Lý Nhã Kỳ "chứng minh" đã tốt nghiệp Đại học tại Đức

lynhakyTrước những nghi vấn người vừa được chọn làm Đại sứ Du lịch Việt Nam khai man về trình độ học vấn, Lý Nhã Kỳ đã lên tiếng chứng thực. Người đẹp này khẳng định cô đã tốt nghiệp Đại học tại Đức, tên trường ALEXANDER WIEGAND và điều này đã được Bộ thẩm định.


Sau khi được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cân nhắc vào vị trí Đại sứ Du lịch Việt Nam, diễn viên Lý Nhã Kỳ đã vấp phải phản ứng từ phía dư luận. Không ít ý kiến “khui” ra những sự cố xung quanh đời tư và những tin đồn thất thiệt trong giới giải trí như nghi vấn cô lộ clip nóng với nam diễn viên đồng nghiệp, scandal “khoe ngực” trong một vở kịch… để chứng minh hình ảnh đại diện của Việt Nam chưa “sạch”.


Chưa hết, mấy ngày vừa qua còn rộ lên nghi vấn Lý Nhã Kỳ chưa từng tốt nghiệp Đại học tại Đức. Những người tỏ ra am hiểu nước Đức cho rằng  ngôi trường cô tuyên bố mình theo học - Đại học REAL thực tế không có tên trên bản đồ. Thực tế chỉ có danh từ Realschule, chỉ trường dạy nghề cấp phổ thông trung học chứ không phải là tên riêng của một trường đại học.

Theo những ý kiến này, Giáo dục của Đức phân loại học sinh từ khi hết lớp 4 thành 2 hướng: hệ 10 năm và 12 năm. Hệ 10 năm từ lớp 7 được cho chọn hướng chuyên sâu (tự nhiên/kỹ thuật hay kinh tế/xã hội) để phù hợp với nghề nghiệp sau này. Từ định nghĩa này, học sinh tại trường Realschule sẽ tốt nghiệp sau khi học xong lớp 10, và có thể theo học ở một trường dạy nghề (Fachschule) với hệ 12 năm. Sau khi tốt nghiệp, học sinh tại đây chỉ có thể vào học cao đẳng (Fachhochschule), không thể đi thẳng được vào đại học (Uni). Nếu muốn vào đại học, sinh viên phải có bằng tốt nghiệp ở cao đẳng.

Trước lời chỉ trích người đẹp nói dối của dư luận, Lý Nhã Kỳ giải thích với Dân trí: “Có sự nhầm lẫn trong tên gọi đầy đủ của trường Kỳ đã học và một tên mà các sinh viên trong trường thường gọi thôi. Lẽ ra, tôi đợi đến buổi họp báo ngày 7/10 tới mới trả lời tất cả những thắc mắc. Nhưng, trước sự nghi vấn của một số người, tôi không thể giữ im lặng.
Chính xác, ngôi trường tôi học mang tên ALEXANDER WIEGAND. Trường của tôi học theo slogan “Con người thật - Công việc thật - Hành động thật”, vì thế sinh viên trong trường đã gọi tắt tên trường thành REAL. Từ REAL cũng được lấy lại từ ALEXANDER. Trong phần chơi chữ, chữ ER và AL được đảo ngược, ghép lại sẽ thành REAL. Theo nghĩa, REAL dịch ra là THẬT, nó phù hợp với slogan của trường nên REAL được gọi như một cái tên khác của cái tên quen thuộc ALEXANDER WIEGAND mà mọi người thường gọi".
Không đưa ra hình ảnh bằng tốt nghiệp Đại học của mình, tuy nhiên Lý Nhã Kỳ khẳng định “cây ngay không sợ chết đứng”. Cô cho biết, hồ sơ, bằng cấp của mình đều đã được lãnh đạo Bộ kiểm chứng và xác nhận. Tại buổi họp báo sắp tới, đại diện bên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ công bố chính thức trước dư luận về vấn đề bằng tốt nghiệp Đại học của Lý Nhã Kỳ.

Người đẹp này chia sẻ, cô không cần phải tự mình đưa bằng Đại học ra vì không muốn cứ phải chạy theo những yêu cầu không ngừng của tất cả mọi người.

Dẫu không vui trước những phản ứng ác ý nhưng Lý Nhã Kỳ khẳng định cô sẽ chứng minh khả năng của mình bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Cô nói dù sức khỏe chưa thực sự tốt sau đợt sốt cao vừa rồi nhưng bản thân vẫn làm việc kín thời gian mỗi ngày.
“Chỉ còn khoảng một tháng nữa là kết thúc cuộc bầu chọn, đang trong giai đoạn nước rút bình chọn cho vịnh Hạ Long vì thế tôi chỉ mong mình có thể làm được gì góp phần cùng người dân Việt Nam đưa vịnh Hạ Long vào top 7 kỳ quan thế giới”, Lý Nhã Kỳ tâm sự.


thanhlong

Lý Nhã Kỳ có mối quan hệ với nhiều nghệ sĩ, doanh nhân nước ngoài nổi tiếng
Lý Nhã Kỳ chia sẻ, việc bình chọn cho vịnh Hạ Long qua kênh facebook rất lớn. Tuy nhiên, việc bình chọn qua tin nhắn cũng như kênh kêu gọi người nước ngoài cùng tham gia bình chọn chưa thực sự nhiều. Lý Nhã Kỳ cho biết cô đang kêu gọi các nghệ sĩ, doanh nhân cũng như chính khách ở những nước cô có quan hệ để tham gia kêu gọi ủng hộ cho vịnh Hạ Long.

Lý Nhã Kỳ cũng bật mí, tại cuộc họp báo ngày 7/0 tới tại Hà Nội, không chỉ có đại diện Bộ mà còn có sự tham gia của chính khách nước ngoài.

Theo dân trí.


©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức

Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000



 

Bài viết khác trong Góc Du học Đức