Lúc còn ở Việt Nam, tôi có niềm tin sắc đá là tiếng Anh của tôi rất ngon lành. Tôi rất tự hào vì là dân tỉnh lẻ, không tốn một đồng luyện thi nhưng vẫn được IELTS 7.5. Nhưng sau một tháng du học ở châu Âu, tôi mới tẽn tò nhận ra, tôi nói tiếng Anh rất tệ.
Lúc đầu, tôi thích nói tiếng Anh nhanh, vậy cho có phong thái của người giỏi tiếng Anh. Nhưng sau một tháng, tôi cay đắng thừa nhận, chỉ có bạn Scotland là hiểu tôi nói gì. Còn các bạn Đức, Pháp, Thụy Điển... thì chỉ gật đầu giả bộ hiểu!
Khi đã thân hơn, bạn người Italy mới tiết lộ: “Mỗi lần mày nói, tụi tao gật đầu lia lịa vậy thôi. Thiệt ra, tụi tao hổng có hiểu gì hết. Mày phát âm lạ quá hà. Tụi tao sợ mày giận nên hổng dám nói”.
Cả ngày hôm đó, tôi bàng hoàng nhận ra nhiều điều. Bạn Scotland từng qua Việt Nam 6 tháng nên đã quen với tiếng Anh kiểu Việt Nam. Đối với các bạn khác, tôi nói tiếng Anh như nói ngọng.
Nỗi buồn của người thi IELTS 7.5, Speaking 7.0 chưa dừng lại ở đây mà thậm chí trở nên trầm trọng hơn khi tôi gặp các bạn Phillipines. Niềm vui nho nhỏ của hội Phillipines này là nhái giọng Việt Nam. Tới lúc xách cặp đi học nước ngoài tôi mới thấm thía câu "Chửi cha không bằng pha tiếng".
Thay vì lên Facebook than vãn, tôi quyết tâm cải thiện phát âm tiếng Anh. Tôi le te ra chợ mua cuốn sổ thật đẹp, đặt tên nó là “Những câu chuyện rùng rợn về lỗi phát âm của một người Việt”, tên ngắn gọn là “Ta nói Tây không hiểu”.
Chuyện số 1: Thầy hướng dẫn và tôi thảo luận cách bố trí thí nghiệm. Nhưng tôi nói mãi chữ “food” mà thầy không hiểu tôi nói cái chi. Tối hôm đó, tôi lủi thủi lên youtube coi người bản xứ nói chữ “food” thế nào.
Sau 30 phút vật vã, tôi mới bần thần phát hiện, hơn 10 năm nay, tôi toàn phát âm bậy chữ “food”. Nói chữ “food”, phải nói âm “u dài” mới đúng. Trong khi đó, tôi lại quen miệng nói thành “u ngắn”, như chữ “u” trong tiếng Việt. Đau lòng thay.
Chuyện số 2: Gần hết giờ học, nhưng tôi hậu đậu làm mất sheet trong Excel. Hết cả hồn, tôi mới nói với cô giáo “I can’t find my sheet”. Cô giáo sững sờ nhìn, tôi càng run hơn. Hít một hơi tôi mới lắp bắp “Can you help me find my sheet”.
30 giây im lặng trôi qua, không ai nói gì. Giây 31, cả lớp cười ầm lên. Nhờ công các bạn, tôi đau khổ nhận ra, tôi đã nói bậy chữ “sheet” thành “shit”! Sheet và Shit, quê độ thay. Những chuyện rùng rợn về lỗi phát âm vẫn còn nhiều, nhưng tôi chỉ kể 2 chuyện làm tôi xấu hổ nhất.
Nhưng thật may mắn, sau một học kỳ vật vã chỉnh phát âm, tôi đã tiến bộ. Với những người mới gặp lần đầu, tôi kể chuyện cười thì ai cũng hiểu rồi cùng pha trò theo. Điều này chứng tỏ tôi đã phát âm chính xác hơn, người ta nghe là hiểu liền.
Sau một năm dùng tiếng Anh với Tây, châu Á, châu Phi, tôi kết luận thế này. Học tiếng Anh thì phải học phát âm (pronunciation) cho thật chính xác. Bạn nào giỏi thì luyện thêm cái intonation, nói tiếng Anh trầm bổng, nói thành American accent, British accent. Còn không, mình học phát âm cho thiệt đàng hoàng, nói chữ nào rõ chữ nấy. Được như vậy, các bạn Phillipines cũng hết cớ mà chọc International accent của mình.
Đều là người học tiếng Anh, nhưng các bạn Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, nói tiếng Anh rất tốt. Từ năm 3 tuổi, các bạn đã xem các kênh truyền hình tiếng Anh, làm quen với phát âm của người bản xứ. Nên lớn lên, các bạn ấy giao tiếp rất giỏi.
Nhưng bù lại, nhiều bạn viết tiếng Anh khá là thấy ghê. Mỗi lần đọc mail của 2 bạn học Thụy Điển là tôi cười hí hí. Chính tả với văn phạm thua xa Việt Nam mình. Như nhiều người Việt Nam khác, tôi văn phạm cứng, viết email tài tình, nhưng nói thì không ai hiểu.
Bởi vì tôi chỉ cắm đầu học mặt chữ mà không học phiên âm, tự tiện phát âm nghêu ngao, nói cho nhanh, nói ào ào rồi tự phong mình giỏi tiếng Anh. Nói tiếng Anh nhanh mà phát âm lạ đời thì không có ai nể hết trội. Vì có ai hiểu được gì đâu.
Tương tự, mỗi lần các bạn Ấn và châu Phi thuyết trình là cả lớp chỉ biết le lưỡi. Các bạn ấy đã quen sử dụng tiếng Anh từ nhỏ nên có khả năng nói nhanh mà không cà lăm. Tuy nhiên, cách phát âm lại nặng tính bản địa. Thành ra, các bạn ấy cứ ung dung chém tiếng Anh phần phật, còn chúng tôi thì cố căng não ra mà đoán.
Tổng kết lại, học tiếng Anh thì phải học phát âm. Học càng sớm càng tốt bởi vì càng lớn thì càng khó chỉnh. Ai không muốn vô trung tâm thì cứ mở youtube lên mà học. Có nhiều kênh hay như Coach Shane, Rachel’s English, tha hồ mà học miễn phí. Nếu bạn còn lười biếng, hãy gõ thử “vietnamese accent in english” trên youtube, coi người bản xứ họ nhái giọng người Việt Nam nói tiếng Anh. Coi để thấy quê, thấy mắc cỡ mà có động lực học.
Nguồn: vnexpress
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...