Du học sớm hiện nay đang là trào lưu tại Việt Nam. Cha mẹ được khuyên cho con du học sớm với các lý do là các em sẽ có khả năng hòa nhập cao hơn về nhiều mặt trong cuộc sống: khả năng ngôn ngữ, thích nghi với cuộc sống, thích nghi với môi trường học… Ông lại nghĩ rằng điều này là không nên, ông có thể giải thích vì sao?
Ông Trần Sĩ Chương: Tôi thấy mình may mắn khi du học sau 18 tuổi. Đến tuổi đó, tôi đã ý thức được mình là người Việt Nam và đó là điều đáng tự hào.
Hơn nữa, trong những năm trung học, tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với gia đình, bạn bè.
Sợi dây gắn kết gia đình cũng hình thành trong những năm này.
Cha mẹ muốn mang “sợi dây gắn kết” này ra nước ngoài là bất khả thi. Ở nước ngoài, cha mẹ có muốn quan tâm, bảo bọc con cũng không thể. Bởi vì, môi trường giáo dục lẫn môi trường sống đều đề cao sự tự lập, tự do cá nhân. Nếu cha mẹ cố gắng giữ con trong vòng kiểm soát thì chỉ tạo thêm áp lực cho con mà thôi. Trẻ con cần một chỗ dựa tinh thần, cần động lực chứ không cần áp lực. Cha mẹ chính là chỗ dựa tinh thần tốt nhất, cũng là những người khuyến khích, tạo động lực cho con chứ không nên tạo thêm áp lực, nhất là với trẻ nhỏ.
Bà Ngô Trang: Đúng như vậy. Cha mẹ đi theo con là muốn con không bị chới với ở môi trường nước ngoài, nhưng sự quan tâm, lo lắng quá mức lại có tác dụng ngược, khiến con cảm thấy áp lực, mất tự tin.
Đó là chưa kể kỳ vọng mà cha mẹ đặt lên con, khiến con cảm thấy nặng nề hơn so với khi còn học ở Việt Nam.
Ông Trần Đức Cảnh: Như một hiện tượng tâm lý thường thấy, cha mẹ Việt Nam có xu hướng tạo điều kiện để con thực hiện ước mơ của mình. Cha mẹ ngày xưa đói khổ thì muốn con kiếm được nhiều tiền. Cha mẹ ít học thì muốn con có bằng cấp, địa vị cao... Cha mẹ nghĩ đó là thương con, muốn con có những thứ tốt đẹp, nhưng nếu không suy nghĩ thấu đáo, những điều này chỉ tạo thêm áp lực, gánh nặng cho con mà thôi. Cuối cùng, mong muốn của mẹ áp đặt lên con chứ không phải sự lựa chọn của con.
Tìm việc làm ở nước ngoài không dễ
Phó giáo sư - tiến sĩ Hoàng Thị Hồng Hà: Cả hai ông đều cho rằng không nên cho con đi du học quá sớm. Vậy trẻ du học ở tuổi nào là phù hợp?
- Ông Trần Đức cảnh: Tôi không khuyến khích cho con du học trước 14 tuổi. Nếu cha mẹ muốn cho con du học sớm thì cần phải có sự chuẩn bị nhiều hành trang cho con từ đầu năm cấp II, quan trọng nhất là các kỹ năng sống, khả năng tự lập và quan trọng hơn cả là chuẩn bị tâm lý cho học sinh và cả gia đình.
- Ông Trần Sĩ Chương: Theo tôi, tốt nhất là sau 18 tuổi, thậm chí các em có thể học đại học trong nước, du học các chương trình sau đại học. Vì các trường đại học trong nước cũng đang tốt lên.
- Bà Ngô Trang: Thực ra với tôi, phụ huynh không nên quá nặng nề chuyện cùng con đi du học. Tôi có người bạn thân là doanh nhân thành đạt, chồng làm đại diện cho tập đoàn lớn tại Việt Nam. Vợ chồng bạn có thể nói là có dư điều kiện để cho con du học và cả nhà thuận lợi sang Mỹ định cư. Nhưng cô ấy nói: “Tôi học ở Việt Nam mà nay vẫn thành công, vẫn có cuộc sống sung túc như mong muốn. Vậy tại sao phải bắt con đi học ở nước ngoài? Người đủ năng lực thì học ở đâu, sống ở đâu cũng có thể thành công”.
Tất nhiên tôi không bác bỏ chuyện cho con du học. Tôi chỉ muốn phụ huynh cân nhắc kỹ về chuyện này, để không chạy theo trào lưu một cách mù quáng. Tôi làm trong ngành giáo dục nên có tìm hiểu về các chương trình giáo dục ở Việt Nam. Hiện đã có nhiều chương trình tốt cho học sinh ở mọi cấp học, trong đó không thiếu các chương trình được nhượng quyền từ nước ngoài.
Rõ ràng, cha mẹ không đánh giá cao giáo dục và đào tạo trong nước, nên mới muốn con du học nước ngoài để hưởng nền giáo dục tiên tiến. Là người nhiều năm làm cố vấn cho các chương trình giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam, ông đánh giá thế nào về giáo dục Việt Nam nói chung, thưa ông Trần Đức Cảnh?
- Ông Trần Đức Cảnh: Theo tôi nhận thấy, các chương trình trung học ở nước ta khá tốt về chất lượng, khá khớp với chương trình của Mỹ. Điều thiếu sót là học sinh chưa được bổ sung các kỹ năng mềm, kỹ năng tự chủ, sáng tạo... Phần thể dục thể thao cũng cần được chú trọng hơn, thay vì chỉ tập trung vào việc học. Quan niệm của các trường top đầu của nước ngoài, họ chỉ muốn nhận một học sinh/sinh viên có yếu tố toàn diện: học thuật, kỹ năng mềm, và thể lực. Điểm học chỉ là một phần của khả năng thành công. Tôi nghĩ cha mẹ học sinh đã nhìn rỏ việc này hơn ai hết.
- Ông Trần Sĩ Chương: Nhưng một đứa trẻ ra nước ngoài muốn thành công phải có sự năng động, tự tin và vốn tiếng Anh thật tốt. Nếu con bạn vốn rụt rè và ngại giao tiếp, thì tôi e rằng ra nước ngoài chỉ tạo thêm áp lực, khó khăn cho con mà thôi. Dù tốt nghiệp đại học thì công việc cũng không thuận lợi như cha mẹ mong muốn.
Cha mẹ cũng rất quan tâm đến cơ hội ở lại và làm việc ở nước ngoài của con khi du học ?
- Ông Trần Sĩ Chương: Chuyện lấy bằng đại học ở Mỹ không quá khó, nếu có đủ điều kiện tài chính. Một số học sinh không giỏi thì học đến 7-8 năm mới ra trường cũng có thể có bằng. Tuy nhiên, giá trị bằng cấp của các trường hàng đầu với các trường khác không giống nhau.
- Ông Trần Đức Cảnh: Bằng cấp thì dễ có, nhưng kỳ vọng ở lại Mỹ thì phải phấn đấu rất nhiều. Nếu bạn học ở các trường hàng đầu thì các công ty có thể “săn” bạn từ những năm còn trên ghế nhà trường. Còn với bằng cấp ở các trường trung bình thì cơ hội ở lại làm việc cần có yếu tố may mắn nữa. Một chương trình có từ lâu cho phép ở lại Mỹ làm việc là F1B. Chương trình này chấp nhận bằng cử nhân trở lên có hai năm kinh nghiệm, thường là ưu tiên các ngành STEM, y dược, điều dưỡng, còn sinh viên ngành khác thì cơ hội nghề nghiệp rất khó.
Theo tôi, lý tưởng nhất là du học sinh có cơ hội làm việc ở nước ngoài một thời gian lấy kinh nghiệm, trở về nước làm việc khi có điều kiện. Trung Quốc và các nước trong khu vực đã tận dụng lực lượng du học sinh và nguồn lực kiều bào của họ phát triển kinh tế xã hội rất hiệu quả 3-4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, nếu so sánh thì nước ta hiện nay chỉ mới ở điểm bắt đầu.
Nguồn: Tổng hợp
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...