Không phải tất cả thanh niên VN du học đều lựa chọn hình thức sống chung, sống cặp với một ngưới khác phái. Nhưng có không ít người trong số họ đã chấp nhận sống cùng với người yêu, hoặc bạn trai/gái. Với họ, việc dọn về sống cùng nhau có không ít “lợi ích”.
“Hồi mới sang nhớ nhà và cô đơn kinh khủng. Từ khi về chung sống, chúng tôi như đôi chim non. Bạn gái tôi biết nấu ăn và khéo thu vén nên tôi luôn được ăn các món ăn ngon mà chẳng tốn nhiều tiền. Ở đây giá thuê nhà rất đắt, hai đứa ở chung coi như gánh nặng được chia đôi. Riêng cái khoản “nói tiếng Việt thoải mái” cũng đủ khiến bạn bè tôi ghen tỵ lắm rồi” - Nguyễn Quang Ngọc, SV dự bị ĐH ở Anh hào hứng kể.
Lê Trang, cô gái Đà Nẵng 26 tuổi, vừa kể chuyện mình vừa nhắn “bí mật hộ nhé”: “Mình sang Mỹ được hơn 1 năm thì chàng của mình cũng giành được học bổng VEF. Giờ chúng mình sống chung, vừa có điều kiện chăm sóc nhau, vừa có thời gian để mình “rèn” tiếng Anh cho chàng. Dù yêu nhau từ trước khi đi du học và cả hai gia đình đều biết, nhưng cũng chưa dám cho bố mẹ biết hai đứa sống cùng với nhau đâu. Tư tưởng của các cụ vẫn còn nặng lắm. Biết vậy nên cả hai đều cố “giữ gìn”, cố không để lại “hậu quả”…”
Trước khi đi, mải bù đầu với những visa, hộ chiếu, học bổng… những chàng trai, cô gái Việt trẻ măng không lường hết được những “cú vấp” về văn hoá, về lối sống ở trời Tây. Trong bộn bề lo toan của họ, có cả những băn khoăn về chuyện giải quyết nhu cầu sinh lý như thế nào? “Bạn biết không, ở đây việc thấy họ hôn nhau, âu yếm nhau thì đúng là gần như mọi lúc, mọi nơi…” – Hoài Minh, đang làm nghiên cứu sinh về Công nghệ thông tin ở Pháp nói.
Một mình nơi xứ lạ, chưa bao giờ nhu cầu được trò chuyện, chia sẻ tình cảm lại cấp thiết đến thế. Đây là tâm sự của một thành viên trên mạng ttvnol.com: “Hôm nay là ngày thứ 18 của tôi sống xa gia đình. Tôi là con trai. Tôi đã 23 tuổi rồi. Nhưng mọi việc không đơn giản như tôi tưởng. một sự khởi đầu mới đòi hỏi ở tôi nhiều nỗ lực, tôi đối mặt với những cảm giác chưa từng có trước đây, đối mặt với những vấn đề thậm chí chưa từng tưởng tượng ra. Cái tôi sợ lúc này, là cảm giác một mình. Ăn một mình, sống một mình, không có người để chia sẻ… và tôi chấp nhận sống cùng với một cô bé quê Nam Định đang học dự bị ĐH gần nơi tôi ở".
Thẳng thắn, không né tránh là điều dễ nhận thấy trên những diễn đàn của du học sinh về vấn đề này. Tại đấy, họ mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình về chuyện có nên sống cặp cùng nhau hay không? Nếu chấp nhận sống cùng nhau thì chia sẻ tiền nong và cả công việc vặt với nhau như thế nào? Ngay cả những vấn đề nhạy cảm và tế nhị nhưng lại vô cùng cần kíp là làm thế nào để sống chung mà tránh được “chuyện ấy” hoặc giả có “chuyện ấy” thì làm sao tránh được “hậu quả”… cũng được họ bàn luận sôi nổi.
Một kinh nghiệm để tránh nhàm chán khi “ngày nào cũng gặp nhau, buổi tối nào cũng ăn cơm chỉ có 2 người” được các thành viên ở box Club de Francais chia sẻ: Thỉnh thoảng nên dành tiền rủ nhau đi ăn nhà hàng, đi xem phim hoặc cùng nhau đi chơi xa đâu đó, khi về lại thêm bao nhiêu kỷ niệm…
Họ còn lý luận: “có lẽ nên nghĩ cảm giác nhàm chán sau một thời gian sống thử là một điều tốt, vì sau này khi đã thành vợ thành chồng thật rồi thì chuyện “chán” sẽ xảy ra, lúc đó phải biết tìm cách để làm mới mình, làm cho một nửa của mình vui hơn”.
Không thể phủ nhận được những “ lợi ích” của việc “sống cặp” khi đi du học, nhưng có nhiều du học sinh VN khi vừa thoát khỏi sự kèm cặp của gia đình, đã vội lao vào những cuộc tình chớp nhoáng để “thử cho biết”. Một số vị tiến sĩ, thạc sĩ đã có gia đình ở VN cũng muốn tìm ai đó để đỡ thấy cô quạnh khi xa nhà, và tự nhủ khi nào về thì lại về với vợ.
Trong bức thư kể về những buồn vui của SV VN du học tự túc tại Pháp, bạn Hoàng Hồng lo lắng: Xa nhà, thiếu thốn tình cảm và sống trong một xã hội quá “mở”, một phần không nhỏ du học sinh VN mau chóng “Tây hoá". Tại một thành phố miền Trung nước Pháp, hầu hết các cặp yêu nhau đều dọn về sống chung chỉ sau vài tuần tìm hiểu.
Đáng tiếc là có nhiều trường hợp, việc chung sống này xuất phát từ những suy nghĩ quá ngây thơ và bồng bột. Có cặp nọ, cậu con trai 19 tuổi tán cô gái vì muốn “khám phá” phụ nữ. Cô gái nhận lời yêu vì “mọi người đều có đôi, em rất lẻ loi”. Và rồi cô bé, cậu bé ấy sống chung với nhau để chăm sóc nhau và cả để… bớt tiền nhà, tiền điện thoại mặc dù cô bé luôn ý thức rằng “Bố em sẽ giết em mất nếu biết chuyện này”.
Như một đứa trẻ cầm đồ chơi mới mà chưa biết luật chơi ra sao, nhiều du học sinh đặt câu hỏi có nên sống chung hay không? Dù rằng họ luôn khẳng định mình đã trưởng thành, đã tự biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình và biện minh “sống ở Tây phải khác”, nhưng cũng xin nhắc “luật chơi" đầu tiên của cuộc sống là: Ở những nơi càng dân chủ, tự do thì càng phải biết làm chủ chính mình. Bởi lẽ không gì vất vả bằng sự đấu tranh chống lại phần tối của chính bản thân.
Theo Tiền Phong
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...