Khi "Du" quên "học"

Img4470873c446b0 Trong hàng ngàn du học sinh Việt Nam đang học tập tại nhiều nước trên thế giới, đâu ai biết rằng một bộ phận không nhỏ du học sinh chỉ là "hữu danh vô thực".

Họ cũng "du" nhưng không "học"...

Du là chính, học là phụ!

Lý do thôi thúc V.Lan lên đường du học rất đột ngột và... không giống ai. Đang có công việc yên ổn ở Việt Nam, cô quen một anh kỹ sư người Việt nhưng du học và sống bên Úc qua chat. Không thể chịu đựng sự xa cách, cô quyết định du học để được gần người yêu lâu dài, còn chuyện học tập chỉ là thứ yếu.

Chỉ đến khi nhận được thông báo đình chỉ việc học do kết quả kém ngay năm đầu tiên, đồng nghĩa với việc không được gia hạn visa ở lại Úc, cô mới hốt hoảng nhưng đã quá muộn. Giấc mộng vun đắp "uyên ương" tan thành mây khói.

Khác với V.Lan, sau 2 năm kiên trì thi đại học nhưng chỉ toàn đậu những trường "làng nhàng", S.Tiến gợi ý với gia đình cho đi du học tự túc ở Nga. Vui mừng vì cậu con trai độc nhất có chí hướng "lớn", gia đình S.Tiến đồng ý ngay.

Nhưng chẳng biết anh chàng học hành như thế nào mà suốt một năm học S.Tiến hiện diện ở Việt Nam gần 2/3 thời gian, ai hỏi thì trả lời bâng quơ rằng "đang trong giai đoạn thi, nghỉ hè...?!!"

Thậm chí có người hỏi tên trường học là gì, S.Tiến cũng ú ớ mãi mới nói được.

Mới chưa đầy 2 năm, S.Tiến về hẳn Việt Nam. Thông qua bạn bè, gia đình mới biết anh chàng qua Nga chẳng học được gì vì quá "khớp" trước viễn cảnh học ngoại ngữ rồi khí hậu, tình hình chính trị phức tạp...

Nhưng anh chàng lại chi tiêu rất mát tay, một tháng đổi điện thoại mấy lần mà toàn là hàng hiệu.

Do gia đình dò xét "rát" quá nên đành chọn giải pháp "hạ cánh an toàn" với lý lẽ "muốn về Việt Nam cho đỡ tốn kém". Sau cả năm trời nằm ở nhà, bây giờ anh chàng đành an phận là một chủ tiệm internet trong sự chấp nhận đầy thất vọng của gia đình.

Nhận thức hời hợt, thiếu trách nhiệm với quyết định của mình là lý do chính khiến các du học sinh kiểu này phải "gánh chịu hậu quả" nhưng như thế xem ra vẫn còn khá may mắn!

Học nhưng không "thấm"

Tốt nghiệp phổ thông, H.Thắng được gia đình "động viên" lên đường sang Úc du học. Đó là giải pháp tình thế lại vừa có "tiếng" mà gia đình đã cân nhắc khi H.Thắng không có khả năng đậu đại học ở Việt Nam.

Dù đã chọn ngành học nhẹ nhàng ở một trường vừa tầm ở Úc nhưng với H.Thắng thật sự "khó nuốt" vì sau thời gian học ngoại ngữ vẫn không tiến bộ bao nhiêu, bước vào giai đoạn học chính thức với Thắng là cực hình khi không thể theo kịp chương trình học tương đối nặng.

Thêm vào đó là tâm lý làm thêm kiếm tiền tốt hơn "dùi mài kinh sử" khiến Thắng càng chểnh mảng, kết quả học tập càng sa sút. Thậm chí cậu đã chuyển sang một trường có trình độ thấp hơn nhưng tình hình vẫn "bi đát".

Sau 4 năm du học mà chưa có tấm bằng nào, H.Thắng còn phải ở lại thêm một năm chỉ đi làm thêm để "lấy kinh nghiệm" và "gỡ gạc tài chính" theo sự thúc ép của gia đình.

Nhưng rồi cũng không thể quá hạn visa lâu hơn nữa, H.Thắng đành trở về nước, lại ôn và thi vào một trường đại học nhưng không đậu, gia đình nhờ người quen giới thiệu công việc nhưng cũng không qua được vòng tuyển chọn.

Gia đình lại "chạy" cho H.Thắng học tại chức, cốt yếu có tấm bằng mà đi làm. Đi 5 năm và về nhà 1 năm nhưng với H.Thắng, mọi chuyện vẫn là con số 0.

Du học Đức ngành Tin học kinh tế

Ngược lại, mang trong mình nhiều dự định và mong muốn thời gian tu nghiệp ở nước ngoài sẽ là sự hậu thuẫn tốt cho công việc tương lai, T.Hùng sang Đức du học ngành Tin học kinh tế sau khi đã tốt nghiệp ĐH Hàng hải và làm việc ở Việt Nam khoảng 2 năm.

Thời gian đầu mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp khi T.Hùng vừa chịu khó học tập lại có gia đình người thân bên Đức hỗ trợ.

Thế nhưng đến cuối năm thứ 3 thì suy nghĩ trong T.Hùng đột ngột thay đổi. Quãng thời gian học tập kéo dài những 6 năm mà T.Hùng cũng không còn "trẻ" như anh nghĩ để có thể thực hiện trọn vẹn mong muốn.

Rồi chuyện cha mẹ ở nhà ngày một già yếu, chuyện tình cảm riêng tư với những phức tạp xen lẫn đã khiến anh quyết định bỏ ngang việc học, bắt đầu hành trình tìm một số vốn vừa đủ để về Việt Nam gầy dựng sự nghiệp riêng.

T.Hùng đã giấu kín quyết định bỏ ngang việc học với mọi người vì sợ gia đình sốc và âm thầm tìm việc làm thêm tại Đức.

Với tình hình thất nghiệp cao, khó khăn lắm T.Hùng mới kiếm được công việc phụ bếp và chạy bàn trong một quán ăn người Việt và một của người Thái. Nhưng T.Hùng vẫn lo ngại không biết với thời gian 1 năm tự đặt ra cho mình, anh có tích lũy đủ số vốn cần thiết và cũng chưa biết khi nào mới chắc chắn về Việt Nam.

Mỗi năm số du học sinh Việt Nam đến học tập tại các nước khá lớn, bên cạnh những bạn trẻ thật sự có mục đích học tập nghiêm túc thì vẫn có một số không nhỏ những du học sinh "bất đắc dĩ" với muôn vàn lý do.

Mỗi người mỗi cảnh nhưng hầu hết chuyện du học đều gãy gánh giữa đường. Ngay cả khi đã định hướng con đường học tập nhất định thì cũng sẽ có nhiều tác nhân ảnh hưởng có thể làm thay đổi cả tương lai.

Vì thế nếu không có ý chí, quyết tâm mạnh mẽ để trụ vững trong mọi hoàn cảnh rất dễ dẫn đến những hệ quả không như ý muốn...

Diễm Phương - Thanh Niên

 


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức