Du học Nhật Bản: Một con đường – Hai số phận”; “Du học Nhật Bản: Chi phí thấp, cam kết có việc làm”; “Du học Hàn Quốc: Hành trình đầy kỳ vọng”; “Muốn vừa học vừa thu nhập 50 triệu đồng, hãy chọn du học Hàn Quốc”; “Đài Loan sẽ đưa bạn đến với giấc mơ du học”… Đó là những lời có cánh mà các trung tâm du học đang chào mời người trẻ.
Trào lưu du học “vừa học vừa làm”
Trong vai người muốn đi du học, chúng tôi liên hệ một vài trung tâm tại Hà Nội và TPHCM có dịch vụ du học ở một số nước châu Á như G.E, T.E, A.E… Giá các trung tâm đưa ra cho dịch vụ du học tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan tầm 250 – 350 triệu đồng, với các khoản phí như: Hoàn thiện hồ sơ 12-17 triệu đồng; visa 1,5 – 2 triệu đồng/lần; kiểm tra hồ sơ 2 – 5 triệu đồng; dịch tài liệu 3-5 triệu đồng; công chứng tài liệu 2 – 3 triệu đồng; Topj và Nattest (thi sát hạch lấy bằng học tiếng nước sở tại) 400.000 – 700.000 đồng; gửi tài liệu đi nước ngoài 1,5 – 2 triệu đồng; chứng thực bằng cấp 2 – 3 triệu đồng; phí cảm ơn và dịch vụ 31 – 63 triệu đồng; đào tạo ngôn ngữ và ăn ở tại trung tâm 10 – 15 triệu đồng/tháng (tùy ngôn ngữ); học phí dự bị 1 năm đầu tại nước ngoài 90 – 150 triệu đồng/năm (tùy trường)…
Trước đây, nói đến du học, người ta sẽ nghĩ ngay đến con em của các gia đình khá giả, còn không thì cũng phải là những đối tượng học rất “cừ” mới xin được học bổng du học. Hiện quan điểm ấy đã không còn đúng, bởi vài năm qua, trào lưu du học lại được hình thành từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những bạn trẻ học làng nhàng, đi du học để có cơ hội đi làm. Trào lưu này chỉ mới rộ lên chừng 5 năm qua và len lỏi khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn. Người ta đua nhau “chạy” cho con đi du học. Vừa học xong lớp 12 và chuẩn bị thi đại học, Lưu Hoa Thương (ngụ quận Đồ Sơn, Hải Phòng) được một trung tâm tư vấn mời tới dự hội thảo về du học tại Nhật Bản. Họ vẽ ra một tương lai không cần giỏi, không cần giàu, vẫn có thể có tấm bằng trong mơ và mức thu nhập 22 – 45 triệu đồng/tháng từ làm thêm để lo chi phí ăn ở, học phí và trả nợ. Hoa Thương một hai bỏ thi đại học và đòi gia đình cho đi du học. Gia cảnh 1 mẹ 1 con, tài sản duy nhất là căn nhà cấp 4, nhưng vì chiều con, lại tin “bánh vẽ” do trung tâm tư vấn du học vẽ, bà Hiền (mẹ Thương) thế chấp nhà, vay mượn khắp nơi để có hơn 300 triệu đồng lo cho con đi du học, với hy vọng sang đó Thương sẽ gửi tiền về để bà trả nợ dần. Chỉ riêng khu phố nghèo ấy, đi cùng đợt với Thương có tới 8 nam thanh nữ tú, tuổi chỉ 18 – 20, mang theo khát vọng của những ông cha, bà mẹ quanh năm buôn gánh bán bưng, làm thuê làm mướn.
Nhìn bạn bè lần lượt đi du học, Mai Quốc Vũ (quê Quảng Nam) cũng nhấp nhổm không yên. Tốt nghiệp chuyên ngành quay phim ở một trường cao đẳng tại TPHCM, Vũ không đi làm mà xin gia đình cho đi du học tại Hàn Quốc để có bằng quốc tế và kiếm một khoản vốn sau này về làm ăn. Theo tư vấn của trung tâm, gia đình Vũ đã vay mượn 350 triệu đồng để Vũ sang Hàn Quốc học, với mong muốn sau 4 năm Vũ sẽ có trong tay tấm bằng đại học, trả hết nợ và có khoảng 400 triệu đồng thu nhập từ khoản làm thêm để làm vốn.
Không như mơ
Theo quy định, du học sinh chỉ được làm việc 20 – 28 giờ/tuần (tùy nước) và các ngày lễ, trong khi visa (du học) có hạn, khoảng 2 năm học tiếng, nếu vào được cao đẳng hoặc đại học sẽ được gia hạn, còn không thì phải về nước. Nhưng vì chi phí đắt đỏ, để vừa có tiền sinh hoạt, vừa có tiền gửi về trả nợ, hầu hết các du học sinh đều nghỉ học để đi làm với thời gian vượt mức cho phép với thù lao khá thấp, lại có nguy cơ phải về nước trước khi trả hết nợ. Thực trạng là vậy, nhưng mấy người dám nói lên sự thật cho người thân mình biết, bởi phía sau là vô số gánh nặng mà các bạn phải chịu trách nhiệm.
Sau 8 tháng sang Nhật Bản, Hoa Thương tâm sự: “Chúng tôi phải gồng lên để tồn tại. Du học sinh sang đây chủ yếu làm việc vào ban đêm, bắt đầu từ 20 giờ hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau, bởi vậy mà suốt thời gian lên lớp học tiếng, có đến 2/3 số học sinh ngủ gục trong lớp, phần còn lại thì học một cách miễn cưỡng, vật vờ, cố được vài tháng đành bỏ ngang. Cơ cực là vậy, nhưng chúng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng, vì lỡ là niềm hy vọng của cả gia đình, lỡ gánh trên vai vài trăm triệu đồng tiền vay mượn để đi du học”.
Chẳng sai khi nhiều người cho rằng, du học kiểu này cũng chỉ là một dạng xuất khẩu lao động giá cao mà thu nhập thấp, bởi đa phần các em bỏ học để đi làm. Cũng không trách được, bởi gánh nặng tài chính nơi quê nhà, bởi cơm áo gạo tiền nơi xứ người và khi liên tục làm việc vào ban đêm thì không thể nào trụ lâu được. “Nhiều bạn không đủ sức khỏe, xỉu lên xỉu xuống, rồi bị công ty cho nghỉ. Lúc này trung tâm coi như hết trách nhiệm. Không ít trường hợp vào siêu thị trộm đồ. Siêu thị ở đây chủ yếu để mọi người tự giác, người ta quan sát bằng camera thôi, du học sinh mình tưởng dễ nên lấy được lần một thì có lần 2. Vài lần như vậy là người ta bắt rồi cho về nước. Coi như mất cả chì lẫn chài, lại mang tiếng”, Đặng Kim Hiền – du học sinh Nhật Bản, cho biết.
Trong số 8 bạn trẻ đi cùng đợt với Hoa Thương, hiện chỉ 1 bạn còn đi học vì kinh tế ở quê nhà không đến nỗi nào, 5 bạn đã nghỉ học để tập trung đi làm thêm, còn 2 bạn bị trục xuất về nước vì trộm đồ trong siêu thị. Trong khi đó, Vũ cùng nhóm du học sinh sang Hàn Quốc cũng đã nghỉ học để đi làm kiếm tiền trả nợ. Nhìn hạn visa học tiếng chỉ còn vài tháng nữa là phải về nước vì không thể vào cao đẳng hay đại học như dự kiến, Vũ rất lo lắng: "Thà cứ học hành đàng hoàng trong nước, sau này còn có cái nghề mà sống, chứ như tôi, hiện ở thì lay lắt, về thì không xong bởi nợ nần. Với lại, bao nhiêu kiến thức khi đi học giờ chẳng còn, về với bàn tay trắng, không công việc, không vốn liếng thì cuộc sống sẽ ra sao".
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...