Chỉ trong một thời gian ngắn, vòng xoáy đa cấp đã làm đảo điên một bộ phận không nhỏ cộng đồng sinh viên VN tại các trường đại học NUS (Đại học Quốc gia Singapore), NTU (Đại học Công nghệ Nanyang), SIM (một đại học tư thục lớn của Singapore).
Tại khách sạn K nằm trên đại lộ Orchard. M., cô sinh viên năm 4 Trường NTU, đang ngồi ở tiền sảnh với vẻ mệt mỏi tột cùng. M. là một trong những thành viên mới của một chi nhánh bán hàng đa cấp từ mấy tháng qua. Cô sinh viên này chỉ đủ sức thì thào về những gì cô trải qua: “Tôi đã bỏ cả thi để chạy theo việc bán hàng để có thể thanh toán món nợ khổng lồ lên đến 8.000 - 9.000 đôla Sing (khoảng 80-90 triệu đồng VN).
Đó là số tiền của gia đình và hơn 4.000 đôla Sing mà tôi vay mượn khắp nơi. Còn bạn bè tôi, nhiều đứa cố giấu gia đình bên nhà chuyện đi bán hàng đa cấp. Có đứa nợ hàng trăm triệu đồng, đứa nào nhà khá giả thì xin cha mẹ cầm cố nhà cửa để gửi sang trả nợ... cốt chỉ để thoát ra khỏi đường dây khủng khiếp này. Tôi đã mất tất cả, bạn bè, uy tín, thi cử”.
S., một nạn nhân của đường dây đa cấp, kể lại: “Upline (cấp trên) bám theo tôi như hình với bóng, gần như 24/24 giờ để đốc thúc việc vay mượn cho đủ 14.000 đôla Sing. Upline chỉ cho tôi cách khai thác tâm lý bạn bè, mượn tiền giờ nào để không thể từ chối. Tôi cứ như người bị mộng du, cái hình ảnh tiền bạc “năm chữ số” thường xuyên trong túi cứ dẫn tôi đi cùng upline từ sáng đến chiều, đến tối, thời gian đâu mà học nữa”.
H. kể: “Người ta vạch cho tôi phương châm để mượn tiền: “Khẩn cấp, tức thời và ngay tại chỗ”. Việc mượn tiền được khuyên nên tiến hành vào ban đêm, càng khuya càng tốt. Lúc ấy mình đã đặt người bị mượn trong tình huống khẩn cấp làm động lòng bạn bè.
Giả bộ người nhà ở VN bị bệnh hoặc có chuyện gia đình khẩn cấp để gợi lòng trắc ẩn và tinh thần tương thân của người cùng cảnh xa xứ. Cách thức mượn tiền được ghi thành nguyên tắc hẳn hoi: chưa mượn được thì phải nghĩ ra tình huống bất ngờ để mượn. Bạn đồng ý thì tiền phải trao tay.
Sinh viên K. cho biết: “Trong túi tôi còn có 650 đô, vậy mà giữa đêm khuya hắn đến nước mắt giàn giụa, làm sao cầm lòng được, tôi phải rứt ruột đưa bạn 600 đô, chỉ giữ lại 50 đô phòng thân”. Còn T. kể về người bạn kinh doanh của mình: “Hắn rất kiên trì, thậm chí đi gom từng tờ lẻ 5 đô cho tới khi có đủ 50 đô đang khiêm tốn nằm trong túi bạn bè “cùng khổ” của hắn rồi mới chịu đi”.
Trong một căn nhà nhỏ ở đường West Coast Way, S., một count (một “chức bậc” trong đường dây đa cấp), ra sức giới thiệu với tôi những sản phẩm, cách thức kinh doanh và khuyến cáo: “Hãy xài và cho người thân xài càng nhiều càng tốt”.
Nhìn sơ qua mớ hàng hóa gồm những lọ, chai, hương liệu mà giá của nó nghe qua đã ù cả tai: một lọ dầu như dầu gió 60 đô, một ống hương liệu 100 đô. Count S. đã bỏ tiền “ôm” số hàng lên đến 13.600 đô để bán lại mong leo lên được chức “marquis”.
Một số sinh viên bắt đầu nhận ra, gấp rút gọi điện về nhà mượn tiền để trả nợ nhưng vẫn không thoát. Những upline kè sát 24/24 giờ trả lời bằng những cái nhìn lạnh lẽo: “Rút thì im mà rút, sẽ được hoàn đủ tiền, còn làm rùm lên sẽ mất”.
Tuy nhiên, muốn trả lại hàng phải chịu mất 10% phí quản lý. Quá hạn sáu tháng coi như không trả được. Riêng một số mỹ phẩm và các sản phẩm bóc ra xài thử coi như “ôm” trọn. Hậu quả của việc rút lui cũng khá đau lòng: người mất ít nhất cũng khoảng 3.000 - 4.000 đô Sing (30 - 40 triệu đồng VN). T., một nhân vật đã lỡ gửi quá nhiều hàng về cho người thân xài thử ở VN, cho hay anh “lãnh trọn” số nợ 6.000 đôla Sing mà chưa biết làm sao.
Và người đau đớn khổ sở nhất có lẽ là S., anh chàng sinh viên nghèo quê miền Trung, đi học theo diện học bổng. Gia đình anh phải di tản khắp nơi để “né nợ” bởi đã đến kỳ hạn thanh toán số nợ ngân hàng hơn 60 triệu đồng mượn gửi sang cho con.
Ngoài những điều “huyền bí hóa” trong các buổi lễ thì người ta lấy những điều rất thật để làm lóe mắt sinh viên: hầu hết nhân vật cấp cao của nhánh này đều có bằng master. Hai người có bằng master từ Australia và Anh về, hai người khác lấy master tại Sing.
Một số bạn trong Hội sinh viên NUS sau khi tự điều tra về những đường dây này đã tiết lộ trên mạng như một lời cảnh tỉnh du học sinh: “Nghe có master, ai cũng tin là đàng hoàng, nhưng chúng tôi đã kiểm chứng và biết hầu hết các upline đều có trục trặc trong công ăn việc làm hoặc đang thất nghiệp. Nguy hiểm nhất là hết năm nay có thể họ hết hạn visa phải ra khỏi Singapore, lúc ấy sự mất mát sẽ lớn hơn”.
Đã có những sinh viên bức xúc nhờ cả những giảng viên ngành luật của Singapore khuyến cáo về tình trạng “có thể vi phạm pháp luật” của những đường dây chiêu dụ sinh viên VN tham gia “bán hàng đa cấp” và tung lên mạng. Các upline “phản pháo”, họ cũng lên mạng và khuyên bảo mọi người: “Cứ tự tin vào khả năng kinh doanh của mình”.
Theo Tuổi Trẻ
©2000-2025 | Du Học Đức - Thông tin du học Đức
Cập nhật - trao đổi và kinh nghiệm du học Đức từ năm 2000
Bài viết khác trong Góc Du học Đức
-
Kinh nghiệm đăng ký cư trú tại Đức: Hướng dẫn chi tiết cho du học sinh Việt Nam
Khi mới sang Đức, một trong những thủ tục quan trọng mà bạn cần thực hiện là đăng ký cư trú. Tương tự như tại Việt Nam, việc đăng ký cư...
-
Bí quyết xin học bổng DAAD du học Đức thành công
Học bổng DAAD (Deutscher Akademischer Austauschdienst) là một trong những học bổng danh giá nhất dành cho du học sinh quốc tế tại Đức. Đây là cơ...
-
Năm điều nên biết khi bạn muốn du học Đức
Xin chào các bạn! Mình đã từng du học và sinh sống tại Đức được 7 năm, hôm nay mình muốn chia sẻ những điều quan trọng nhất mà bạn cần...
-
Chưa đỗ ông Nghè đã lòe "phông bạt: "TIẾN SĨ VIỆT NAM" ở Đức
Câu chuyện của Tiến sĩ Vương Tấn Việt cũng bắt đầu bằng "thằng ba trợn".. và lần này lại một ông "tiến sĩ Đức" ra đi từ làng...Anh Lê Ngọc Sơn này...