Khi nẻo về còn xa…

Khi nẻo về còn xa…Ra trường có định về bển không?". "Tao nhớ nhà quá! Nhưng trở về thì...". Một khoảng lặng. Một cái nhìn xa xăm. Một tiếng thở dài ẩn chứa một sự thực khó nói. Đó là tâm trạng chung của nhiều du học sinh Việt Nam ở nước ngoài... Minh Ngọc, đang học cao học Y khoa ở Pháp, sau những giờ học, dã ngoại sôi động với bạn bè, khi trở về khu học xá, khúc nhạc ấy lại cất lên từ chiếc cassette nhỏ mang theo từ quê nhà khắc khoải như một dấu hỏi khó nguôi. Mê du lịch và khám phá, thi thoảng, Ngọc lại nhắn tin khoe được đón đêm Noel tại nhà thờ Đức bà Paris, hay quảy balô đi qua những làng mạc của Pháp. "Nhưng vẫn nhớ day dứt món ăn quê nhà, nhớ phố phường Sài Gòn và bạn bè bên đó...". Trở về đi? "Mình còn phải suy nghĩ. Mình mê chơi lắm. Sợ về bển bị nhốt trong những bệnh viện, sợ làm việc không lương, cái gì cũng thiếu thì khổ thân!". Một năm nữa ra trường, Ngọc vẫn ngâm nga câu nhạc Trịnh: "Em ra đi nơi này vẫn thế..." để tự an ủi mình...

Không mơ màng như Ngọc, Hoàng Anh, một nghiên cứu sinh ngành xây dựng tìm được học bổng sang Nhật nghiên cứu 6 tháng. Anh tính ngay đến chuyện tìm những nhóm bạn bè người Việt trong những lưu xá, ở chung, tự nấu ăn, tằn tiện một thời gian, dành tiền học bổng hàng tháng để khi trở về nước có một số vốn nho nhỏ dắt túi. "Nhiều bạn bè tôi đi du học về trở nên giàu có! Tôi đang tính xin gia hạn du học. Thứ nhất, có cơ hội ở lại bên này làm việc. Thứ hai, nếu phải trở về cũng có tiền để làm việc lớn hơn! Chứ tại Việt Nam, lương giảng viên tại một trường đại học không đủ tiêu xài!". Với anh, chuyện trở về quê nhà làm việc không đơn giản và "không lý tưởng, duy cảm" như mọi người vẫn nghĩ...

Hiện nay có khoảng 25.000 du học sinh Việt Nam du học tự túc và vài ngàn du học sinh theo chế độ chính sách nhưng theo báo cáo của Bộ Giáo dục Đào tạo trình Quốc hội năm 2004, mới chỉ có 120 trường hợp quay về liên hệ với Bộ trở lại cơ quan cũ hoặc tìm việc làm mới. Điều đó đáng để giật mình. Dễ hiểu, khi tiếp cận với phương pháp, điều kiện giáo dục và làm việc mới ở nước ngoài, khi trở về nước với trình độ tổ chức và phương tiện môi trường làm việc không đảm bảo, họ thường bị hụt hẫng và có người bất đắc chí...

Trong khi những du học sinh Việt Nam đi du học với nỗi băn khoăn về hay ở thì có một lớp trẻ mang dòng máu Việt được sinh ra và trưởng thành ở nước ngoài lại muốn tìm về cội nguồn. Với họ, Việt Nam là một cơ hội trở về, khám phá, một sự gắn bó máu thịt mà có khi họ không diễn tả được. Trong Trại hè dành cho thanh niên Việt kiều 2004 tại TP HCM, PV Sài Gòn Tiếp Thị gặp Minh Thuận, một chàng trai được sinh ra và lớn lên tại Đức. Thuận cho biết: "Gia đình luôn có ý thức hun đúc trong mình một ý thức văn hóa Việt qua ăn nói, ứng xử… Bố là doanh nhân một công ty Đức. Hy vọng công ty của bố sẽ có văn phòng đại diện tại Việt Nam để mình trở về đây sống, làm việc!".

Đối với Thiện, sinh viên du học tự túc ở Nhật, thì mọi sự quả không giản đơn. Thiện phải vay tiền, làm thêm đủ nghề kiếm tiền học phí. Lúc nào cũng nợ nần chồng chất. Về không? Câu hỏi đặt ra cho anh lúc này dường như không hợp. "Tốt nghiệp xong, tôi phải ở lại Nhật để có điều kiện tạo nền tảng bản lĩnh nghề nghiệp và làm có tiền rồi mới nghĩ tiếp chuyện trở về nước phục vụ. Tôi và bạn bè rất muốn về nước làm việc. Với chúng tôi, hai tiếng Việt Nam thiêng liêng lắm. Nhưng để nói trở về ngay thì... cần phải thực tế một chút! Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ về mặt tinh thần. Có khi là sự hỗ trợ vé máy bay về thăm nhà thôi. Chính những cuộc gặp gỡ với bà con bên nhà sẽ giúp chúng tôi ấm lòng, tự tin và gắn bó trách nhiệm hơn với quê hương...".

Giáo sư vật lý Đàm Thanh Sơn (30 tuổi),Đại học Washington (Mỹ) đã nhận được hơn 1.000 câu hỏi, phần lớn đặt vấn đề "liệu anh có trở về nước phục vụ?". Trước câu hỏi như thế, anh thường lặng đi một lúc rồi cho biết: "Trong tương lai, không loại trừ khả năng tôi sẽ trở về!". Có lẽ nhiều trí thức Việt Nam xa xứ cũng sẽ lặng đi như thế để đắn đo, nghĩ ngợi. Cùng chung nỗi trăn trở, đã có những nhóm trí thức Việt là bạn bè, sinh hoạt tại các trường đại học lớn trên thế giới, họ nâng đỡ nhau và giữ liên lạc thường xuyên để nắm tình hình "bên nhà"...


© 2024 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học ở Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong GOCDUHOC