Sáng sớm, chị bạn tôi gọi điện: “Hôm nay em ra sân bay đón cháu với chị. Chị chỉ bảo em và các dì. Em cố đi cho cháu đỡ tủi vong linh”. Tôi lạnh người cứ nghĩ nghe nhầm, không dám hỏi lại. Tôi gọi điện cho em gái của chị và được biết: Cháu Tuấn đã bị chết vì sốc thuốc khi đang là học sinh du học ở Pháp. Tuấn khá điển trai. Thi trượt đại học. Cậu “phá” của bố, mẹ rất nhiều tiền trong năm ôn thi liền sau đó nhưng rồi vẫn trượt và nghiện. Và bố, mẹ Tuấn chỉ còn cách quyết cho con đi du học để nó có điều kiện cai nghiện.
Trên đường ra sân bay, mẹ Tuấn nghẹn ngào kể: Sang đến nơi, nó hợp với khí hậu nên béo trắng ra. Nó viết thư về bảo rằng, tự cai được, đã cắt cơn được vài tháng rồi. Không ngờ... Nói đến đó, chị khóc thành tiếng, tôi hiểu tâm trạng của một người mẹ. Dù con họ có hư hỏng thế nào đi nữa thì tình thương của người mẹ vẫn không vơi cạn đối với con.
Số gia đình giàu lợi dụng du học cho con đi cai nghiện bị nước bạn trục xuất về nước không phải là chuyện lạ. Theo Nguyễn Tiến Đức (Hà Nội) thì, nghiện ở đâu cũng tìm được nhau. Nó có ngôn ngữ riêng để phân biệt, để chỉ con nghiện mới biết mà tìm đến nhau. ở Cộng hoà liên bang Đức được 9 tháng, Đức bị trục xuất về nước vì bị cảnh sát địa phương bắt 2 lần cùng tham gia, tổ chức sử dụng chất ma tuý với con nghiện địa phương.
Đức kể rằng, trong số những đứa du học tự túc cùng đợt với Đức thì có đến 6 đứa nghiện. Chúng nó nghiện còn nặng hơn Đức. Theo ngôn ngữ của Đức thì nó “nghiện lòi mắt ra” chứ không “lính mới” như Đức.
“Quậy, phá” quá thì đi du học
Hiền là con một cán bộ có chức quyền ở TPHCM. Hiền nằm trong danh sách “nhóm sành điệu” từ khi còn là học sinh cấp II. Một tháng, Hiền “đốt” của bố mẹ không dưới 30 triệu đồng vào những trò quậy phá. Chẳng vũ trường nào ở thành phố mà Hiền chưa đặt chân đến. Đến vũ trường, nhà hàng, quán Karaôke nhiều hơn là đến trường học nhưng một năm, Hiền vẫn lên một lớp.
Mẹ Hiền tâm sự rằng, lo cho nó có tấm bằng tú tài rồi “tống” nó đi du học cho xong. ở nhà, nó quậy làm cho tôi và ông ấy đau đầu quá. Nó làm ảnh hưởng đến việc thăng tiến của ông ấy. Cho nó đi du học vừa được tiếng là oai, ông ấy lại đỡ phải chìa mặt ra xin cho nó mỗi khi nó cùng đám bạn quậy, phá.
Sang Nga, Hiền cặp ngay với một anh bạn người địa phương cũng “sành điệu” không kém. Thế là Hiền ra nhập với đám thanh niên lêu lổng tại đây. Ngoài việc “quậy” tại các quán Bar, nhà hàng và các điểm vui chơi công cộng ra, Hiền còn cùng đám bạn đi cướp giật tài sản của người đi đường. Ngồi sau xe máy, Hiền giật túi, móc ví thành thạo như một kẻ cắp chuyên nghiệp được “đào tạo bài bản”. Tài sản lấy được, Hiền và đám bạn chi vào những cuộc nhậu, chơi thâu đêm, suốt sáng. Hiền bị trục xuất về nước với thân hình rất tiều tuỵ so với trước khi đi.
Phạm Văn Hùng lại khác. Tại Hà Nội, Hùng nổi tiếng trong đám dân chơi sành điệu vì đua xe. Tất cả những loại xe hiện có trên thị trường, là xe phân khối lớn Hùng đều sử dụng qua. Kỷ lục, có tháng, Hùng thay đến 10 con xe. Bọn bạn chơi “lác mắt”, cúi đầu kính nể. Tuy nhiên, Hùng rất sợ đua vì vô tình trong một hôm đèo bạn gái đi chơi, nhìn thấy một vụ tai nạn khủng khiếp ở đường quốc lộ 5. Từ đó, Hùng chuyển “quậy” sang chuyện khác.
Theo giải thích của Hùng, mình chán sống nhưng vẫn phải sống để tiêu tiền cho bố, mẹ. Hùng tâm sự rất thật rằng: “Em tiêu tiền không nghĩ. Cho, bao bạn bè vài triệu khi nhậu trong ngày là chuyện thường. Em không nhớ 1 tháng em tiêu hết bao nhiêu nhưng mẹ em nói rằng, trung bình một tháng em tiêu không dưới 40 triệu. Có tháng em tiêu đến gần 100 triệu đồng. Mẹ em phát hoảng và từ đó bà quyết cho em đi du học”.
Em du học ở Mỹ, mỗi tháng mẹ gửi cho 10 ngàn đô, chẳng thấm vào đâu. Em đòi về, mẹ em gửi thêm. Em toàn chơi là chính, có học hành gì đâu. Em trụ lại ở Mỹ 4 năm nhưng học chỉ có hơn 1 năm, được 1 cái chứng chỉ học phần. Em chán, đòi về và bây giờ mẹ em lại chuẩn bị cho em đi du học ở nước khác. Em cũng chẳng biết là nước nào. Bảo thì đi... Hùng nói bằng giọng bình thản, rất lạnh đúng kiểu của một kẻ ăn, chơi phá đời và ích kỷ.
... Thiết nghĩ, du học chỉ để giải quyết những mục đích khác ngoài chuyện học lấy kiến thức thì hệ luỵ của nó là chuyện nhãn tiền và hậu quả thực sự đau lòng. Vì vậy, xin các bậc cha, mẹ hãy suy nghĩ thật kỹ khi quyết định cho con đi du học tự túc.
Thu Mai
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...