Muôn vẻ du học sinh làm thêm

Muôn vẻ du học sinh làm thêmNghe khách gọi, Hưng lụi hụi xào nấu rồi thân chinh bê tô mì bốc khói ra phục vụ. Thoắt cái đã thấy anh chàng lúi húi lau đồ ở một góc bếp, miệng khe khẽ huýt sáo. Cũng chàng Hưng ấy, khi còn ở VN, không phải mó tay vào bất cứ việc vặt nào. Sinh năm 1976, tốt nghiệp cao học Quản trị kinh doanh tại Đại học UEA Anh Quốc, về VN có thể kiếm một công việc ngon lành và thảnh thơi sắm một con xế hộp nhờ tài trợ ban đầu của ba mẹ. Tuy nhiên, quyết định sang học tiếp tiến sĩ, cậu phải đi rửa bát, nấu bếp, trợ giảng để phụ thêm tiền học ít ỏi mà gia đình cung cấp.


Theo luật Anh, sinh viên nước ngoài được phép làm 20 tiếng một tuần. Hưng kể, thành phố Norwich - nơi cậu ở - sinh viên thường làm ba loại công việc: bán hàng, rửa bát và phục vụ quán.


Bán hàng tuy không mấy vất vả nhưng bị gò bó về giờ giấc, thu nhập thuộc loại thấp nhất, khoảng 5,2 bảng/giờ. Việc này lúc nào cũng sẵn với điều kiện khá dễ, chủ hàng chỉ cần hỏi sơ qua xem đã có kinh nghiệm bán hàng chưa, có hòa nhập dễ với đội bán hàng cũ hay không, còn vốn liếng tiếng Anh không quan trọng.


Rửa bát thường được trả 5,9 bảng/giờ, nghe thì có vẻ ít nhưng cộng cả tháng chênh lệch so với bán hàng cũng khá nhiều. Bù lại, giờ giấc không gò bó, miễn hoàn thành việc được giao. Nếu xin được chân nấu nướng, dọn dẹp rồi bán hàng phục vụ khách như Hưng thì mỗi giờ có thể kiếm tới 8 bảng, nhưng lại luôn chân luôn tay.


Theo học thạc sĩ ngành Môi trường tại Anh, Trang kiếm tiền bằng cách buôn đồ qua mạng. Trong vòng một tháng, cô trao đổi bán mua hàng chục món hàng, mua máy tính, USB, bán tivi. Có ngày cô online tới 7-8 tiếng chỉ để “rình” người post lên hàng mới. Nhờ buôn ngược bán xuôi mà trình độ bán hàng, nhận biết giá trị từng món đồ Trang đạt đến mức “thượng thừa”, thế nhưng cũng nhiều phen cô chịu quả đắng, bị lừa phải hàng rởm.


"Ngon" hơn cả phải kể đến việc trợ giảng hoặc hướng dẫn sinh viên mới vào trường, thù lao tới 13-14 bảng mỗi giờ. Nhưng những việc đại loại như vậy hiếm mà phải có quan hệ khá thân thiết với thầy. Để có thể đứng trợ giảng, sinh viên phải học tiến sĩ ít nhất từ năm thứ hai trở lên.

Cũng có những bạn trẻ góp vốn mở cửa hàng, song số này rất ít vì điều kiện kinh doanh khá khó khăn. Thông thường họ phải ở nước ngoài ít nhất 10 năm, có giấy phép cư trú dài hạn, vốn dày và đặc biệt quan trọng là sự đồng lòng.

Theo lời chị Cẩm Thanh, đại diện Trường UEA tại VN, hàng chục sinh viên VN đang theo học tại trường đều đi làm thêm. Ngoài kiếm tiền, các bạn trẻ còn có cơ hội tiếp xúc với người dân bản địa và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Luật bên đó quy định sinh viên được phép làm việc trong môi trường "không có sự sợ hãi", vì thế các ông bà chủ đối xử khá tốt với mọi người, chưa có trường hợp nào bất hòa, cãi cọ rồi bỏ đi. Sinh viên VN cũng được tiếng là chăm chỉ cần cù.


Mỗi tuần Hưng chỉ làm 10 tiếng, mỗi tháng được 200 bảng đủ tiền ăn, tằn tiện lắm thì đủ cả tiền đi lại. Cậu còn được hưởng chế độ permanent (hợp đồng dài hạn), nghỉ phép vẫn được hưởng lương, làm việc ngoài giờ được tính gấp đôi... Tuy nhiên, cũng có sinh viên làm việc quá nhiều ảnh hưởng không tốt đến học tập. Có người bị cảnh sát tóm cảnh cáo 1-2 lần, nếu tái phạm họ sẽ thu visa và xem xét việc đuổi về nước.

Hưng kể sinh viên châu Á, đặc biệt là Trung Quốc còn làm việc kinh khủng hơn. Họ ở bên đó lâu rồi, kinh nghiệm nhiều hơn nên tìm cách xoay xở làm sao mất ít sức mà vẫn hoàn thành việc.


Vừa đẩy thêm gỗ vào lò sưởi nhằm xua bớt cái lạnh cho thực khách, Hưng vừa tâm sự: "Làm thêm tuy mệt nhưng sẽ giúp sinh viên tăng tính năng động, thêm gắn bó với nhau và biết quý trọng những đồng tiền chắt chiu nơi quê nhà".



©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức