, ít tiếp xúc với người bản xứ. Vì ngại giao tiếp, ngại khác biệt về văn hóa nên chỉ co cụm trong nhóm những người đồng hương. Nhưng thực tế, các bạn phải hiểu mình sang đây để học tập chứ không phải để tìm bạn đồng hương". Huy kể, ngay từ ban đầu, khi quyết định chọn trường học ở Australia, Huy đã cố tình tìm một trường quốc tế có ít sinh viên Việt Nam nhất và đăng kí thuê nhà chung với các bạn sinh viên quốc tế khác đến từ các nước khác để có cơ hội giao lưu tìm hiểu văn hóa và học cách sống chung.

Câu "học thầy không tày học bạn" hoàn toàn đúng trong những trường hợp này. Xuân Trúc sinh viên trường British Columbia Institute of technocogy kể: "Mới đầu thì cảm thấy lạ, nhưng sau thấy cũng vui và hào hứng tham gia cùng các bạn. Nào học nhảy, học đi thư viện, đi bar, shopping... và cảm nhận được nhiều điều mới mẻ". Đó cũng là cách tự học tính độc lập, tự chủ, năng động và nhất là bớt mặc cảm về sắc tộc... Nhiều du học sinh cũng đã chọn cách bắt đầu như Huy. Họ tâm niệm: "Bất kể đến quốc gia nào và học ở đâu, chỉ cần bản thân mình biết tự mở cửa là có cơ hội học hỏi thêm và trưởng thành nhanh hơn".

Làm thêm

Vượt qua được rào cản về ngôn ngữ rồi không có nghĩa là bạn cầm được chiếc chìa khóa mở cánh cửa vào giảng đường quốc tế. Không thể chỉ ăn rồi ngồi "luyện kinh" được, miệng ăn núi cũng lở mà, ngoài tiền học phí lại còn tiền thuê nhà, tiền chi tiêu hằng ngày... Hàng trăm thứ chi phí "đổ lên đầu" sinh viên xa nhà. Chỉ có một số ít sống hoàn toàn bằng tiền của gia đình gửi sang, còn lại đa phần đều lao vào kiếm việc làm thêm. Mục đích chính là để cải thiện chất lượng cuộc sống, kiếm chút kinh phí trang trải cho việc học hành đồng thời tranh thủ học kinh nghiệm làm việc, giao tiếp với người bản xứ. Nhưng mọi việc đâu có đơn giản như thế. Ở bất kì nước nào cũng có luật lao động, và du học sinh chỉ được phép làm việc một số giờ nhất định trong tuần, ví dụ du học sinh ở Anh được phép làm việc 20 tiếng/tuần, ở Nhật là 28 tiếng/tuần...

Không những quỹ đi làm hạn chế mà du học sinh cũng có ít cơ hội lựa chọn việc làm. Thông thường việc làm cho du học sinh Việt Nam chỉ quanh quẩn trong giới hạn lao động phổ thông như nhân viên phục vụ nhà hàng, thu ngân, bán hàng trong các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, làm việc trong các khu vui chơi giải trí. Những sinh viên nào có vốn tiếng Anh kha khá một chút, dạn dĩ và đã ở bên đó lâu thì có cơ hội kiếm việc làm bán thời gian cao cấp hơn một chút như dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, làm thêm tại các văn phòng luật sư, môi giới nhà đất... Bạn cũng cần biết rằng có một số trường quy định nếu bạn đã nhận được học bổng của họ thì trên nguyên tắc, bạn không được đi làm thêm. Họ cho rằng số tiền học bổng đã được tính toán đủ để đảm bảo cho du học sinh sống thoải mái và chuyên tâm vào học tập.

Trong trường hợp này, nếu nhà trường phát hiện ra bạn đi làm thêm thì có thể bạn sẽ bị trục xuất về nước hoặc nhẹ hơn là bị phạt cảnh cáo hoặc mất học bổng, tùy theo mức độ vi phạm. Mỹ An, sinh viên đồ họa đang theo học tại học viện Academy of Learning ở trung tâm thành phố Edmonton, Canada kể, lúc mới qua cô nhận làm thêm cùng một lúc 2 chỗ, suốt ngày bù đầu với bài vở cộng thêm thời gian đi làm chiếm quá nhiều khiến cô thường xuyên rơi vào tình trạng khủng hoảng. Được một thời gian, Mỹ An quen dần với cuộc sống mới và bắt đầu lập lại kế hoạch chi tiêu, lúc này cô mới nhận thấy mức sống ở Canada tuy có cao nhưng chi phí sinh hoạt không đến nỗi đắt đỏ, cô quyết định bỏ bớt một việc và dành thời gian đó cho việc học.

Thực tập

Hầu hết các trường học ở các quốc gia tiên tiến đều giới thiệu kế hoạch bố trí, giới thiệu cho sinh viên của mình đi thực tập để giúp họ thu lượm thêm kinh nghiệm liên quan đến chuyên môn đang theo học và những dự định công việc sau này. Nhiều trường đại học xây dựng nội dung thực tập thành một phần trong chương trình học, có khi chiếm gần cả một học kì. Nếu được công ty trả tiền bồi dưỡng thì sinh viên phải xin phép "được tham gia vào các hoạt động khác" ngoài hoạt động qui định trong visa. Thời gian thực tập rất quan trọng, vì vậy cần liên hệ trực tiếp với trường bạn dự định theo học để hỏi thêm về chế độ thực tập và chuyển đổi kinh nghiệm thực tập thành tín chỉ như thế nào.

Ngoài ra cần tham khảo ý kiến của những người đi trước, tự tìm các cơ hội thực tập tại các công ty đóng trên nước sở tại. Hãy mạnh dạn gởi thư đề nghị xin được thực tập. Nói tóm lại, có vô số điểm yếu cũng như các chướng ngại vật mà sinh viên Việt Nam phải tự mình vượt qua, trước hết để chiến thắng bản thân, sau là hoàn thành mục đích thu lượm kiến thức.

Theo Tư Vấn Tiêu Dùng


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC