Có điều kiện cho con đi du học để được tiếp cận với khoa học, kỹ thuật hiện đại, được hưởng một nền giáo dục tiên tiến, được mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, “để biết người biết ta” là mong ước chính đáng của nhiều bậc cha mẹ.
Thế nhưng, không phải ai cũng có thể tự hào về con em mình...
Chị Phạm Thị Hiền làm việc ở Fafilm Quân đội, có con trai duy nhất đang học ở CHLB Đức, khoe: "Sang năm thứ hai cháu đã đi làm thêm, mỗi tháng thu nhập 500-600 euro để tự trang trải, không phải xin tài trợ của bố mẹ. Khi ở nhà, là con một nên cháu không phải làm gì, giờ cháu tự hào khoe với bố mẹ là đã tự lo cho mình và biết làm bếp rất giỏi".
Chị Kim Hoa ở phố Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội có cô con gái út du học tự túc ở Australia kể: "Ở nhà thì nhõng nhẽo, thế mà xa nhà cháu đã tìm được việc làm thêm là dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều, thù lao đủ để trang trải mọi chi phí, không cần xin bố mẹ. Cháu nói học xong đại học sẽ học cao học luôn".
Thế nhưng không ít người ân hận khi cho con đi du học.
Chị Nga ở quận 3, TP HCM được bố mẹ chia cho hơn trăm cây vàng do bán căn nhà thừa kế. Có một khoản tiền lớn, anh chị bàn nhau đầu tư cho cô con gái đi du học Mỹ. Chị than thở: "Mới đi du học 1 năm mà khi về nghỉ hè nó đã trở thành một đứa khác, ăn mặc lố lăng, mở miệng là chê bai quê nhà, nào bẩn, nào quê mùa, lạc hậu...
Hôm trước nó mở quyển sổ để rơi tấm ảnh sex, tôi giận tím mặt còn nó thì cười: Có gì đâu mà má dị ứng thế! Nó còn cao giọng: Thôi má đừng nâng lên thành chuyện đạo đức nữa, đây là vấn đề tự do cá nhân, có gì đâu... Tôi giận quá không nói được nên lời. Không biết vợ chồng tôi có nên tiếp tục đầu tư cho cháu học nữa không, tôi lo quá!".
Bà Hà ở Biên Hòa thì phàn nàn: "Tôi có 2 đứa con, một đứa đi bộ đội, đứa thứ hai thấy bạn bè cùng trang lứa được bố mẹ cho đi du học, nó năn nỉ vợ chồng tôi cho đi, nó nói không cho đi du học thì nó bỏ nhà đi bụi. Đọc báo thấy giới thiệu chương trình du học các nước tôi cũng mê, bèn bàn với nhà tôi rút khoản tiền "dự trữ chiến lược" của gia đình đầu tư cho con đi du học ở Australia.
Nó đi chưa được 2 năm mà gia đình tôi đã khánh kiệt.
Ngoài tiền học phí và ăn ở, thỉnh thoảng nó điện về xin tiền chi khoản này, khoản nọ, thương con xa nhà tôi đành gửi sang. Nào ngờ, qua một thằng bạn của nó, tôi mới biết, vì đánh bạc hiện nó còn nợ của bạn bè 5.000 AUD, nó còn ăn ở như vợ chồng với một con bé người Australia hơn nó 5 tuổi, có một đứa con riêng 3 tuổi. Nghe tin này vợ chồng tôi muốn xỉu, không biết bây giờ phải làm sao?".
Hiện nay, đa phần số sinh viên được đi du học là con nhà khá giả, thường thì khi còn ở nhà rất được cưng chiều. Đến khi đi du học hoặc vì thiếu bản lĩnh cộng thêm sự nuông chiều của gia đình càng gây tác động xấu.
Mới đây, một phụ huynh đi kiện công ty tư vấn du học Linh Chi (TP HCM) chỉ vì con trai của mình học ngành quản trị du lịch khách sạn bị cho đi thực tập ở một nhà hàng, mà theo cậu là họ bắt rửa chén, chà nồi và chùi cầu tiêu và đối xử tệ về chỗ ngủ, làm việc quá giờ... Sự thật chưa biết ai đúng ai sai, vì nhà hàng khẳng định cậu chỉ đến làm có 5 giờ rồi sau đó bỏ đi.
Cũng cần nói thêm cậu học sinh này thi rớt đến 6/11 môn học và bỏ học nhiều đến mức visa du học bị chính quyền sở tại hủy.
Điều đáng nói là nhiều bạn đồng khóa của cậu không ai lên tiếng gì về chuyện học hành, trong khi cậu thông tin về gia đình những câu chuyện rất bi đát mà lẽ ra, ở ngay nước sở tại nếu đem kiện ra tòa chắc sẽ được cả núi tiền bồi thường!
Theo Thanh Niên
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...