Cảm nhận cuộc sống của một Sinh viên du học tụ túc ở CHLB Đức sẽ giúp thêm các Bạn một góc nhìn thực tế về cuộc sống ở đây.
Tôi luôn có suy nghĩ, khi ở trời Tây, mỗi người sẽ có một cuộc sống sung sướng, sẽ có rất nhiều tiền để gửi về giúp những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, mọi thứ lại không hề đơn giản như tôi tưởng. (Trần Thị Hằng, Đức)
Ở làng tôi, với mỗi người, đi xuất ngoại là một điều vô cùng may mắn và tốt lành.
Bởi vì sao? Bạn có thể sẽ có một cuộc sống sung sướng, bạn sẽ có rất nhiều tiền và gửi về giúp những người thân trong gia đình.
Có thể nói, bạn chính là người sẽ giúp gia đình đổi đời. Gia đình sau này có sướng hay không tùy thuộc vào bạn.
Ở nhà, hồi còn đi học, tôi cày điên đảo để có tiền đóng học, tôi nghĩ là mình may mắn vì với số tiền đó có thể tự lo cho mình và giúp gia đình một chút. Và tất nhiên khi sang bên này học, tôi cũng sẽ phải làm như vậy, nó không quá khó vì chỉ cần chăm chỉ một chút là có thể có một cuộc sống không quá nặng nề về tài chính.
Khi mới sang, tôi ở nhà người quen khoảng hai tháng. Sau đó tôi đã xin chuyển ra ngoài. Tuy không phải là tất cả nhưng tôi nghĩ, bạn khi mới sang nếu có thể hãy thuê phòng ở riêng luôn, còn nếu không hãy ở một thời gian ngắn nhất có thể, nếu như bạn muốn giữ hoà khí tốt đẹp mãi với người thân.
Suy nghĩ ở nhà và bên này thật sự khác biệt, bạn chỉ có thể ăn cơm của bố mẹ mãi mà không thấy có cảm giác ăn xin, nhờ vả hoặc không thoải mái. Một khi đã không thích, thì dù là một lỗi nhỏ cũng được đưa lên bàn cân và lỗi đó của bạn sẽ biến thành trọng lượng một trăm.
Tôi vẫn nhớ lời bà cô nói đứa con gái cưng vì tội ăn một túi kẹo mua về chỉ còn lại mấy cái, trong khi em ấy mới tập nói.
"Mày ăn gì mà nhiều thế ? Ăn như vậy sao tao có tiền nuôi mày, mày ăn vào bảo sao không tăng cân, không béo. Ăn không biết nhường nhịn để cho ai, mày không có ý thức hay sao hả?"
Vừa mới sang được có mấy tuần tôi đã tăng sáu ký, và không biết có phải do hợp khí hậu hay không mà tôi chỉ thèm ăn, nhất là bánh mỳ hay đồ ngọt hoặc có là gì đi nữa miễn là ăn được. Nhưng tôi không dám ăn ở nhà nhiều, vì mới qua tôi đã được nhắc nhở về việc cần tiết kiệm mọi thứ. Thế nên, tôi chỉ dám mua những loại bánh mỳ rẻ tiền nhất để ăn cho căng bụng chứ không dám tiêu.
Vì là du học tự túc, nên số tiền trong tài khoản là đi mượn khi sang được đến nơi nó sẽ quay trở về với chủ cũ ngay.
Sau một tháng qua Đức với việc sáng đi học, và các buổi chiều lang thang các quán ăn để xin làm bồi bàn.
Quán đầu tiên, sau khi thử việc một buổi làm từ năm giờ chiều đến khuya. Sáng hôm sau, ông chủ gọi và nói muốn mời tôi đi cafe. Tôi đã hết sức bối rối vì chỉ là có hay không cho một câu trả lời. Tôi rất tỉnh táo, tôi cảm nhận chuyện không chỉ dừng lại ở công việc qua cách nói lấp lửng con cá vàng.
"Anh thấy em làm bồ bàn không hợp, hay em làm thư ký riêng cho anh nhé"
Tôi không phải là sắc nước nghiêng thành, chỉ đủ để mọi người nói có một vẻ đẹp hiền dịu dễ bắt nạt. Con người tôi cũng không thích ồn ào, mà theo bạn bè nói nhìn rất nhàm chán và cũ kỹ với mái tóc dài đen và thẳng. Thế nhưng không hiểu sao tôi lại rất dễ bị người khác đưa ra lời dụ dỗ, cũng may tôi cũng thuộc loại tự trọng luôn cao ngất nên chỉ coi những lời nói đó như một thứ ngôn ngữ lạ không dành cho mình và đáng lưu tâm.
Cuối cùng tôi đã xin được một chân bồi bàn, nhưng với quán đầu tiên này không hẳn chỉ việc chạy ra ghi đồ ăn và làm nước bê ra cho khách, mà phải kiêm tất cả khi không có khách, từ thái thịt, rau, rửa bát, cọ nhà vệ sinh, lau nhà.
Tôi đã làm từ 17h đến 23h để có hai mươi đồng. Như thế cũng đã làm tôi mừng rơi nước mắt, vì với một đứa mới sang như tôi có việc là tốt rồi.
Tôi đã không thể trụ ở đó lâu, vì sáng hôm sau tôi không thể ngồi học do mệt và buồn ngủ.
Khi vốn tiếng cũng đã đủ dắt lưng, tôi quyết định tìm một chỗ tốt hơn, chỗ mới tuy hơi xa nhưng đổi lại sẽ một mình một thế giới vì không có chủ ở quán. Chắc do cái mặt tôi cũng có chút gọi là đáng tin, nên trước khi về tôi chỉ việc đếm tiền bỏ vào nơi quy định, còn tiền khách cho cứ tự động chia đôi để vào ví.
Bạn của tôi đã hơn một lần nói tôi:
"Bà bị sao đấy, tại sao cứ phải chia chính xác từng đồng đó là công sức của bà, được khoảng một trăm tiền khách cho bà cũng chia đều mỗi người năm mươi là sao. Tại sao không vòng vèo một tý cho đoạn đường giàu nó ngắn lại".
Nhưng tôi thật sự không thích, tôi không muốn sống trong cảm giác lo sợ, chỉ vì vài đồng mà không thoải mái tư tưởng thì tôi không thể làm. Thế nhưng, người làm cùng tôi đã làm điều không thoải mái đó.
Sau năm tháng tôi làm việc, mọi việc vẫn rất tốt. Nhưng rồi, vào một buổi sáng, cô gọi cho tôi "Mấy lần thiếu ít cô không nói nhưng hôm nay thiếu mấy chục cô phải nói cháu xem kiểm kê lại cho chính xác".
Hôm sau, khi làm xong, tôi đếm lại đến năm lần cho chắc ăn là không thiếu, thế nhưng vẫn sai. Rồi hôm sau nữa, lúc này cô chủ thật sự đã cáu với tôi, thật là ấm ức quá mà, chẳng lẽ có người ăn trộm. Ngoài một anh đã làm cho cô từ hồi mở quán đến giờ thì không có ai vì quán chỉ có tôi và anh.
Tôi không thể nghĩ anh lại đi lấy tiền của tôi, một đứa sinh viên nghèo kiết xác, nhưng tôi đã làm một phép thử, ví tiền không để vào chỗ cũ mà vứt vào thùng rác, nơi bẩn nhất là nơi an toàn nhất.
Ngày hôm sau, cô chủ đếm đủ tiền, hôm sau khi đếm tiền, tôi thấy anh ra ngồi bàn đối diện, anh cứ ngồi đó làm tôi hết sức bối rối và loay hoay mãi làm anh phát cáu:
"Có mấy đồng mà cứ đếm mãi thế?"
Tôi chỉ cười và nói mình tính toán không được tốt. Tất nhiên, cô chủ cũng hết sức ngạc nhiên vụ để ví của tôi. Tôi thấy cô không ý kiến nên xem đó là nơi an toàn cho sự tin tưởng. Tôi không suy nghĩ nhiều về việc anh có lấy hay không, chỉ là tôi thấy nó tốt hơn sau khi thay đổi.
Lại nói về nơi ở của tôi, tôi không ở ký túc xá mà ở trọ ngoài với một chị miền Trung không có giấy tờ. Ở với chị, tôi đã biết được rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, sự khổ sở của việc sinh sống bất hợp pháp. Tôi còn nhớ, có một lần vào sáng sớm khi tôi và chị đang say giấc nồng thì có tiếng chuông cửa ấn liên hồi. Tôi ra mở cửa và ngạc nhiên khi thấy hai anh cảnh sát to cao. Tôi vội vào nói chị trốn đi, trong khi ngoài cửa vẫn là tiếng bấm chuông và đập cửa.
Sau khi nghe các ông đọc lệnh khám nhà (chủ nhà cho tôi và chị thuê nợ tiền) và hỏi tôi một đống thứ thì bắt tôi đưa giấy tờ chứng minh. Ông còn lại đi tìm kiếm khắp nhà, khi ông mở cửa tủ quần áo ra thì bà chị tôi đang ngồi trong đó.
Chị không nói được tiếng Đức, nên tôi nói chị đi qua đây du lịch mới được mấy ngày nhưng bị mất hết giấy tờ và đang ở tạm đây.
Theo những gì tôi thấy thì ông ta đang nhầm chị là chủ nhà. Bây giờ chị đã ổn định, còn tôi vẫn đang bơi lội một mình. Qua ba mùa lá rụng mà tôi vẫn chưa về vì luôn bận rộn với nhưng kế hoạch.
Nhưng tôi biết rằng một ngày không xa, tôi sẽ đứng trước người mẹ hiền của tôi và nói "Mẹ ơi con đã về".
Tác giả: Trần Thị Hằng (CHLB Đức) - VNExpress
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...